Thứ Ba, 05/12/2017 08:39

ĐHĐCĐ Nhựa Tiền Phong: Không thông qua việc nới room lên 100%, đẩy nhanh tiến độ dự án số 2 An Đà

Một lần nữa vấn đề nới room được đưa ra bàn luận tại ĐHĐCĐ CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP). Với nhiều động thái giao dịch gần đây của cổ đông ngoại, nhà đầu tư kỳ vọng NTP sẽ nâng room ngoại lên 100%, tuy nhiên tờ trình này đã không được thông qua với tỷ lệ 53.6%.

Cổ đông Nhật ủng hộ Nhựa Tiền Phong nên thuộc sở hữu của người Việt

Tương tự nhiều Công ty khác, công tác nới room tại NTP đã bị trì hoãn thời gian dài do vướng phải kinh doanh có điều kiện. Nhớ lại tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, trước câu hỏi về lộ trình nới room ngoại của cổ đông, ban lãnh đạo Công ty cho biết: “NTP muốn nới room ngoại lên 65% phải dừng Dự án số 2 An Đà. Khi đó, dự án sẽ bị thu hồi và Công ty sẽ chịu thiệt hại lớn”.

Tại ĐHĐCĐ bất thường lần này, đại diện cổ đông Nhật Bản Sekisui cho biết chưa có ý định mua lại số cổ phần NTP mà SCIC đang nắm giữ. Sekisui ủng hộ việc Nhựa Tiền Phong nên thuộc sở hữu của người Việt Nam. Nếu nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% thì Công ty sẽ bị rút hai ngành nghề là kinh doanh bất động sản và tận tải hàng hóa bằng đường bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dự án số 2 Sông Đà. Sekisui đề nghị các cổ đông cân nhắc.

Trước đó vào cuối tháng 11/2017, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng bất ngờ công bố thông tin thay đổi lộ trình thoái vốn tại một số doanh nghiệp, trong đó có NTP. Theo đó, SCIC sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bán vốn tại NTP trong tháng 12 tới (SCIC đang nắm 37.1% vốn tại NTP).

Kết quả tại ĐHĐCĐ, một lần nữa vấn đề trên không được thông qua (tỷ lệ tán thành 46.2%, không tán thành 53.6%). Đồng thời, Công ty đã không rút hai ngành nghề kinh doanh có điều kiện là:

  • Mã ngành 6810: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
  • Mã ngành 4933: Vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Tiếp tục đầu tư bất động sản, đẩy nhanh tiến độ dự án số 2 An Đà

Về dự án số 2 An Đà, Công ty cho biết thủ tục thực hiện đã hoàn tất, hạn mức đầu tư sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2018. Để triển khai dự án này, Công ty đã thành lập Công ty Bất động sản Tiền Phong ngay sau khi được UBND TPHCM chấp thuận quy hoạch. Đồng thời, lộ trình thực hiện dự án giai đoạn 2015-2020 cũng đã được nêu rõ, trong đó những hạng mục đầu tư có thể quản lý, mang lại hiệu quả HĐQT sẽ kiểm soát; còn lại hạng mục khác sẽ mời nhà đầu tư thứ cấp. Được biết, NTP cũng đã nhờ Sekisui mời gọi những tập đoàn lớn Nhật Bản đầu tư những hạng mục họ có thế mạnh.

Chính thức công bố vào giữa năm 2014, dự án số 2 An Đà có quy mô hơn 6 ha trên trục đường Lạch Tray – trung tâm thành phố Hải Phòng, tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD. Dự án này sẽ bao gồm các khu trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn theo chuẩn Quốc tế, căn hộ cao cấp, hệ thống siêu thị... Dự án được phát triển trên diện tích đất sản xuất của Công ty sau khi di dời hoàn toàn sang Nhà máy mới.

Phối cảnh dự án số 2 An Đà

Có ảnh hưởng ngược đến giá cổ phiếu?

Thực tế, mối quan hệ giữa Sekisui Chemical với NTP đã hình thành ngay từ năm 2013 sau khi Sekisui Chemical và NTP ký hợp đồng hợp tác trong việc bán sản phẩm cũng như chuyển giao công nghệ kỹ thuật.

Tiếp tục vào tháng 7/2017, Sekisui Chemical đã ký kết hợp tác toàn diện và cổ đông chiến lược với CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Miền Nam (Công ty thành viên của NTP) để sở hữu 25% vốn tại đơn vị này.

Và trong tương lai, NTP kỳ vọng việc hợp tác với Sekisui sẽ giúp sản phẩm của NTP được tiếp cận công nghệ Nhật tiên tiến, đồng thời được phát triển rộng rãi hơn ra thị trường quốc tế.

Đang đà tăng giá, nhưng khi thông tin không thông qua việc nới room đã khiến cổ phiếu NTP quay đầu đỏ điểm 3 phiên trở lại đây. Liệu rằng, điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu NTP thời gian đến?

Về giao dịch tại NTP, khá thầm lặng trên thị trường, cho đến giữa tháng 9 năm nay trước sự cố bị cháy xưởng sản xuất ống nhựa PE đã khiến cổ phiếu NTP gây chú ý cho giới đầu tư. Chưa dừng lại, ngay sau đó cổ đông lớn Thái Lan là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co,.Ltd thoái toàn bộ gần 24% vốn sau 5 năm nắm giữ, và sự xuất hiện của cổ đông “lạ mà quen” Sekisui (Nhật Bản) đưa cổ phiếu NTP thành tâm điểm thị trường.

Nhựa Tiền Phong: Một nửa vốn từ Nawaplastic Industries đã có chủ nhân mới

Mặt khác, câu chuyện SCIC thoái vốn cũng đã thổi vào NTP động lực tăng giá mạnh mẽ. Theo ước tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu NTP ghi nhận tăng hơn 30%, hiện đang giao dịch tại mức 81,000 đồng/cp.

Biến động cổ phiếu NTP một năm qua

Với những động thái trên, tại kỳ Đại hội lần này, thị trường kỳ vọng công tác nới room ngoại lên 100% sẽ được NTP chính thức thông qua sau nhiều lần bỏ ngỏ; hơn nữa có nhiều dự đoán cho rằng Sekisui sẽ thông qua đó để tiếp tục nâng sở hữu tại NTP. Tuy nhiên thực tế lại đi ngược với dự đoán, NTP vẫn không chịu từ bỏ dự án số 2 An Đà, không thông qua tờ trình nới room khiến cổ phiếu ngay lập tức đi lùi.

Mặc dù vậy, thanh khoản tại NTP vẫn được dự báo tích cực trước câu chuyện thoái vốn của SCIC. Dự kiến trong lần bán vốn này, SCIC sẽ thoái toàn bộ 33.1 triệu cổ phiếu NTP (tương đương 37.1% vốn điều lệ). Theo CTCK FPT (FPTS), việc triển khai việc thoái vốn của SCIC tại NTP có thể là động lực ngắn hạn cho giá cổ phiếu trong thời gian tới, cùng với tham vọng mở rộng thị phần thị trường phía Nam của NTP nói riêng và dư địa phát triển nói chung của toàn ngành nhựa.

Đồng ý với quan điểm trên, CTCK Phú Hưng (PHS) cho rằng việc thoái vốn của SCIC tính đến nay là sự kiện đáng quan tâm nhất của NTP trong ngắn hạn, khi kỳ hạn cho việc thoái vốn đang đến gần. “Đây cũng có thể tạo nên động lực đi lên trong ngắn hạn của NTP, đồng thời việc thoái vốn có thể phần nào cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu NTP – khi đây là rủi ro đáng kể của NTP so với cổ phiếu BMP”, PHS nhấn mạnh.

Đại hội lần này cũng đã thông qua việc miễn nhiệm ông Sakchai Patiparnpreechavud khỏi vị trí Thành viên HĐQT, và miễn nhiệm ông Praween Wirotpan khỏi chức danh Thành viên Ban Kiểm soát, thời gian có hiệu lực từ ngày 16/10/2017. Ở chiều ngược lại, NTP đã thông qua việc bổ nhiệm ông Noboru Kobayashi vào HĐTQ nhiệm kỳ 2015-2020.

Tri Túc

FiLi

Các tin tức khác

>   TLD: BCTC năm 2016 (04/12/2017)

>   TLD: BCTC năm 2015 (04/12/2017)

>   TLD: BCTC Hợp nhất quý 2 năm 2017 (04/12/2017)

>   TLD: BCTC quý 2 năm 2017 (04/12/2017)

>   STT: BCTC Tóm tắt Hợp nhất quý 2 năm 2017 (04/12/2017)

>   SGC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (04/12/2017)

>   Vinaconex thu về hơn 1,000 tỷ đồng sau đấu giá thành công 51% Viwasupco (05/12/2017)

>   DIG: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng tham dự đại hội cổ đông bất thường (04/12/2017)

>   HOSE: Hoàn thiện và bổ sung hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu gửi Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (04/12/2017)

>   SII: Nghị quyết HĐQT số 17/2017 ngày 04/12/2017 (04/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật