Thứ Năm, 21/12/2017 14:33

Đã khép lại “Sabeco những ngày thoái vốn”

Phiên giao dịch ngày 19-12-2017, một ngày sau khi Nhà nước bán xong 53,59% vốn của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (SAB-Hose), thu về 4,8 tỉ đô la Mỹ - thương vụ thoái vốn lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử cải cách doanh nghiệp quốc doanh hàng chục năm qua - cổ phiếu Sabeco giảm sàn với dư bán hàng trăm ngàn đơn vị.

Thực ra với các cổ phiếu khác, dư bán sàn hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đơn vị là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với Sabeco thì khác. Lượng cổ phiếu trôi nổi của SAB ngoài thị trường chỉ có hơn 3 triệu đơn vị, mà dư bán hàng trăm ngàn, trong khi khối lượng khớp lệnh đạt hơn 360.000 đơn vị. Nhìn lại quá khứ, kể từ khi niêm yết vào đầu tháng 12-2016, SAB chỉ có ba phiên khối lượng khớp lệnh lên gần 400.000 đơn vị/phiên.

Khối ngoại đang nắm giữ phần lớn cổ phiếu SAB, vốn được họ mua vào từ cách đây nhiều năm, ở mức giá từ 35.000-75.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC. Một số nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân, mua vào ở thời điểm Sabeco chuẩn bị niêm yết, từ giữa năm ngoái, giá tầm đâu đó 100.000-120.000 đồng/cổ phiếu. Ngay cả những nhà đầu tư thận trọng, đợi Sabeco lên sàn một thời gian mới xem xét xuống tiền, thì khoảng sáu tháng đầu năm nay, thị giá SAB vẫn chỉ quanh quẩn ở 200.000 đồng. Giờ bán ra, dù bán giá sàn, kiểu gì họ cũng có lời.

Vì sao Sabeco giảm sàn sau khi Nhà nước thoái vốn thành công? Với giá đóng cửa 287.600 đồng ngày 19-12-2017, chỉ số P/E của SAB đang tụt nhanh, chỉ còn 41 lần, tất nhiên vẫn quá cao so với các P/E các cổ phiếu bia khu vực, nhưng đã thấp hơn so với mức 50 lần của chính nó vài tuần trước.

Có thể những nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu SAB đã nhận ra rằng để Sabeco thay đổi phương thức quản trị, để những cổ đông mới cử người vào hội đồng quản trị hay ban tổng giám đốc, ban kiểm soát cần có thời gian. Sự tăng trưởng vượt bậc của Sabeco sẽ không thể đến ngay lập tức. Hơn nữa cái chốt 36% cổ phần mà Nhà nước đang nắm giữ còn đó, Nhà nước vẫn có quyền phủ quyết những quyết sách quan trọng của doanh nghiệp.

Cho đến nay bên mua vẫn chưa hề lên tiếng câu nào. Họ im lặng tuyệt đối. Chỉ có những bình luận đắt rẻ của những nhà sản xuất, phân phối trong và ngoài ngành thực phẩm, đồ uống. Cũng chưa xuất hiện ý kiến nào đề cập khả năng mà tổ chức mua sẽ sử dụng một cách càng nhanh càng tốt hệ thống phân phối rộng khắp cả nước của Sabeco để phân phối các sản phẩm của họ. Trong hai năm qua, sự xâm nhập của hàng Thái Lan vào Việt Nam đang gia tăng chóng mặt qua hệ thống phân phối là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ. Giá cả hàng hóa Thái ngang ngửa hàng Việt, chất lượng cạnh tranh hơn hàng Trung Quốc và sự tiêu thụ hàng hóa Thái trên đất Việt rõ ràng không tồi.

Tận dụng kênh phân phối của Sabeco để đưa các nhãn hiệu bia ngoại, của Thái Lan và của những hãng khác sản xuất tại Thái Lan, vào Việt Nam sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu Thái giảm chi phí và nhờ đó, đưa ra mức giá bán buôn, bán lẻ cạnh tranh. Mở rộng thị phần tại Việt Nam cho hàng hóa của họ trước, đấy chẳng phải là một nước cờ nên đi sao?

Như vậy, triển vọng tăng trưởng vượt bậc lợi nhuận của Sabeco trong năm 2018 vẫn còn là dấu hỏi. Sabeco có thể vẫn tăng trưởng ở mức mà nó duy trì năm nay. Chín tháng đầu năm 2017 lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ SAB là 3.393 tỉ đồng (so với 4.478 tỉ đồng của cả năm 2016). Với Sabeco câu chuyện thoái vốn đã kết thúc (cho đến khi Chính phủ quyết định liệu có bán tiếp 36% cổ phần còn lại của tổng công ty), một chỉ số P/E cao, thanh khoản cổ phiếu khớp lệnh hàng ngày thấp và sự sụt giảm của thị giá đang ảnh hưởng đến danh mục đầu tư của những tổ chức, cá nhân đang sở hữu nó, vậy thì tại sao không bán ra? Còn với những tổ chức có cổ phiếu Sabeco mà đang có lời, năm tài chính sắp kết thúc, bán ra để chốt NAV (tổng giá trị tài sản ròng) là điều không thể bỏ qua.

Kể từ mức giá đỉnh 340.000 đồng, đến phiên giao dịch ngày thứ Ba tuần này, thị giá SAB đã rớt 15,4% và giá trị vốn hóa của Sabeco đã “bốc hơi” 33.603 tỉ đồng, tương đương 1,48 tỉ đô la Mỹ. Chưa có gì đảm bảo giá SAB sẽ không còn biến động.

Bên mua cổ phần SAB mà Nhà nước bán ra đợt này, chắc chắn sẽ không mang cổ phiếu ra giao dịch trên sàn một cách lẻ tẻ. Với khoản đầu tư quy mô khủng như vậy, họ sẽ nắm giữ SAB phù hợp với mục tiêu đầu tư và sẽ chỉ chuyển nhượng khi có lợi nhuận. Lượng cổ phiếu Sabeco có thể giao dịch trên thị trường, về cơ bản, sẽ không thay đổi. Khó hy vọng thanh khoản khớp lệnh hàng ngày của SAB sẽ cải thiện kể từ đây. Mà thanh khoản là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư tổ chức. SAB có lẽ sẽ trở thành cuộc chơi của các nhà đầu tư cá nhân?

Song trước mắt, ai sẽ mua lượng cổ phiếu Sabeco hơn 9% mà khối ngoại đã, đang và có thể tiếp tục giao dịch? Tập một của cuốn tiểu thuyết mang tên “Sabeco những ngày thoái vốn” đã đi đến các trang cuối cùng. Tập hai chắc còn đợi lâu.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   VPH: Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng (21/12/2017)

>   KPF: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến Người nội bộ Hà Thị Ngần (21/12/2017)

>   SKG: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến Người nội bộ Kaibuok Shipyard (M) SDN. BHD. (21/12/2017)

>   SKG: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Puan Kwong Siing (21/12/2017)

>   VIC: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến Người nội bộ Phan Hồng Nhung (21/12/2017)

>   BDP: Báo cáo kết quả giao dịch của cổ đông sáng lập (21/12/2017)

>   NFC: Quyết định ký hợp đồng với người có liên quan (21/12/2017)

>   HNF: Lưu Thanh Tâm không còn là cổ đông lớn (21/12/2017)

>   XHC: Báo cáo kết quả giao dịch mua 170,000 CP của Đoàn Hương Sơn - thành viên HĐQT (21/12/2017)

>   DL1: Báo cáo thay đổi sở hữu cổ phiếu của cổ đông lớn - Công ty TNHH Global Capital (21/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật