TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: Ba rào cản khiến Thủ Thiêm ì ạch
Theo quy hoạch, Thủ Thiêm 4 là một trong bốn cây cầu bắc qua bán đảo Thủ Thiêm, xuất phát từ quan điểm càng nhiều kết nối bờ Đông càng phát triển. Trao đổi với Người Đô Thị, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn lại cho rằng lực cản đối với sự phát triển bán đảo Thủ Thiêm đến từ tư duy quản lý, không thay đổi tư duy thì xây bốn cây cầu cũng chưa chắc đạt hiệu quả mong muốn.
* Tp.HCM muốn đổi 16 lô đất vàng làm cầu Thủ Thiêm 4
Thứ nhất là tư duy theo địa giới hành chính. Lịch sử để lại hai bản quy hoạch Thủ Thiêm và quy hoạch khu trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3 và Bình Thạnh đều do Công ty Sasaki Associates Inc. thực hiện.
Nhận định quy hoạch không phụ thuộc địa giới hành chính, ông Sơn bảo lưu quan điểm đã được trình bày nhiều lần với nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố rằng xem xét hai bờ Đông - Tây như một chỉnh thể thống nhất, trong đó hai bản quy hoạch phải trở thành đối tượng nghiên cứu cùng lúc theo hướng hợp nhất.
Tư duy sai lầm khiến quy hoạch hai bờ không có quan hệ tương hỗ, ví dụ như kết nối giao thông kém hiệu quả do hai đầu cầu không thực hiện chức năng dẫn dắt vào trung tâm hai bờ Đông - Tây; phố đi bộ Nguyễn Huệ - không gian công cộng rộng nhất ở khu trung tâm hiện hữu không hề có liên hệ về không gian với quảng trường trung tâm Thủ Thiêm...
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn
|
Rào cản thứ hai là tư duy đơn ngành. Quy hoạch và giao thông mạnh ai nấy làm, khiến đầu tư cơ sở hạ tầng phát huy hiệu quả dưới tiềm năng.
Thứ ba là tư duy thiếu chiến lược ưu tiên ngắn hạn và dài hạn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chính quyền thành phố cần xác định khu vực ưu tiên cho phát triển, bảo tồn. Chiến lược phát triển phố Đông của Thượng Hải là một bài học đáng tham khảo: khuyến khích phát triển đô thị ở bờ Đông, còn bờ Tây nhiều di sản là khu vực bảo tồn. TP.HCM đang làm ngược lại. Bờ Tây tập trung nhiều di sản thì được quy hoạch một dải đô thị 60,70 tầng kéo dài từ Tân Cảng, qua Ba Son và sắp tới là cảng Sài Gòn trong khi Thủ Thiêm lại bị khống chế chiều cao ở mức 40 tầng.
Việc xác định sai thứ tự ưu tiên tác động đến tư duy theo kinh tế thị trường. Đổi đất lấy hạ tầng không phải phương thức duy nhất thu hút nguồn lực tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng, chưa kể lựa chọn này không bền vững do quỹ đất giới hạn. Tạo lập cơ chế khuyến khích cho Thủ Thiêm hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền thành phố. Vệt đô thị dọc bờ Tây với hàng triệu mét vuông sàn thương mại thu hút dòng tiền đầu tư.
Dòng tiền đầu tư hữu hạn, tập trung vào bờ Tây khiến bờ Đông gặp khó. Việc cao tầng hóa bờ Tây còn khiến hệ thống cơ sở hạ tầng quá tải, làm trầm trọng hơn tình trạng kẹt xe, ngập nước... Trách nhiệm giải quyết thuộc về Nhà nước, do đó tạo nên gánh nặng ngày càng lớn lên ngân sách địa phương. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, lại phải dành cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng ở bờ Tây, khiến nguồn lực phát triển Thủ Thiêm tiêu tán. Hạ tầng yếu kém thì dù có làm thêm cầu Thủ Thiêm cũng rất khó phát triển.
Tựu trung, việc bắc cầu qua Thủ Thiêm không có nhiều ý nghĩa khi tư duy lãnh đạo không thay đổi để từ đó đổi thay cách tiếp cận vấn đề. Bằng không, mọi giải pháp chỉ có ý nghĩa chữa cháy. Cũng cần nhắc lại rằng chi phí giải phóng mặt bằng Thủ Thiêm là tiền đi vay. Thủ Thiêm càng chậm, ngân sách thành phố càng nặng gánh.
Diệp Khuê ghi
Người đô thị
|