Traphaco: Hơn 40% vốn được sang tay, sắp lộ diện nhà đầu tư ngoại mới?
Trong phiên giao dịch 06/11, hơn 16.6 triệu cp được sang tay, tương đương 40% vốn tại TRA đã được khối ngoại sang tay. Vậy nhà đầu tư nước ngoài nào đã thoái hết vốn tại TRA và nhân tố nào sẽ xuất hiện?
Cuộc chia tay ngọt ngào giữa TRA và Mekong Capital?
Trong phiên giao dịch ngày 06/11, giao dịch tại CTCP Traphaco (HOSE: TRA) đã xuất hiện nhiều lệnh giao dịch thỏa thuận, trong đó có một lệnh 10.36 triệu cp, đúng bằng khối lượng đăng ký thoái toàn bộ 25% vốn do cổ đông lớn Vietnam Azalea Fund Limited - Mekong Capital nắm giữ.
Trước đó, cổ đông ngoại Mekong Capital đã từng “khơi mào” về việc thoái vốn này từ đầu năm 2016 với mục đích đơn thuần là thoái vốn ra khỏi công ty niêm yết và hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư sau 10 năm.
Vietnam Azalea Fund Limited được Mekong Capital khai trương vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Quỹ chuyên đầu tư vào công ty Nhà nước ở giai đoạn đầu cổ phần hóa, hoặc giai đoạn phát hành thêm cổ phiếu hoặc trong các giao dịch cổ phiếu khác, và sau đó bán các khoản đầu tư này khi các công ty được niêm yết.
|
Năm 2007 khi mà Traphaco tiến hành chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) thì Mekong Capital đã tham gia vào Công ty từ thời điểm này với tỷ lệ 5%, ứng với 500,000 cp. Bắt đầu từ năm 2010, Mekong Capital đã liên tục tăng dần tỷ lệ sở hữu thông qua việc gom cổ phiếu và nhận cổ phiếu thưởng.
Đồng thời đơn vị này cũng cũng đã cử nhân sự đại diện tham gia vào ban lãnh đạo để theo sát hoạt động của TRA, hiện là ông Christopher E. Freund và ông Chad Ryan Ovel trong vai trò Thành viên HĐQT (trúng cử tại ĐHĐCĐ thường niên 2016).
Những năm đầu niêm yết đến 2012 (thời điểm Mekong Capital thực hiện nhiều lượt gom cổ phiếu TRA), TRA chỉ có giá khoảng 10,000-20,000 đồng/cp. Cộng với lượng cổ phiếu thưởng và cổ tức nhận được, thì khoản lợi nhuận mà Mekong Capital thu về khi thoái vốn ở thời điểm này là không hề nhỏ. Được biết, mức giá thỏa thuận trong phiên 06/11 lên đến 141,500 đồng/cp (cao hơn 15% so với giá giao dịch hiện tại), tương ứng giá trị hơn 1,466 tỷ đồng. Như vậy nhiều khả năng Mekong Capital đã thoái xong vốn tại TRA và thu về hơn 1,466 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu TRA từ khi niêm yết đến nay
|
Cùng với Mekong Capital, Vietnam Holding Limited cũng đã thoái sạch vốn?
Ngoài 10.36 triệu cp thỏa thuận nói trên, phiên giao dịch 06/11 cũng có thêm còn 6.3 triệu cp được thực hiện tại với mức giá 141,500 đồng, được chia thành 4 lệnh. Trong đó, gồm một giao dịch thỏa thuận hơn 4.3 triệu cp, hai giao dịch khoảng 700,000 đơn vị và một giao dịch 536,106 cổ phiếu.
Tại TRA, ngoài Mekong Capital là cổ đông ngoại nắm 25% thì còn có Vietnam Holding Limited nắm giữ 3.6 triệu cp, tương đương 10.4% vốn (theo báo cáo thường niên năm 2016). Tuy nhiên, vì TRA có thực hiện thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:2 vào tháng 5/2017 nên khả năng Vietnam Holding Limited đang nắm sở hữu hơn 4.3 triệu cp. Như vậy, rất nhiều khả năng khối lượng giao dịch thỏa thuận 4.3 triệu cp TRA diễn ra trong ngày 06/11 là của Vietnam Holding Limited.
Nên nhớ rằng, Vietnam Holding Limited dù là cổ đông lớn nhưng không có nhân sự nào thuộc cổ đông nội bộ hay người có liên quan tại TRA nên không thuộc diện phải công bố thông tin trước khi giao dịch. Như vậy, có thể sắp tới đây, tại TRA sẽ xuất hiện ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông lớn (trong trường hợp nhà đầu tư này cùng mua hết phần thoái vốn của Mekong Capital và Vietnam Holding Limited).
TRA còn hấp dẫn?
Điểm sơ về kết quả kinh doanh, quý 3 vừa qua doanh thu thuần TRA ghi nhận được không mấy ấn tượng khi thụt lùi 7% còn 452 tỷ đồng, tuy nhiên nhờ cắt giảm chi phí tài chính thấp hơn so với cùng kỳ nên TRA vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, lãi ròng gần 61 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng cũng tương tự với doanh thu giảm 13% ghi nhận 1,311 tỷ đồng và lợi nhuận ròng gần 179 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy vậy, so với kế hoạch năm thì TRA đã thực hiện 66% chỉ tiêu doanh thu còn lãi ròng đã đạt hơn 80% kế hoạch.
Nhìn lại những dự định cho giai đoạn 5 năm 2016-2020 được TRA đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Traphaco dự kiến mức tăng trưởng doanh thu ít nhất 12%/năm, lợi nhuận 15%/năm. Đáng chú ý là kế hoạch tăng vốn gấp 2 lần hiện tại thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông (dự kiến tăng theo 3 đợt gồm năm 2016 tăng 40% vốn điều lệ, năm 2017 tăng 20% và năm 2018 tăng 20%). Mức cổ tức dự kiến trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 30%/năm. Qua kế hoạch có thể thấy tham vọng tăng trưởng của TRA là không hề nhỏ, đồng thời Chủ tịch Vũ Thị Thuận cũng từng cho biết mục tiêu tăng trưởng của Công ty trong 5 năm tới là không dưới hai con số.
Song song đó, bà cũng từng chia sẻ về chiến lược phát triển của Traphaco không còn là thuộc hàng đầu nữa mà là dẫn đầu. Bên cạnh những kế hoạch M&A, nâng cao dây chuyền và mở rộng mạng lưới phân phối, TRA cũng có hướng hợp tác với tổ chức nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Trước đó, Công ty cũng đã có thương vụ hợp tác với Tập đoàn Novarits của Thụy Sỹ để phân phối sản phẩm cho Sandoz vào năm 2015.
Một trong những lợi thế lớn của TRA là chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, chiếm khoảng 80% nhờ phát triển vùng nguyên liệu khép kín. Nhờ đó, TRA giảm được các chi phí đầu vào, cải thiện biên lợi nhuận gộp qua các năm (tăng từ 46% năm 2015 lên đến gần 50% năm 2016), trong đó các sản phẩm từ đông dược đóng góp chủ yếu (hơn 70%) trong lợi nhuận gộp của công ty.
Ngoài ra, dự án nhà máy Dược Việt Nam sẽ đi vào hoạt động vào quý 3/2017 kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất thuốc tân dược của Traphaco. Kênh bán hàng ETF (hệ thống điều trị) hiện cũng đang đóng góp khoảng 14% trong tổng doanh thu và có thể giúp các sản phẩm tân dược của TRA bước đầu thâm nhập vào hệ thống bệnh viện.
Theo nhận định của CTCK Phú Hưng (PHS), việc thoái vốn của Mekong Capital tại Traphaco cũng mang lại triển vọng tốt. Kịch bản cho đợt thoái vốn lần này có thể sẽ là “trao tay” cho một trong số hai nhà đầu tư ngoại khác, một là doanh nghiệp dươc phẩm đến từ châu Á, hai là một nhà đầu tư tài chính châu Âu. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ có thể tiếp tục hỗ trợ cho Traphaco trong thời gian tới.
Lãnh đạo đua nhau thoái vốn
Gầy đây, một chuyển động khác liên quan đến giao dịch tại TRA cũng gây chú ý là giao dịch thoát hàng đồng loạt của những người cầm trịch và người có liên quan khi có 5 cá nhân thực hiện 7 giao dịch thoái tổng cộng gần 700,000 cp. Trong đó hai lãnh đạo chủ chốt là Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Thuận đã bán hơn 116,000 cp còn Tổng Giám đốc Trần Túc Mã thì đã hoàn tất thoái tổng cộng hơn 500,000 đơn vị trong 3 lần giao dịch.
Lãnh đạo đồng loạt thoái vốn từ tháng 8/2017
|
Trong vòng 12 tháng qua cổ phiếu TRA đã có sự tăng trưởng đáng kể cùng với sóng ngành dược khi tăng đến 30% từ vùng giá 90,000 đồng lên hơn 120,000 đồng/cp. Với đà tăng giá của TRA thì lần “rủ nhau” thoái vốn vừa qua của lãnh đạo chỉ đơn thuần là chốt lời hay âm thầm sang tay cho một cổ đông khác vẫn còn là ẩn số!
|
Trí Nhiên
FILI
|