Thuê và bán lại máy bay giúp Vietnam Airlines có quý kinh doanh tốt nhất từ khi IPO, 9 tháng lãi vượt 61% kế hoạch
Quý 3/2017, Vietnam Airlines ghi nhận hơn 1,433 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất từ đầu năm 2015 tới nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2,633 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng đã vượt 61% kế hoạch cả năm.
|
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, Sales & Leaseback giúp lợi nhuận khởi sắc
Theo giải trình của Tổng Công ty, lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 tăng trưởng chủ yếu do tổng doanh thu và thu nhập khác tăng 14% so với quý 3/2016, trong đó doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 12% (doanh thu bình quân của hành khách nội địa tăng 20%, quốc tế tăng 4%, doanh thu thuê chuyến tăng mạnh 117%). Tốc độ tăng doanh thu quý 3/2017 cao hơn tốc độ tăng chi phí, theo đó đẩy lợi nhuận gộp tăng mạnh 43%, vượt mức 4,000 tỷ đồng.
Tăng thu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay; cổ tức, lợi nhuận được chia; lãi chênh lệch tỷ giá cũng giúp doanh thu tài chính tăng 75%, cán mốc 220 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính, hoạt động bán và cho thuê lại máy bay (Sales & Leaseback, SLB) mang về gần 206 tỷ đồng vào thu nhập khác của Vietnam Airlines trong quý. Cụ thể, thu nhập từ nghiệp vụ bán và thuê lại tàu bay A350 của Công ty mẹ là hơn 54 tỷ đồng, công ty con Jetstar Pacific (JPA) thực hiện Sales & Leaseback tàu bay A320 thu được 151 tỷ đồng, trong khi quý 3/2016 không phát sinh nghiệp vụ này.
Cũng liên quan đến nghiệp vụ Sales & Leaseback, Vietnam Airlines trước đó cho biết, sau khi hoàn thành bán cổ phần cho cổ đông chiến lược và thực hiện tái cấu trúc tài sản nợ, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm xuống và duy trì ở mức xấp xỉ 3 lần vào cuối năm 2017. Nhờ thực hiện chuyển đổi hình thức từ sử dụng vốn vay sang hình thức bán và thuê lại, Tổng Công ty đã hoàn toàn chủ động và hiện nay không phải sử dụng bảo lãnh vay vốn của Chính phủ cho đầu tư phát triển đội bay.
Về sự tăng trưởng của lợi nhuận trong quý, Vietnam Airlines giải trình thêm, lợi nhuận từ đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ tăng hơn 190 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do các công ty con đều kinh doanh có lãi và tăng trưởng tốt như CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS), Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hoá Tân Sơn Nhất (TCS),… hay các công ty con Skypec, NCTS,… nhận cổ tức từ đầu tư vào công ty liên kết, trong khi cùng kỳ không có các khoản thu nhập này.
Do vậy, dù chi phí tài chính và các chi phí hoạt động đều tăng đáng kể, Vietnam Airlines vẫn ghi nhận hơn 1,433 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý 3, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất theo thống kê từ đầu năm 2015 tới nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2,633 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng đã vượt 61% kế hoạch cả năm. So với con số 2,310 tỷ đồng mà Tổng Công ty công bố trước đó, lợi nhuận trước thuế đã tăng thêm 323 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dừng ở mức 2,256 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế tính theo quý của Vietnam Airlines từ đầu năm 2015
Đơn vị tính: Triệu đồng
(*) Lợi nhuận quý 1/2015 tính theo BCTC riêng
|
Tại thời điểm 30/09/2017, tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh lên hơn 8,000 tỷ đồng, đầu năm chỉ ghi nhận 2,700 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của Tổng công ty tăng 44% lên 2,300 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 21% sau 9 tháng, còn 12,300 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đạt 75,356 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm; trong đó tổng nợ vay và cho thuê tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) ở mức 53,297 tỷ đồng, giảm 12%.Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines hiện đang hơn 4 lần, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đạt hơn 3 lần, đều ở mức cao.
Vận chuyển hơn 16 triệu hành khách 9 tháng đầu năm, thị phần các trục đường lớn trong quý 3 vẫn ở mức cao
Trong 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines cho biết thực hiện gần 108 ngàn chuyến bay với chỉ số đúng giờ (OTP) của các chuyến bay đi đạt 90.8%, tăng 6.7 điểm so với cùng kỳ. Hãng vận chuyển hơn 16 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ. Trên đường bay trục giữa Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng, sản lượng vận chuyển toàn Tổng Công ty trong 9 tháng đầu năm đạt 6.8 triệu lượt khách; trong đó quý 3 thị phần đường trục đạt 72%.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10/2017, theo lịch khai thác của các hãng, trung bình có 47 chuyến/chiều/ngày, bằng 85.5% so cùng kỳ năm 2016. Trong khi số chuyến bay khai thác của Vietjet và Jetstar Pacific đều giảm thì Vietnam Airlines lại tăng gần 9%, đạt 25 chuyến/chiều/ngày.
Trong giai đoạn đến giữa tháng 10/2017, Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng trung bình 2-3 chuyến bay/chiều/ngày giữa Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, đồng thời đổi tàu bay lớn hơn trên một số chuyến bay thường lệ khác.
Được biết, năm 2017, Vietnam Airlines dự kiến khai thác trung bình 91.2 tàu bay, tăng 4.9 tàu so với năm 2016. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu đội bay thân rộng như bán 4 tàu B777, dừng khai thác và trả 3 tàu A330, bán và thuê lại 4 tàu A350 và 1 tàu B787.
Tổng Công ty cho biết sẽ tổ chức triển khai phương án tăng vốn điều lệ chào bán hơn 191 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15.57% trong quý 4/2017. Trong đó, phát hành hơn 164.7 triệu cp cho cổ đông Nhà nước, hơn 16.7 triệu cp cho ANA Holding Inc, còn lại 9.69 triệu cp cho các cổ đông hiện hữu khác. Dự kiến số tiền thu được từ đợt phát hành là 1,992 tỷ đồng sẽ dùng để thanh toán/bù đắp tiền mua máy bay B787-9/A350 và thanh toán các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thu Phạm
FiLi
|