Thuế tài sản: Đánh sao cho trúng?
Nếu làm công khai, minh bạch, người giàu sẽ bớt tâm tư khi phải mở hầu bao, đóng góp lại cho ngân sách nhà nước.
* Sẽ chưa thể thí điểm thuế tài sản tại Tp.HCM
Thay vì chỉ tranh luận nên hay không nên đánh thuế tài sản, sẽ thuyết phục hơn nếu giải trình rõ phạm vi tài sản chịu thuế và cách thức sử dụng nguồn tiền thu được. Nếu làm công khai, minh bạch, người giàu sẽ bớt tâm tư khi phải mở hầu bao, đóng góp lại cho ngân sách nhà nước.
Nên đánh thuế bất động sản
Tranh luận về cơ chế đặc thù cho TP.HCM tiếp tục làm nóng Quốc hội trong những phiên thảo luận tuần vừa qua. Dù đồng tình với việc phải có những hỗ trợ để đầu tàu thực sự là đầu kéo, quyền được tăng các sắc thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu, như được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển TP.HCM, vẫn nhận được nhiều nghi ngại. Ở nhóm nội dung này, phương án khả thi nhất đang được bàn thảo là đánh thuế tài sản, mà chủ yếu sẽ là bất động sản.
Đã có những hiểu nhầm nhất định về biện pháp đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhằm phân phối thu nhập giữa nhóm người giàu, siêu giàu với nhóm người đang sống ở dưới mức trung lưu và nghèo khó trong xã hội. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là thuế tài sản có làm giảm cơ hội được sở hữu nhà của người dân Việt, khi giá nhà đang cao gấp trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội?
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Đỗ Thị Thìn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tư vấn thuế Việt Nam, giải thích, đây là sắc thuế đánh vào người giàu, những người có nhiều căn hộ chung cư, nhà đất đầu tư hoặc cho thuê. Điều này đồng nghĩa, nếu người chưa có nhà, hoặc chỉ sở hữu 1-2 bất động sản, họ chưa thuộc diện phải chịu thuế. ‘’Người có nhiều tài sản thì phải nộp thuế, đây là cách điều tiết thu của người giàu. Tuy nhiên, đánh thuế vào cổ phần, cổ phiếu hay những tài sản tích trữ như vàng, USD... thì hơi khó, chủ yếu sẽ là thuế bất động sản. Tuy nhiên, nên đánh thuế tài sản ở mức độ thấp, mục đích chính là để quản lý’’, bà Thìn góp ý.
Nếu thực hiện minh bạch và công bằng, sắc thuế này sẽ càng có ý nghĩa xã hội hơn trong bối cảnh số người siêu giàu tăng nhanh và số hộ nghèo cũng tăng nhanh như điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Điều này càng đáng suy ngẫm hơn bởi lẽ, theo quan sát của rất nhiều chuyên gia kinh tế, người giàu Việt Nam chủ yếu từ việc trục lợi các mối quan hệ thân hữu, buôn bán bất động sản, không loại trừ nguyên nhân giàu từ tham nhũng. Còn quá thiếu những gương mặt giàu nhờ các hoạt động sáng tạo tri thức, khoa học công nghệ, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất... đồng nghĩa, sự giàu có của nhóm này không tạo ra sức lan tỏa trong xã hội. Cũng không loại trừ khả năng, nhiều người siêu giàu nhờ chiếm dụng được những nguồn lực chung của đất nước, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tỉ lệ hộ nghèo gia tăng. Người giàu phải bù đắp cho người nghèo không chỉ hợp lý mà còn phù hợp với truyền thống ‘’lá lành đùm lá rách’’ của dân tộc.
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, bổ sung một hướng tiếp cận khác. Theo đó, khi người giàu không dùng tiền để đầu tư vào sản xuất mà tập trung vào lĩnh vực bất động sản sẽ không tạo được cơ hội việc làm cho người nghèo. Đó là chưa kể nguồn lực đổ dồn vào bất động sản tiềm ẩn nguy cơ lũng đoạn thị trường. ‘’Tình hình ở Việt Nam chưa nặng nề lắm nên phải xem xét điều chỉnh việc đánh thuế tài sản cho phù hợp. Chỉ nên tập trung vào những người kinh doanh nhiều tòa nhà, đất đai, có quy mô tương đối lớn”, ông Phố cho biết.
Một vấn đề khác cũng khiến dư luận băn khoăn là nếu chỉ áp dụng ở TP.HCM thì có bất công với người dân ở địa phương này hay không? Để điều chỉnh điều này, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, một vị đại biểu đã đề xuất nên dùng chữ “thí điểm” cho việc đánh thuế tài sản ở TP.HCM. Tuy nhiên, nếu không quá xét nét về chuyện công bằng, thực chất là cào bằng, có thể thấy, nguồn lực của toàn xã hội đều dồn vào các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, Đà Nẵng. Vì thế, nếu đặt vấn đề về chuyện công bằng, có lẽ chỉ nên xem xét đánh thuế tài sản ở những đô thị phát triển tương tự như TP.HCM. Với viễn cảnh may mắn nhất, khi những đô thị lớn không còn sức hút vì chính sách thuế nghiêm ngặt hơn, đó sẽ là cơ hội của những đô thị vùng ven. Sự phân bổ nguồn lực được thực hiện một cách tự nhiên. Điều này có thể giúp giảm bớt những bất bình đẳng giữa kinh tế các vùng miền.
Những điều đáng lo hơn
Luật Thuế tài sản được đặt ra khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, dự báo sẽ tăng lên 3.400USD (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên. Mặc dù vậy, mục tiêu điều tiết thu nhập giữa người giàu và người nghèo rất dễ bị biến tướng nếu nguồn tiền thu được qua các sắc thuế được sử dụng không đúng mục đích.
Dù có đảm bảo rằng, việc thu thuế sẽ được thực hiện công khai và bình đẳng giữa các chủ thể sở hữu tài sản trong quy định phải đóng thuế, người ta vẫn có quyền băn khoăn, khi nguồn lực mới này chỉ được đầu tư ở TP.HCM, theo đúng tinh thần của cơ chế đặc thù. Cần phải nhắc rằng, thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2016 đạt hơn 5.000USD, cao gấp hơn 2 lần mức trung bình của cả nước. Nói cách khác, trong trường hợp này, sự phân phối lại thu nhập xảy ra giữa người siêu giàu và những người sống trên mức trung lưu.
Có một cách nhìn nhận rất bao dung, Giáo sư Phạm Phố lý giải, trong giai đoạn đầu, các nước cũng ưu tiên khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng. Sự đầu tư này sẽ góp phần giải quyết công việc cho người lao động, gây ra những tác động dù chỉ là gián tiếp. Sau đó, tất cả mọi người phải bình đẳng trong việc tiếp nhận nguồn lực này. Điều đáng suy nghĩ hơn là làm rõ những nhập nhèm tài sản công hay tư, nguồn gốc tài sản. Bởi lẽ, dù các sắc thuế về tài sản có thể làm chùn tay tham nhũng dưới nhiều hình thức nhưng gốc rễ của vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết.
“Dư luận đặt câu hỏi, có chuyện cắt xén đất công để bán hoặc cho tư nhân thuê lại, tiền bỏ túi riêng của một người hay một nhóm người hay không? Họ nghi ngờ nhiều cán bộ, công chức có mức lương rất khiêm tốn theo chế độ hiện hành mà có trang trại, biệt phủ rộng cả vài hecta.
Có hay không việc biết trước thông tin dự án để đầu cơ đất đai như trường hợp sân bay Long Thành đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội? Thông tin 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ nếu không có căn cứ thì thực chất tình trạng này như thế nào? Phải làm rõ những vấn đề như thế thì mới có thể thu hẹp được cách biệt ngày càng xa giữa người giàu và người nghèo”, ông Phạm Phố thẳng thắn.
Từ tinh thần nói trên, có 2 vấn đề cần tiếp tục được bàn bạc: có nên dùng tiền thu được từ thuế tài sản đầu tư cho các đô thị riêng biệt và làm thế nào để việc kê khai tài sản của quan chức ngày càng có nhiều tác dụng thực tiễn? Gõ cửa nào cửa đó sẽ mở, vấn đề chỉ nằm ở việc chúng ta có sẵn sàng từ bỏ lợi ích cục bộ để nghĩ tới một viễn cảnh bền vững và phồn vinh chung cho mỗi người dân trên đất nước này hay không? Câu trả lời đang nằm trong tầm tay các nhà quản lý.
nhịp cầu đầu tư
|