TH1: Cơ hội nào để tái sinh?
Vướng vào vòng xoáy nợ nần chồng chất, nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng lên và thua lỗ liên tục khiến án hủy niêm yết treo lơ lửng thì liệu còn cơ hội nào để CTCP XNK Tổng hợp 1 Việt Nam (Generalexim, HNX: TH1) tái sinh?
* TH1: Thời vàng son chỉ còn là dĩ vãng, nay lỗ đã vượt vốn còn án hủy niêm yết thì cận kề
* TH1: Hàng loạt khoản vay quá hạn tính bằng năm, ngân hàng nào đang mắc kẹt?
Án hủy niêm yết cận kề, giá cổ phiếu trượt dài
Sau một thời gian dài kinh doanh thụt lùi (từ 2009-2014), cuối cùng TH1 đã chính thức ghi nhận thua lỗ nặng từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, năm 2015, TH1 báo lỗ nặng hơn 134 tỷ đồng; năm 2016, TH1 lỗ thêm gần 134 tỷ đồng mà nguyên nhân chính vẫn là những tác động đến từ trích lập dự phòng phải thu, dự phòng kinh doanh chứng khoán, lỗ chênh lệch tỷ giá, lãi tiền vay ở mức khá cao…
9 tháng đầu năm 2017, TH1 lỗ thêm hơn 5 tỷ đồng, kéo lỗ lũy kế tính đến 30/09/2017 lên con số đến 139.6 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp của Công ty là 135.4 tỷ đồng. Như vậy, nếu BCTC kiểm toán năm 2017 không có gì thay đổi, án hủy niêm yết của TH1 xem như là chắc chắn.
Cũng bởi lý do thua lỗ năm 2015 mà Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định đưa cổ phiếu TH1 vào diện cảnh báo từ 05/04/2016. Và mới đây thì HNX chính thức đưa TH1 vào diện kiểm soát đặc biệt, chỉ còn giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Trên sàn, cổ phiếu TH1 đã lao dốc khá mạnh, từ mức giá xấp xỉ 49,000 đồng/cp thời điểm lên sàn, đến nay chỉ còn 6,000 đồng/cp (đóng cửa ngày 27/10/2017), tương ứng giảm 88%. Khối lượng giao dịch bình quân cũng không cao, chỉ hơn 20,000 cp/phiên.
Diễn biến cổ phiếu TH1 từ lúc niêm yết
Bí ẩn nhân tố SAM
Kết cục ngày hôm nay thật là đau buồn cho cổ đông TH1, nhất là khi đơn vị này từng là một trong những doanh nghiệp kỳ vọng lớn lao trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Có lẽ vì vậy mà mối quan tâm lớn nhất lúc này là TH1 cần làm gì để hồi phục trở lại, cơ sở nào để đặt niềm tin vào TH1 lần nữa?
Tại thời điểm lên sàn năm 2009, cơ cấu cổ đông lớn của TH1 chỉ gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 37.45% vốn và một cổ đông ngoại là VOF Investment Limited sở hữu 8.45% vốn. Đến ngày 07/08/2015, SCIC đã thoái toàn bộ vốn góp tại TH1 và từ đó thì cơ cấu ban lãnh đạo của TH1 cũng bắt đầu thay đổi.
Trước và sau khi SCIC thoái vốn, tại TH1 đã xuất hiện nhiều cổ đông lớn mới như CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu HFC Việt Nam (HFC) mua gần 20% vốn và CTCK Phố Wall (WSS) mua gần 20% vốn. Tuy nhiên, 6 tháng sau khi trở thành cổ đông TH1, HFC Việt Nam đã giảm bớt sở hữu trước khi thoái 1.74 triệu cp vào ngày 05/09/2016 để còn sở hữu 2.24% vốn tại TH1. Còn WSS, sau khi trở thành cổ đông lớn TH1 thì không thấy công bố thông tin giao dịch bán nhưng theo cập nhật danh sách cổ đông lớn của TH1 thì đã không còn WSS.
Ngoài ra, còn có 4 cá nhân khác cũng trở thành cổ đông lớn của TH1 và tỷ lệ sở hữu tính đến thời điểm hiện tại gồm bà Lê Thị Lan sở hữu 20.73% vốn, ông Nguyễn Văn Huyên nắm 19.91% vốn, ông Nguyễn Vĩnh Huy chiếm 15.88% và ông Hoàng Trí Cường (Phó Chủ tịch SAM) sở hữu 5.59% vốn.
Đáng chú ý là nhiều nhân sự cao cấp mới của TH1 đều đến từ Sam Holdings (HOSE: SAM). Cụ thể, sau khi hai trong số các thành viên HĐQT đại diện phần vốn góp của SCIC đã xin từ nhiệm, HĐQT TH1 khi đó thống nhất bầu ông Trần Anh Vương (hiện là TGĐ của SAM, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Bắc Việt - BVG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Capella Group, Tổng giám đốc CTCP Capella Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội) và ông Nguyễn Hải Dương (hiện đang là Chủ tịch HĐQT SAM và Chủ tịch CTCP Chứng khoán Quốc Gia - NSI). Song, đến kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2016, ông Dương đã không ứng cử vào thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngoài ra, trong danh sách trúng cử vào thành viên HĐQT TH1 nhiệm kỳ mới còn có ông Nguyễn Văn Phương, người cũng giữ chức vụ Thành viên HĐQT SAM. Đến tháng 11/2016 thì ông Phương xin từ nhiệm và thay thế vào đó là ông Trần Văn Toàn (Chủ tịch CTCP Otran Logistics - OTG).
Không chỉ liên quan đến nhân sự, mối quan hệ của SAM và TH1 còn thể hiện qua khoản hợp tác đầu tư vào CTCP Sam Nông nghiệp Công nghệ cao (trước tên là CTPC XNK Tổng hợp I Sài Gòn) với giá trị vốn góp của TH1 là 5.5 tỷ và SAM là 11 tỷ đồng (tương ứng gần 59% vốn).
Mặc dù, về mặt chính thống thì chưa có thông tin nào về việc SAM đầu tư trực tiếp vốn vào TH1 nhưng với nguồn nhân sự liên quan, cổ đông TH1 vẫn có quyền kỳ vọng sự thay đổi này sẽ mang lại khởi đầu mới cho Công ty. Bởi cũng tại SAM, những nhân sự mới như ông Trần Anh Vương và ông Trần Hải Dương là những người đang từng bước tái cấu trúc SAM và bước đầu đã có kết quả khả quan.
Kỳ vọng gì ở hoạt động kinh doanh?
Các cổ đông TH1 đều biết rằng bài toán lớn nhất của Công ty vào lúc này là làm sao để có thể thu hồi được công nợ đã kéo dài, trả nợ vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán nhằm giảm được chi phí lãi vay quá lớn.
Thực tế thì từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ mới (2016-2021), Ban lãnh đạo mới đã ra các quyết định thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hợp nhất 6 phòng xuất nhập khẩu thành 1 phòng.
Năm 2017, TH1 đưa ra kế hoạch kim ngạch xuất khẩu (tiêu, gạo, điều và cao su) khoảng 23.5 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu (máy móc thiết bị) khoảng 4 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận 1.5% doanh thu. Các phương thức được TH1 áp dụng từ đầu năm 2017 là mua bán ngay, thanh toán và giao hàng nhằm tránh rủi ro biến động giá.
Đối với Xí nghiệp May Xuất khẩu Hải Phòng, TH1 tiếp tục hợp tác toàn diện với đối tác KOWA Nhật Bản, đặt kế hoạch kim ngạch XNK 8 triệu USD, lợi nhuận ròng là 1.5 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh thương mại, hồi tháng 10/2016, Công ty đã ký hợp đồng phân phối độc quyền tại Việt Nam các sản phẩm sữa Cowala do Công ty GMP Dairy - một tập đoàn lớn về dược phẩm của Australia và New Zealand - sản xuất. Lô hàng sữa đầu tiên của Công ty đã được nhập về trong tháng 3/2017, ước lượng tỷ suất lợi nhuận có thể đạt từ 7-10% trước VAT.
Ngoài ra, Công ty còn bổ sung ngành nghề buôn bán thực phẩm chức năng, trồng và chăm sóc rừng, khai thác gỗ, sản phẩm từ rừng và lâm sản từ gỗ. Việc tham gia những ngành nghề mới này đến nay vẫn còn là một ẩn số khi Công ty chưa công bố thông tin chi tiết nào về bất kỳ khoản đầu tư nào trong lĩnh vực kinh doanh trồng rừng.
Về tài chính, theo báo cáo thường niên 2016, TH1 cho biết sẽ đánh giá lại hiệu quả khai thác và xây dựng phương án xử lý đối với các tài sản bất động sản, kho bãi tại Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, Công ty thì cần đẩy mạnh thu hồi công nợ tồn đọng, giải pháp có thể là làm các thủ tục để khởi kiện các khách nợ không hợp tác hoặc chây ỳ.
Cũng phải nói rằng những nỗ lực tái cấu trúc của TH1 bước đầu có hiệu quả. Kết quả 9 tháng đầu năm của Công ty dù lỗ 5 tỷ đồng nhưng so với con số kế hoạch lỗ hơn 10 tỷ đồng đã là một sự cố gắng, đặc biệt khi so với mức lỗ hơn 134 tỷ đồng năm 2015 và 2016.
Có thể TH1 sẽ đối mặt với án hủy niêm yết thật sự nhưng cùng với những nhân sự mới, việc tái cấu trúc bước đầu hiệu quả thì vẫn có cơ sở để kỳ vọng vào sự hồi sinh một lần nữa.
Tri Nhân
FiLi
|