SBT – Kiểm định kháng cự quan trọng
SBT đang kiểm định lại kháng cự mạnh vùng 22,500-23,500 nên có thể xuất hiện hai kịch bản chính như sau: (1) Giá sẽ hình thành xu hướng phục hồi trở lại hoặc (2) Xu hướng điều chỉnh sẽ tiếp tục. Các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ cho kịch bản điều chỉnh trong giá.
Xu hướng điều chỉnh trung hạn đang chững lại
Sau khi tạo đỉnh trung hạn trong tháng 08/2017 (vùng 41,500-42,500), SBT giảm mạnh gần 50% và hình thành xu hướng điều chỉnh.
Giá phá vỡ hỗ trợ mạnh (vùng 22,500-23,500) cho thấy xác nhận quan trọng về giai đoạn điều chỉnh. Đặc biệt, nhóm MA trung hạn (MA 50, MA 100) đều giảm mạnh với độ dốc gia tăng hàm ý sự mạnh dần lên của xu hướng.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh này đang có dấu hiệu chững lại do lực cầu tăng (khối lượng tăng mạnh vượt bình quân 20 phiên) tại vùng 19,500-20,500 làm xu hướng giảm trung hạn chững lại.
Kiểm định kháng cự mạnh
SBT đang kiểm định ngưỡng kháng cự mạnh (vùng 22,500-23,500) nên có hai kịch bản chính với xu hướng ở hiện tại:
Kịch bản 1: Giá bức phá qua vùng kháng cự mạnh 22,500-23,500, hình thành giai đoạn tăng trưởng trở lại. Kháng cự mạnh với xu hướng là vùng 27,500-28,500 (đỉnh tháng 05/2017 và đáy tháng 08/2017).
Kịch bản 2: Giá thất bại trong việc phá vỡ vùng kháng cự trên. Qua đó, SBT tiếp tục xu hướng điều chỉnh và giảm về quanh vùng hỗ trợ 17,500-18,500 (đáy tháng 02/2016).
Các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ cho kịch bản 2. Theo đó, vùng kháng cự 22,500-23,500 trùng với 3 đáy trong quá khứ nên có độ tin cậy cao, giá cần có sự tích lũy trước khi bức phá trở lại.
Giá có thể đang hình thành giai đoạn Pullback, hiện tượng này thường xuất hiện khi giá phá một ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Theo đó, giá có xu hướng tăng trở lại kiểm định ngưỡng hỗ trợ trước khi tiếp tục đà giảm. Trong trường hợp này, SBT rất có thể sẽ giảm trở lại sau khi kiểm định vùng kháng cự 22,500-23,500.
Yếu tố cơ bản sẽ hỗ trợ mạnh trong dài hạn
Ngành mía đường Việt Nam có quy mô nhỏ, hiệu quả và năng lực cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất thường cao hơn thế giới. Vì thế, đường thế giới với chi phí thấp (nhập qua đường chính ngạch và tiểu ngạch) luôn có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Từ năm 2018, khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA có hiệu lực thì hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ bị xóa bỏ, thuế giá trị gia tăng với đường sẽ giảm về 5%. Đây sẽ là thách thức lớn khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh trực tiếp với đường giá rẻ của thế giới (đặc biệt là đường Thái Lan).
Sau khi sát nhập với Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (BHS), SBT đang là công ty có quy mô lớn nhất ngành. Với vị thế hiện tại SBT đang tích cực đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động, mở rộng vùng nguyên liệu, công nghệ, hệ thống phân phối… để tạo ra lợi thế cạnh tranh với đường giá rẻ từ thế giới. Trong dài hạn, ATIGA có thể sẽ tác động không lớn đến hoạt động của SBT.
Vì vậy, nếu xu hướng điều chỉnh tiếp tục theo kịch bản 2 thì tốc độ điều chỉnh có thể giảm dần và mức độ điều chỉnh sẽ không quá lớn như giai đoạn trước.
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|