Sau đính chính nhầm lẫn, nhóm Liên Thái Bình Dương đăng ký gom vào trở lại 3 triệu cp SAS
Từ ngày 28-30/11/2017, hai cổ đông lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương cùng Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu lần lượt muốn mua thêm 1.7 triệu và 1.3 triệu cổ phiếu CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (UPCoM: SAS).
Sasco: Hai tổ chức muốn mua thêm gần 3 triệu cp.
|
Trong đó, Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) hiện đang sở hữu 31.6 triệu cổ phiếu SAS, tương đương 23.7% vốn. Như vậy, nếu giao dịch này thành công số cổ phần SAS mà Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương sở hữu sẽ nâng lên con số 33.3 triệu đơn vị, chiếm gần 25% vốn.
Về Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty được thành lập từ năm 2002 với vốn điều lệ 600 tỷ đồng do ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm giữ 90% vốn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên sở hữu 10% vốn còn lại. Hiện bà Tiên đang nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc tại Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, đồng thời bà cũng là Ủy viên HĐQT của SAS.
Với Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu, Công ty này hiện đang nắm giữ hơn 19 triệu cổ phần SAS và là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 14.38% vốn. Như vậy, nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu SAS trong tay Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu sẽ là 20.5 triệu đơn vị, tương đương 15% vốn.
Từng mua "hụt" hơn 3 triệu cổ phiếu do gửi nhầm tài liệu
* Công ty nhà Johnathan Hạnh Nguyễn đã mua hơn 3 triệu cp SAS
Vào ngày 13/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã mua thành công hơn 3 triệu cổ phiếu SAS. Sau đó vài ngày, Công ty đã phát đi thông báo đính chính do gửi nhầm biểu mẫu báo cáo, trên thực tế Liên Thái Bình Dương chưa mua thêm cổ phiếu Sasco. Như vậy, Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã không chi ra số tiền khoảng 80 tỷ đồng để mua hơn 3 triệu cổ phiếu SAS.
Theo như công văn đính chính của Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn này đã phát hiện thông tin công bố hôm 16/11 trên HNX là nhầm lẫn và nguyên nhân là do sai sót trong việc gửi nhầm biểu mẫu báo cáo kết quả giao dịch thành công.
Trong thông báo có ghi nhận, trong khoảng thời gian từ 10-13/11, Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã mua hơn 3 triệu cổ phiếu cổ phiếu SAS, nâng lượng sở hữu từ 31.63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23.7%) lên 34.63 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 25.94%.
Trong khi trên thực tế, theo giải thích của IPP Group, doanh nghiệp này mới chỉ đăng ký mua thêm cổ phần mới và giao dịch này chưa được thực hiện.
|
Hiện tại, nhóm công ty liên quan tới vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu và Thời trang và Mỹ Phẩm Duy Anh đang sở hữu tổng cộng khoảng 44% cổ phần của Sasco.
* Tiếp tục điểm tên 7 doanh nghiệp vượt kế hoạch kinh doanh
Trên thị trường, SAS là một trong những đơn vị sớm cán đích kế hoạch kinh doanh năm 2017. Khi mà quý 3 doanh thu hoạt động tài chính Công ty vọt 2.7 lần, kéo lãi ròng ghi nhận tới 77 tỷ đồng (tăng 62%), trong khi doanh thu dù có tăng không mấy đột biến. 9 tháng đầu năm Công ty vẫn thu về lợi nhuận trước thuế 246.7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 209 tỷ đồng, tăng 49%.
Được biết, năm 2017, SAS đặt kế hoạch doanh thu thuần 2,217 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 221 tỷ đồng. Như vậy, lãi trước thuế 9 tháng đã vượt 11% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Về giao dịch cổ phiếu, từ đầu năm đến nay SAS chứng kiến đà tăng tuy chậm nhưng khá vững. Đáng chú ý một tuần giao dịch trở lại đây thị giá cổ phiếu SAS liên tục xanh điểm, hiện đang dừng tại mức 31,000 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu SAS một năm qua
Tri Túc
FiLi
|