Ô nhiễm ánh sáng, nhiều quốc gia không còn ban đêm
Một nghiên cứu với các ảnh chụp Trái Đất ban đêm cho thấy ánh sáng nhân tạo đang ngày càng sáng hơn và ngày càng bao phủ trên phạm vi rộng lớn hơn.
Những khu vực sáng nhất của Vương quốc Anh vẫn đang tiếp tục sáng thêm - Ảnh: SCIENCE PHOTO LIBRARY
|
Theo đài BBC (Anh), trong giai đoạn 2012-2016, cứ sau mỗi năm, cường độ chiếu sáng ban đêm ngoài trời trên toàn cầu lại tăng thêm 2%.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng "mất đêm" tại nhiều quốc gia đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho tất cả: thực vật, động vật và con người.
Kết quả nghiên cứu về vấn đề này vừa được đăng tải trên tạp chí Science Advances.
Nghiên cứu dựa trên kho dữ liệu do thiết bị bức xạ kế của một vệ tinh NASA cung cấp. Đây là thiết bị được thiết kế chuyên để đo độ sáng trong buổi đêm ở môi trường ngoài trời.
Theo đó, nghiên cứu nhận thấy, độ sáng ban đêm tại nhiều quốc gia đã thay đổi rất đáng kể theo thời gian. Một số quốc gia vẫn luôn được xếp hạng là "những quốc gia sáng nhất" như Mỹ, Tây Ban Nha. Hầu hết các quốc gia tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á cũng đang ngày càng "sáng" hơn.
Chỉ một số ít các nước có độ sáng về đêm giảm, như Yemen và Syria, tuy nhiên cả hai quốc gia này đều trong tình trạng xảy ra xung đột, chiến tranh.
Hình ảnh chụp năm 2016 cho thấy Ấn Độ buổi đêm đã sáng hơn so với Ấn Độ trong các bức ảnh chụp năm 2012 - Ảnh: NASA
|
Ảnh chụp vệ tinh về đêm cho thấy những đường bờ biển sáng lóa và những luồng sáng giăng mắc như mạng nhện trong đêm thoạt trông thật lấp lánh và bắt mắt, nhưng hệ lụy của nó với sức khỏe con người và môi trường thì không "đẹp" như vậy.
Chủ trì nghiên cứu, chuyên gia Christopher Kyba thuộc trung tâm nghiên cứu GFZ tại Potsdam, cho rằng việc đưa vào sử dụng ánh sáng nhân tạo "là một trong những thay đổi vật lý đáng kể nhất của con người tạo ra với môi trường của chúng ta".
Trong khi đó, theo giáo sư Kevin Gaston thuộc Đại học Exeter, con người đã "tự bao phủ những chế độ ánh sáng bất thường lên chính chúng ta".
Ông nhận xét: "Lúc này mọi người rất khó có thể tìm thấy được nơi nào đó ở châu Âu vẫn còn một bầu trời đêm tự nhiên, đã không còn thứ ánh sáng buổi đêm mà tất cả chúng ta từng quen thuộc nữa".
Sông Nile và vùng xung quanh rực rỡ trong buổi đêm - Ảnh: NASA
|
Theo tiến sĩ Kyba, chúng ta có thể tắt bớt ánh sáng tại các khu đô thị mà hoàn toàn không gây bất cứ ảnh hưởng nào tới tầm nhìn của mọi người.
"Tầm nhìn của con người phụ thuộc vào độ tương phản, không phải lượng ánh sáng", ông giải thích. "Do đó, bằng cách giảm bớt độ tương phản ánh sáng ngoài trời, tránh những bóng đèn chói lóa, việc giảm bớt ánh sáng thực sự sẽ cải thiện tầm nhìn hơn".
"Điều đó còn giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên các dữ liệu nghiên cứu của chúng tôi cho thấy dù ở cấp độ quốc gia hay toàn cầu, đây cũng không phải là xu hướng mà chúng ta đang đi tới", tiến sĩ Kyba nói.
D. KIM THOA
Tuổi trẻ
|