Thứ Hai, 13/11/2017 16:21

Nhà lưu trú cho công nhân: Cung vẫn xa cầu

Ngày nào mà người lao động còn lo lắng về chỗ ở, chỗ gửi con cái học hành thì ngày đó họ chưa thể an tâm dốc sức cho công việc. TPHCM là nơi có nhiều khu công nghiệp với hàng trăm ngàn lao động đến từ các địa phương khác kéo theo nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng cho đến nay, chuyện làm sao để có đủ nhà lưu trú cho công nhân vẫn là bài toán khó!

Công nhân tại nhà lưu trú ở khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: Văn Nam.

Hiện TPHCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, một khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút gần 370.000 công nhân và khoảng 70% trong đó có nhu cầu về nơi lưu trú. Tuy nhiên, thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy số lượng nhà lưu trú được doanh nghiệp đầu tư xây dựng cho đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 39.400 chỗ ở, tức chỉ khoảng 15% nhu cầu. Và do thiếu chỗ ở nên nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp phải sống chen chúc trong các căn nhà trọ chật hẹp do các hộ dân trong khu vực đầu tư, cho thuê một cách tự phát.

Những năm qua, chính quyền thành phố đã có chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nhà lưu trú cho công nhân, tuy nhiên, số lượng nhà lưu trú được xây dựng vẫn khá khiêm tốn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp. Một cán bộ ở Sở Xây dựng TPHCM cho biết thành phố từng có hẳn một chương trình cấp bù lãi vay để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, nhưng do ngân sách dành cho chương trình còn hạn chế, cộng với thủ tục vẫn phức tạp nên các doanh nghiệp chưa mặn mà. Chẳng hạn thời gian hỗ trợ lãi suất vay của chương trình chỉ là bảy năm, trong khi thời gian thu hồi vốn của một dự án nhà lưu trú có vốn đầu tư tương đối lớn có khi lên đến 10-15 năm.

Cũng theo Sở Xây dựng TPHCM, một khó khăn khác trong việc đầu tư nhà lưu trú quanh các khu công nghiệp là do lúc quy hoạch các khu công nghiệp tập trung chưa dành quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, thậm chí chưa ưu tiên sử dụng quỹ “đất sạch” để kêu gọi đầu tư.

Với tỷ lệ tăng số lượng công nhân bình quân 2%/năm, dự báo đến năm 2020 TPHCM sẽ có trên 400.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp tập trung. Và với tỷ lệ 70% có nhu cầu lưu trú, số chỗ ở cần là 280.000, tức từ nay đến năm 2020 cần xây dựng thêm hơn 240.000 chỗ ở nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Theo kế hoạch được Sở Xây dựng đề ra cho giai đoạn 2017-2020, sắp tới sẽ có thêm tám dự án nhà lưu trú cho công nhân được các doanh nghiệp lên kế hoạch đầu tư, đáp ứng thêm khoảng 31.000 chỗ ở. Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thiên Phát dự kiến đầu tư một khu nhà lưu trú tại khu công nghiệp Linh Trung 2 (giai đoạn 2) với khoảng 1.500 chỗ ở; Công ty TNHH Sản xuất cân Nhơn Hòa cũng đầu tư một dự án tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức với khoảng 720 chỗ ở; Công ty cổ phần Phát triển thương mại Củ Chi đầu tư 600 chỗ lưu trú tại đường Đinh Kiếp, thị trấn Củ Chi; Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đầu tư hai dự án nhà lưu trú tại khu công nghiệp Tân Tạo quận Bình Tân với 4.360 chỗ ở; Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đầu tư một dự án tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh quy mô 10.000 chỗ ở...

Theo một số doanh nghiệp, để thu hút thêm doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, chính quyền thành phố cần ưu tiên bố trí các quỹ đất sạch và gần các khu công nghiệp tập trung thì mới đáp ứng đúng nhu cầu của công nhân. (Một nghịch lý trong thời gian qua là các cơ sở lưu trú được xây dựng lên nhưng vì đặt ở xa các khu công nghiệp nên thiếu công nhân vào ở). Song song đó, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư dự án với thời hạn ưu đãi từ 10 năm trở lên.

Nhìn ở góc độ tích cực hơn, cần phải thấy hiện trên địa bàn TPHCM đã có một số chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất đã và đang đầu tư xây dựng và tổ chức cho thuê các dự án nhà lưu trú cho công nhân tương đối tốt, như các khu công nghiệp Hiệp Phước, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1... Chẳng hạn khu công nghiệp Hiệp Phước đang có khoảng 250 căn hộ dành cho công nhân thuê và chủ đầu tư khu công nghiệp này có kế hoạch xây thêm 2.500 căn nhà ở xã hội diện tích nhỏ để bán cho công nhân theo hình thức trả góp.

Hiện nay, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đã kiến nghị cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích nhỏ từ 25-45 mét vuông với tỷ lệ không quá 25% tổng số căn hộ của các dự án tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Đây được cho là loại nhà phù hợp với khả năng tài chính của những người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển căn hộ diện tích nhỏ tại TPHCM chỉ hiệu quả khi vị trí các dự án được bố trí gần nơi tập trung nhiều đối tượng lao động có thu nhập thấp, như gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, hoặc tại những khu vực có sự kết nối giao thông thuận lợi với các khu công nghiệp để người lao động dễ dàng di chuyển từ chỗ ở đến chỗ làm. Một yếu tố nữa trong vấn đề phát triển nhà diện tích nhỏ, đó là cần theo một quy chuẩn xây dựng thống nhất để tránh sự phát triển tràn lan làm bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, đặc biệt là tại những khu vực có mật độ dân cư cao, điều kiện hạ tầng không thuận lợi.

Văn Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Xây dựng và quản lý chung cư - Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ! (11/11/2017)

>   Bộ Xây dựng: Bất động sản tiếp tục ổn định, có dấu hiệu đầu cơ (10/11/2017)

>   Hà Nội: 10 doanh nghiệp nợ hơn 375 tỷ đồng liên quan tới đất (10/11/2017)

>   10 tháng, tăng trưởng tín dụng tăng 13.5%, tín dụng vào bất động sản giảm (09/11/2017)

>   Hưởng lợi từ vốn FDI kỷ lục, doanh nghiệp kinh doanh BĐS khu công nghiệp đang làm ăn ra sao? (09/11/2017)

>   Cơn sốt đất Long Thành: Đủ kiểu "bánh vẽ", khách hàng cảnh giác kẻo mất tiền oan (07/11/2017)

>   APEC tại Đà Nẵng: Du lịch vẫn là điểm nhấn (07/11/2017)

>   Gay gắt tranh chấp chung cư (05/11/2017)

>   Tranh chấp nhà chung cư gia tăng vì thiếu chế tài (05/11/2017)

>   HoREA muốn có cơ chế đặc thù cho bất động sản Tp.HCM (03/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật