MDG: Cổ phiếu hồi sinh, Tổng Công ty Xây dựng số 1 muốn thoái 19.33% vốn
Từ 15/11-15/12/2017, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1) đăng ký bán hơn 2.1 triệu cp CTCP Miền Đông (HOSE: MDG), tương ứng tỷ lệ 19.33% nhằm mục đích thoái vốn. Phương thức giao dịch là thỏa thuận khớp lệnh trên sàn.
MDG tiền thân là Công ty Xây dựng Thủy điện Trị An thành lập năm 1986. Cổ phiếu MDG lên sàn vào đầu năm 2011 với cổ đông lớn duy nhất khi đó là CC1 nắm giữ 19.33% vốn. Hoạt động kinh doanh chính MDG là xây dựng dân dụng, công nghiệp và kinh doanh bất động sản.
Thời điểm lên sàn, MDG có giá 25,000 đồng/cp nhưng sau đó thì mức giá này đã sụt giảm mạnh khi mà kết quả kinh doanh của Công ty cũng đi thụt lùi. Đỉnh điểm trong hoạt động kinh doanh của MDG là mức lỗ hơn 40 tỷ đồng phát sinh vào năm 2014. Vào thời điểm đó, một nhóm cổ đông đã phát hiện những sai phạm của HĐQT cũ và cả sự mất đoàn kết, đấu đá nhau trong Công ty.
Tại ĐHĐCĐ bất thường 2014 diễn ra vào tháng 9/2014, ông Nguyễn Lương Quân - Tổng Giám đốc MDG tỏ ra khá bức xúc: “Con số lỗ 43 tỷ đồng phản ánh sự nhập nhằng, dối trá thiếu minh bạch của Ban điều hành. Đã có sự mâu thuẫn giữa các thành viên điều hành, những công trình, số liệu trong sản phẩm dở dang đều là con số ảo. Công ty đáng lẽ lỗ từ năm 2013 chứ không phải đến bây giờ. Tuy nhiên để “hạ cánh an toàn” và xoa dịu cổ đông, ban điều hành cũ đã thực hiện giấu lỗ”.
Trước diễn biến tiêu cực từ hoạt động kinh doanh, cổ phiếu MDG không tránh khỏi việc giảm mạnh, có lúc về mức thấp nhất dưới 2,500 đồng/cp.
Từ năm 2015, hoạt động kinh doanh của MDG đã có sự khởi sắc hơn khi thay đổi nhiều thành viên mới trong ban điều hành.
Cho đến hiện tại thì tình hình của MDG đã sáng sủa hơn với doanh thu 9 tháng đầu năm 2017 đạt gần 205 tỷ đồng, tăng nhẹ so cùng kỳ. Lãi ròng hơn 18 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ và vượt 15% kế hoạch cả năm 2017.
Kết quả kinh doanh MDG từ năm 2010 đến nay (Đvt: Tỷ đồng)
Cùng với kết quả đó, cổ phiếu MDG trên sàn đã hồi sinh mạnh mẽ, tính đến hết phiên 08/11/2017, MDG giao dịch tại 13,600 đồng/cp, ghi nhận mức tăng trưởng gần 44% trong 1 năm qua.
Biến động MDG từ khi niêm yết
CC1 thoái, C32 sẽ gom?
Như vậy, sau một thời gian dài nắm giữ, CC1 cũng đã chính thức thông báo thoái vốn khỏi MDG. Câu hỏi đặt ra là đối tác nào sẽ đứng ra gom số cổ phần mà CC1 thoái vốn?
Trong số các cổ đông lớn của CC1 ở thời điểm hiện tại thì CTCP Đầu tư Xây dựng 3-2 (HOSE: C32) là ứng cử viên sáng giá nhất. Bởi trước đó, vào tháng 3/2017, HĐQT C32 đã thông qua phương án mua tối đa 24.9% vốn điều lệ, tương ứng tối đa hơn 2.71 triệu cp MDG nhằm đáp ứng mục tiêu trở thành công ty liên kết.
Khoảng 1 tháng sau đó, C32 thực hiện mua hơn 1 triệu cổ phiếu của MDG và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lên 9.49%. Đây cũng là số cổ phần mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã thoái vốn khỏi MDG vào thời điểm đó.
Như vậy, rất nhiều khả năng thì C32 sẽ tiếp tục mua phần lớn vốn trong số hơn 2.1 triệu cp mà CC1 thoái vốn tại MDG.
Việc thực hiện mua MDG được cho là nằm trong chiến lược M&A của C32 bởi CTCP Miền Đông có cùng mô hình kinh doanh với C32, bao gồm đá xây dựng, xây dựng và bất động sản (BĐS). MDG cũng có nhiều quỹ đất và BĐS, bao gồm mỏ đá 40ha ở Bình Dương, dự án mỏ đá Tân Mỹ. Mỏ đá này ước tính có lượng dự trữ khoảng 27 triệu m3 đá và có tiềm năng khai thác khoảng 19.5 năm, với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 1.2 triệu m3 đá.
Vào thời điểm hiện tại, cổ đông lớn của MDG ngoài CC1 và C32 là tổ chức thì còn có 3 cá nhân khác là ông Võ Văn Lãnh sở hữu 5.48% vốn, ông Dương Văn Minh sở hữu 15.66% vốn và bà Lê Thị Minh (vợ của Thành viên HĐQT Lê Công Hiệp) sở hữu 5.22% vốn.
Trong đó, ông Võ Văn Lãnh đang là Chủ tịch kiêm TGĐ của C32.
Phương Châu
FiLi
|