LSS với 5 chương trình trọng tâm và nâng cổ phiếu lên tối thiểu đạt 1.5 mệnh giá
Theo báo cáo thường niên 2017, CTCP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) đặt mục tiêu cho niên độ 2017-2018 với doanh số 2,300 tỷ đồng, lợi nhuận 125 tỷ đồng và cổ tức 12%, đồng thời nâng giá trị cổ phiếu lên tối thiểu đạt 1.5 mệnh giá.
Trong khi đó, hiện cổ phiếu LSS đang giao dịch tại mức 8,900 đồng/cp (07/11), giảm 27% trong vòng 1 quý vừa qua.
Theo LSS, niên độ tài chính 2017-2018 đã qua hơn 1/4 thời gian, chứng kiến những khó khăn tiếp nối khi đầu tháng 10/2017 một trận lũ lịch sử làm hơn 30% diện tích mía đã đến vụ thu hoạch bị ngập lụt. Thị trường đường trong nước ảm đạm, tồn kho tăng, giá giảm sâu. Tâm lý người mua chờ ăn đường giá rẻ bởi từ 01/01/2018 Hiệp định tự do thương mại Asean có hiệu lực... là những thách thức lớn và cấp bách với ngành mía đường Việt Nam và LSS không ngoại lệ.
Tuy nhiên, LSS vẫn phấn đấu đạt tăng trưởng 20% trở lên giai đoạn 2018-2020. Trong đó, đến năm 2020 tổng doanh thu 5,000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 500 tỷ đồng, cổ tức 18-20%. Đến năm 2025 đạt doanh thu 10,000 tỷ đồng, lợi nhuận 1,000 tỷ đồng và cổ tức vẫn là 18-20%.
Để đạt được những kết quả đó, thời gian tới, LSS tập trung triển khai 5 chương trình trọng tâm.
Thứ nhất là chương trình mía đường, LSS tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu nhằm đạt 80 tấn/ha, trong đó thâm canh đạt từ 100 tấn/ha trở lên, đảm bảo ổn định nguyên liệu, nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất.
Về công nghiệp chế biến, khai thác có hiệu quả hệ thống thiết bị và công nghệ đã đầu tư và nâng cao công suất đồng phát điện, mục tiêu đến 2020 đạt 200,000 tấn đường, phát điện bán lên lưới 100 triệu kwh.
Thứ hai là chương trình nông nghiệp công nghệ cao. LSS sẽ vận hành có hiệu quả Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn. Mục tiêu đến 2020 đạt 70,000 tấn giống các loại và đạt 50,000 tấn sản phẩm rau, quả, tỷ trọng doanh thu từ nông nghiệp công nghệ cao 30-35%.
Dự án cam vàng xứ Thanh đạt 150,000 tấn vào năm 2020. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo xuất khẩu công suất 100,000 tấn sản phẩm/năm.
Thứ ba là chương trình phát triển năng lượng tái tạo. Hiện LSS đã có nhà máy điện từ bã mía công suất 33.5 MW/năm. Hàng năm có thể phát 100 triệu kwh nếu đảm bảo nguyên liệu, tạo doanh thu đến hàng trăm tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 đầu tư và đưa vào sử dụng từ 2019. Đây là dự án khởi đầu xây dựng tại khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển tiếp các dự án ở công suất lớn hơn trên quy mô tổng công suất 100 MW tại khu vực Lam Sơn - Sao Vàng và phía Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Dự kiến, dự án đi vào hoạt động sẽ phát 120 triệu kwh/năm.
Thứ tư là chương trình tre luồng xứ Thanh. LSS có dự án công viên du lịch sinh thái tâm linh trên diện tịch khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 (2017-2020) là 200 tỷ đồng, còn giai đoạn 2 (2021-2025) là 300 tỷ đồng. Còn đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tre luồng, dự kiến đến 2020 đưa vào sản xuất với công suất 20,000 m3/năm, tạo ra doanh thu 300 tỷ đồng đến năm 2025 đạt 100,000 m3 tạo doanh thu 1,500 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu đạt từ 10-15%.
Thứ năm là chương trình thương mại xuất nhập khẩu. Mục tiêu đảm bảo hàng năm nhập khẩu và mua trong nước 30-40% sản lượng sản xuất trở lên để tinh luyện và sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ mía đường. Sản lượng bán lẻ chiếm từ 30-40% tổng sản lượng của Công ty
Về hoạt động kinh doanh, niên độ tài chính 2016-2017 của LSS đã tăng trưởng doanh số 12%, lợi nhuận trước thuế đạt 123 tỷ đồng, tăng 20%. Còn cổ tức là 10%.
Cơ cấu doanh thu niên độ 2016-2017 của LSS
Hoàng Nguyên
Fili
|