Chuyển động dòng tiền tuần 30/10-03/11:
Dòng tiền bắt đáy được kích hoạt
Mặc dù chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch ở vùng giá cao nhất trong năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, song nhiều mã trên thị trường vẫn suy giảm, thậm chí còn chạm mức thấp kỷ lục. Và trong tuần giao dịch qua (30/10-03/11), dòng tiền đã gia tăng đáng kể ở nhóm cổ phiếu suy giảm đó.
Về chuyển động chung của thị trường tuần qua, chỉ số VN-Index kết thúc tuần tăng 0.40%, đứng tại 843.73 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm mạnh 1.96%, đang dừng ở 104.36 điểm. Diễn biến tăng điểm của VN-Index phải nói là nhờ sự đóng góp rất lớn từ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn bởi phần còn lại hầu hết đều giảm. Về thanh khoản, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 160 triệu đơn vị/phiên, tăng trưởng 7.2% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 44.6 triệu cổ phiếu/phiên, tăng nhẹ 1.06%.
Xét trên nhóm cổ phiếu có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên thì số mã tăng dòng tiền đều là 110, trong đó 19 mã có dòng tiền tăng trưởng trên 100%. Thống kê cho thấy, nhiều cổ phiếu có dòng tiền tăng đều đang bước vào xu hướng giảm ngắn hạn, có mã còn loay hoay tìm đáy mới.
Chẳng hạn dẫn đầu sàn HOSE là cổ phiếu HVG với khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 651,000 cp/phiên, tăng 37% so với tuần trước đó. Đáng chú ý là HVG đóng cửa tuần giao dịch qua tại 5,140 đồng/cp, giảm gần 15% và đây cũng là mức thấp nhất mà HVG đạt được trong 6 năm qua. Nguyên nhân giá cổ phiếu HVG bắt đầu đổ đèo xuất phát từ hoạt động kinh doanh thua lỗ trong 2 năm tài chính 2016 và 2017. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của HVG vẫn khá cao, ở mức 10,863 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 7,016 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức 7,649 tỷ đồng của đầu kỳ. Còn vay nợ tài chính dài hạn giảm từ mức 1,059 tỷ đồng của đầu kỳ xuống còn 888 tỷ đồng.
Trước tình thế khó khăn đó, vào giữa tuần qua (ngày 01/11), HĐQT HVG đã quyết định sẽ bán hết hơn 21.16 triệu cp đang nắm giữ tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) tương ứng với 54.28% vốn. Còn trước đó, HVG cũng đã quyết định bán hàng loạt các khu đất hiện có nhằm thu hồi nguồn vốn, chuyển hướng đầu tư hiệu quả hơn.
Như vậy, nếu bán xong FMC cùng với các khu đất hiện có, HVG nhiều khả năng sẽ có được dòng tiền đáng kể để trang trải cho hoạt động kinh doanh sắp tới. Có lẽ vì thế mà HVG trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Hay như trường hợp LSS, sau khi công bố BCTC hợp nhất quý 1 (niên độ 01/07/2017 - 30/06/2018) với doanh thu thuần đạt 214 tỷ đồng, giảm 53% và lãi 12.3 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ thì giá cổ phiếu trên sàn cũng lao dốc mạnh mẽ. Riêng trong tuần qua, LSS giảm giá hơn 14%, lùi về mốc 9,000 đồng/cp, mức giá thấp nhất trong vòng 1.5 năm trở lại đây.
Trước đà giảm mạnh của LSS, dòng tiền tham gia bắt đáy cũng đã được kích hoạt, nhờ đó mà khối lượng giao dịch trung bình LSS tuần qua đột biến tăng hơn 147% so với tuần trước đó.
Hay như VNS, khi giá cổ phiếu lùi về mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua, quanh 13,700 đồng/cp thì dòng tiền cũng đổ vào đáng kể. Riêng trong phiên 02/11, VNS khớp hơn 1 triệu cp, mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.
Còn VHG, mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/11 tại 1,300 đồng/cp cũng là mức thấp nhất của đơn vị này từ khi niêm yết vào năm 2008. Với kết quả thua lỗ 5 quý liên tục, VHG đang gây ám ảnh cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trong tuần giao dịch qua, dòng tiền bắt đáy tại VHG cũng đã tăng mạnh, đẩy khối lượng giao dịch bình quân lên hơn 1.5 triệu cp/phiên, tăng 116%.
Câu chuyện tại HAG và HNG cũng rất đáng chú ý. Cụ thể, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 31/10 với nhiều thông tin tích cực được HAG tiết lộ như nợ vay đã giảm bớt, lĩnh vực mũi nhọn trái cây đang đi đúng hướng khi cho kết quả khả quan. Cứ tưởng những thông tin tốt này sẽ mang lại hiệu ứng tích cực trên sàn nhưng thực tế thì ngược lại, cả HAG và HNG trải qua 2 phiên giảm rất mạnh ngày 02/11 và 03/11.
Mặc dù trong phiên giảm sâu nhưng khối lượng giao dịch khớp lệnh ở HAG và HNG cũng tăng đáng kể. Kết quả là cả HAG và HNG đều có dòng tiền tăng trưởng mạnh xấp xỉ 140% trong tuần qua.
Trên sàn HNX, dòng tiền đầu cơ vẫn hoạt động khá mạnh mẽ. MST là cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong tuần tăng 360%, đạt 624,000 cp/phiên với giá tăng hơn 6%. Trong thời gian qua, cổ phiếu MST giao dịch rất đáng chú ý, đi ngang trong biên độ 8,000-11,000 đồng/cp suốt hơn 1 năm (từ tháng 6/2016-08/2017) rồi sau đó tăng dựng đứng từ giữa tháng 8 đến nay.
Theo BCTC quý 3/2017, doanh thu thuần MST đạt 37.4 tỷ đồng, nhích nhẹ so mức 36 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế gần 5 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ năm 2016.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
Sanh Tín
FiLi
|