Cuối cùng HVG đã quyết định "buông tay" Thực phẩm Sao Ta
Sau khi tiếp tục báo lỗ niên độ 2016-2017 thì HĐQT CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) vừa quyết định sẽ bán hết hơn 21.16 triệu cp đang nắm giữ tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) tương ứng với 54.28% vốn. Thời gian giao dịch theo quy định của Sở GDCK TPHCM.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4/2017, Chủ tịch Dương Ngọc Minh khẳng định: “Tháng 3/2017, Hùng Vương có ý định thoái vốn FMC nhưng không bán nữa do đã thu xếp được vốn nên xin lỗi đối tác muốn mua lại 56% vốn. Bởi với lượng cá bán được thì đến tháng 10/2017, HVG sẽ thu về trên 5,000 tỷ đồng”.
Theo lý giải của ông Minh, FMC lúc đó chỉ được định giá 27,000 đồng/cp, giá trị thu về khoảng 460 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Hùng Vương đã thu xếp được tài chính sau đợt tham gia hội chợ ở Boston. Thêm vào đó, giá trị xuất khẩu của FMC dù không lớn bằng Minh Phú (MPC) nhưng Công ty đang làm hàng giá trị gia tăng cao xuất sang Mỹ và Nhật và FMC có thương hiệu. Đồng thời Hùng Vương cũng đang định hướng phát triển ngành tôm nên đang thỏa thuận với Công ty Lương thực miền Nam mua thêm nhà máy tại Cà Mau nhưng đang gặp trục trặc.
Cũng trong thời điểm đó, CJ cũng có bàn bạc để mua Việt Thắng (VTF) nhưng giá đưa ra không như HVG kỳ vọng khi định giá chỉ 250 triệu USD, trong khi công suất nhà máy tới 1.6 triệu tấn/năm, thị trường đã có, trang thiết bị mới. Thêm vào đó, riêng trang thiết bị thì tài sản trên 100 triệu USD chưa tính nhà xưởng đất đai.
Tuy nhiên, vì sao cuối cùng ông chủ HVG lại đổi ý khi quyết định thoái vốn khỏi Sao Ta?
Có lẽ bởi kết quả kinh doanh niên độ 2016-2017 vừa công bố của HVG cũng phần nào lý giải cho câu hỏi này. Cụ thể, riêng quý 4, Hùng Vương tiếp tục có lãi nhưng lũy kế cả niên độ vẫn chìm trong thua lỗ với 132 tỷ đồng, thậm chí cao hơn mức lỗ 49 tỷ đồng của niên độ trước. Vay nợ vẫn ở mức ngất ngưởng. Cụ thể, tại thời điểm 30/09/2017, tổng nợ phải trả của HVG ở mức 10,863 tỷ đồng, giảm 1,392 tỷ đồng so đầu kỳ. Trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 7,016 tỷ đồng, giảm nhẹ so mức 7,649 tỷ đồng của đầu kỳ. Còn vay nợ tài chính dài hạn giảm từ mức 1,059 tỷ đồng của đầu kỳ xuống còn 888 tỷ đồng.
Ngoài ra, trước đó, HVG cũng đã quyết định bán hàng loạt các khu đất hiện có nhằm thu hồi nguồn vốn, chuyển hướng đầu tư hiệu quả hơn. Theo HVG, các bất động sản trên đều nằm ở những vị trí đắc địa, là đất sạch sẵn sàng để phát triển dự án. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Công ty đang tập trung nguồn lực để phát triển ngành nghề kinh doanh cốt lõi, do đó HĐQT đã quyết định thanh lý các bất động sản này nhằm thu hồi vốn. Số tiền thu về từ việc thanh lý trên Công ty sẽ ưu tiên dùng để thanh lý nợ và các nghĩa vụ tài sản khác, phần còn lại được phân phối cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn,
Sao Ta lãi vượt kế hoạch, Việt Thắng lao dốc
Trong khi HVG vẫn thua lỗ, nợ vay bủa vây thì FMC lại khá khởi sắc khi kết thúc niên độ thực hiện được khoảng 15,400 tấn thành phẩm tôm, còn nông sản là 1,400
tấn, đều vượt kế hoạch đề ra. Doanh số chung 144 triệu USD, chưa đạt mức
150 triệu USD đề ra cho cả niên độ. Còn lợi nhuận trước thuế 125 tỷ
đồng, vượt 25% kế hoạch.
Còn kế hoạch cho niên độ 2017-2018, FMC đặt mục tiêu doanh số chung 155 triệu USD, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng và cổ tức 20% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy tình hình. Các chỉ tiêu khác như thành phẩm tôm đạt 16,000 tấn, thành phẩm nông sản 1,500 tấn. Như vậy, kế hoạch niên độ 2018 của FMC đề ra khá thận trọng so với thực hiện niên độ 2016-2017.
Đối với Việt Thắng, kết quả kinh doanh niên độ 2016-2017 cho thấy, doanh thu đạt 3,459 tỷ đồng, giảm 24% so niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 6.2 tỷ đồng, lao dốc so mức 118.7 tỷ đồng của niên độ trước.
Được biết, hiện FMC đang giao dịch tại mức 20,600 đồng/cp, tăng gần 29% trong vòng 1 năm qua, khối lượng giao dịch bình quân hơn 89,000 cp/ngày. Còn cổ phiếu HVG đã lao dốc 42% trong vòng 1 năm qua, xuống mức 5,930 đồng/cp (31/10)
Biến động cổ phiếu FMC và HVG trong vòng 1 năm qua
|
Hoàng Nguyên
Fili
|