Thứ Hai, 06/11/2017 13:02

CTP: Ẩn giấu đằng sau bức tranh “ngọt ngào” sẽ là một năm 2018 đầy thử thách?

CTCP Cà phê Thương Phú (HNX: CTP) đang trải qua thời kỳ đầy tươi sáng khi kết quả kinh doanh liên tục ghi nhận những cột mốc tăng trưởng ấn tượng. Tuy vậy, với những rủi ro tiềm ẩn hiện hữu thì bức tranh tươi sáng ấy liệu có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2018?

Kết quả kinh doanh liên tục đột phá

Kể từ khi chính thức niêm yết trên sàn HNX vào ngày 28/07/2016, hoạt động kinh doanh của CTP đã liên tục ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, doanh thu hợp nhất giai đoạn 2014-2016 đạt mức tăng trưởng bình quân 97%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng liên tục ghi nhận chuỗi tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 80.3%.

Kết quả kinh doanh của CTP giai đoạn 2014-2016

Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng

Sau 9 tháng đầu năm 2017, chuỗi ngày màu hồng của CTP vẫn không ngừng được nối dài khi hoạt động kinh doanh vẫn đều đặn mang lại quả ngọt cho CTP. Với diễn biến khả quan của hoạt động bán hàng và xuất khẩu, doanh thu hợp nhất 9T/2017 của CTP đạt hơn 183.6 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Bên cạnh sự tăng trưởng của doanh thu, ảnh hưởng tích cực từ giá nguyên liệu đầu vào còn giúp CTP ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận gộp (từ 7.5% trong 9T/2016 lên 12.8% trong 9T/2017). Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9T/2017 đạt mức tăng trưởng gấp hơn 3 lần cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của CTP trong 9T/2017

Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng

Vượt mốc chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận chỉ còn là vấn đề thời gian?

Năm 2017, CTP đề ra chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 230 tỷ đồng và con số lợi nhuận mục tiêu của cả năm 2017 sẽ cán mốc 20 tỷ lợi nhuận hợp nhất. Tính đến hiện tại, doanh thu hợp nhất của CTP cũng đã hoàn thành hơn 80% và lợi nhuận sau thuế đạt gần 90% kế hoạch. Bên cạnh đó, điểm cần lưu ý là dù doanh thu liên tục tăng trưởng mạnh nhưng quý 4 hàng năm mới là thời điểm đạt độ “chín” doanh thu và lợi nhuận của CTP. Do đó, với tốc độ tăng trưởng khả quan như hiện tại thì khả năng vượt mốc chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian đối với CTP.

Kết quả kinh doanh của CTP theo chu kỳ quý kinh doanh

Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Tỷ đồng

Khả năng cải thiện biên lợi nhuận gộp trong dài hạn

CTP là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến cà phê với phạm vi phân phối sản phẩm trong và ngoài nước. Doanh thu của CTP hiện tại đến từ hai sản phẩm là cà phê thóc và cà phê nhân. Trong đó, cà phê thóc hiện tại là sản phẩm đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu của CTP với Arabica là mặt hàng cà phê chủ đạo được CTP lựa chọn.

Với đặc thù sản xuất nghiêng về thâm dụng tài sản cố định và nằm ở cuối chuỗi giá trị của ngành cà phê, giá trị gia tăng mang lại trên mỗi đơn vị sản phẩm cà phê thóc là khá thấp. Vì vậy, không quá khó hiểu khi tỷ lệ giá vốn của CTP liên tục duy trì ở mức cao, dao động trong khoảng 85%-95% trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Tỷ lệ giá vốn hàng bán của CTP theo chu kỳ quý kinh doanh

Nguồn: VietstockFinance

Nhận biết những rào cản lớn, CTP đã có sự chuyển dịch rõ rệt trong định hướng kinh doanh của mình. Theo đó, bên cạnh sản phẩm cà phê thóc truyền thống, CTP cũng đang đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm cà phê nhân thông qua hoạt động đầu tư vào công ty con - CTCP Nasan Việt Nam kể từ năm 2015. CTCP Nasan Việt Nam là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê với hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cà phê nhân Arabica. Trong đó, thị trường chủ lực của Nasan Việt Nam là các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Đức, Nhật, Bỉ… Tính đến cuối năm 2016, CTP đang sở hữu 96.7% vốn điều lệ của  Nasan Việt Nam.

Với đặc thù tinh lọc cao, cần sự quản trị chặt chẽ về chất lượng, mẫu mã cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn của thị trường cà phê thế giới, cà phê nhân về cơ bản sẽ mang lại giá trị thặng dư cao hơn so với sản phẩm cà phê thóc. Điều này cũng sẽ giảm bớt ảnh hưởng của biến động giá cà phê lên giá bán sản phẩm. Vì vậy, đây chính là cơ hội để CTP có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp của mình và gia tăng cơ hội giảm thiểu rủi ro từ biến động giá khi tỷ trọng đóng góp của cà phê nhân dù vẫn còn thấp nhưng đang ngày càng gia tăng trong cơ cấu doanh thu của CTP.

Độ nhạy cao với giá cà phê thế giới

Với vị thế là một doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hạt cà phê, giá cà phê nguyên liệu đầu vào (cà phê quả tươi) chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá vốn của CTP. Kỳ nắm giữ hàng tồn kho của CTP tính đến cuối quý 3/2017 đạt trung bình 93.25 ngày. Điều này cho thấy trung bình khoảng 90 ngày (1 quý) hàng tồn kho của CTP sẽ được xoay vòng 1 lần. Vì vậy, biến động giá cà phê sẽ được phản ánh liên tục và thường xuyên trong cơ cấu chi phí và điều này sẽ tác động mạnh đến khả năng duy trì biên lãi gộp của CTP.

Kỳ nắm giữ hàng tồn kho của CTP

Nguồn: VietstockFinance; Đvt: Ngày

Có thể thấy rõ ảnh hưởng của giá cà phê lên biên lãi gộp của CTP khi xu hướng đi xuống của giá cà phê Arabica được phản ánh nhanh chóng trong cơ cấu biên lãi của CTP trong 9T/2017. Cụ thể, biên lãi gộp của CTP liên tục được cải thiện theo từng quý và tăng trưởng mạnh so với các quý cùng kỳ năm 2016. 

Tương quan giá cà phê Arabica và biên lợi nhuận gộp của CTP

Nguồn: VietstockFinance

Biên lợi nhuận gộp của CTP theo chu kỳ quý kinh doanh

Nguồn: Vietstock Finance

Ngoài ra, phân tích độ nhạy của giá nguyên liệu cà phê và biên lợi nhuận gộp theo chu kỳ năm cho thấy giữa giá cà phê Arabica và biên lợi nhuận gộp của CTP hình thành mối tương quan nghịch. Cứ 1% thay đổi trong giá cà phê nguyên liệu Arabica sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của CTP biến động bình quân 2.43%.

Giá cà phê nguyên liệu Arabica và độ nhạy biên lợi nhuận gộp của CTP

Giá cà phê sẽ có sự hồi phục trong năm 2018?

Năm 2018, thị trường cà phê được dự báo sẽ có sự biến động mạnh. Trong đó, sau nhiều năm duy trì ở vùng giá thấp thì giá cà phê được ước tính sẽ có sự hồi phục trở lại khi:

(1)  Quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil sụt giảm mạnh trong nguồn cung. Cụ thể, ảnh hưởng chu kỳ sẽ tác động lên sản lượng sản xuất cà phê của Brazil khi niên vụ 2017 – 2018 sẽ là năm mất mùa trong chu kỳ sản xuất của quốc gia này. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2017-2018 sẽ chỉ đạt 52.1 triệu bao, gồm 40.5 triệu bao cà phê Arabica và 11.6 triệu bao cà phê Robusta, thấp hơn mức sản lượng 56.1 triệu bao của niên vụ 2016 – 2017.

(2)  Nguồn cung cà phê tại Việt Nam cũng sẽ khó tăng mạnh. Năm 2018 được kỳ vọng sẽ là năm thu hoạch khả quan cho ngành cà phê Việt Nam nhờ điều kiện thời tiết đã thuận lợi hơn cùng việc ứng dụng công nghệ, sử dụng phân bón để nâng cao năng suất mùa vụ. Tuy nhiên, tổng nguồn cung dự kiến sẽ không tăng mạnh khi dự trữ cà phê từ các niên vụ trước đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn tương đương 1.3 triệu bao tồn kho.

(3)  Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ đạt mức kỷ lục. USDA dự báo nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ lên kỷ lục mới là 158 triệu bao (tải trọng 60kg) trong niên vụ 2017 – 2018 (giai đoạn tháng 10/2017 – tháng 9/2018). Ở chiều ngược lại, sự sụt giảm nguồn cung sẽ khiến sản lượng cà phê toàn cầu được dự báo chỉ dao động ổn định ở 159 triệu bao. Bên cạnh đó, tồn kho cà phê niên vụ 2017-2018 ước tính cũng chỉ còn 34 triệu bao, giảm 1.1 triệu bao so với niên vụ 2015-2016 và đạt mức thấp nhất trong 6 năm trở lại.

Giá cà phê Arabica thế giới đã tạo đáy ngắn hạn tại mức giá 3.158 USD/ kg trong quý 2/2017 vừa qua. Với nhu cầu tăng trưởng mạnh cùng sự hạn chế nguồn cung từ các quốc gia sản xuất lớn của thế giới, giá cà phê Arabica và Robusta nhiều khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận xu hướng hồi phục bắt đầu từ giai đoạn quý 4/2017 (thời điềm khởi đầu niên độ 2017-2018). Điều này sẽ tác động mạnh mẽ lên hoạt động kinh doanh của CTP khi độ nhạy của doanh thu và biến động giá cà phê thế giới của CTP đang duy trì ở mức cao.

Giá cà phê Arabica thế giới đang trong giai đoạn tạo đáy ngắn hạn

Nguồn: IFC Markets

Khoản phải thu tăng đến từ tích lũy nguyên liệu

Tính đến cuối quý 3/2017, khoản phải thu ngắn hạn của CTP đạt gần 77 tỷ đồng, tăng trưởng 21.3% so với đầu năm. Nguyên nhấn chính cho sự tăng trưởng khoản phải thu ngắn hạn đến từ tốc độ tăng trưởng mạnh của khoản mục trả trước cho người bán ngắn hạn. Trước dự báo về xu hướng phục hồi ngắn hạn của giá cà phê Arabica, CTP đã có những động thái gia tăng thu mua cà phê nguyên liệu ngay từ quý 3/2017 vừa qua nhằm tận dụng khả năng tạo đáy ngắn hạn của giá cà phê. Cụ thể, các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tính đến cuối quý 3/2017 đã gia tăng lên gần 32 tỷ đồng, tăng trưởng gần 50% so với thời điểm đầu quý.

Diễn biến khoản mục trả trước cho người bán ngắn hạn của CTP

Nguồn: VietstockFinance

Kết luận: Hoạt động bán hàng khả quan cùng việc CTP đang ở trong mùa cao điểm doanh thu và lợi nhuận, kết quả kinh doanh của CTP được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong quý 4/2017. Tuy vậy, với những kỳ vọng hồi phục của giá cà phê thì yếu tố này có thể tác động mạnh đến khả năng duy trì biên lợi nhuận của CTP trong năm 2018.

Phước Toàn

FiLi

Các tin tức khác

>   HTG: Ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2017 (02/11/2017)

>   MSR: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (02/11/2017)

>   DVN: Báo cáo tài chính quý 3 năm 2017 (Mẹ + TH) (02/11/2017)

>   PHC: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (02/11/2017)

>   PHC: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (công ty mẹ) (02/11/2017)

>   PVC: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (02/11/2017)

>   PVS: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (02/11/2017)

>   PVC: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (công ty mẹ) (02/11/2017)

>   Tập đoàn Hoa Sen nói gì khi lãi ròng hợp nhất quý 4 giảm hơn một nửa? (02/11/2017)

>   Vì sao NOS, VOS cứ mãi đắm chìm trong thua lỗ? (02/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật