Thứ Sáu, 24/11/2017 09:57

Công ty dịch vụ công ích quận 8 “làm xiếc” trên các dự án tái định cư

Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa có kết luận thanh tra toàn diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 (gọi tắt là Công ty DVCI Q.8), phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng xảy ra chủ yếu trong thời kỳ ông Đỗ Quốc Phong làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Nguyễn Hoài Nam làm giám đốc.

Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư (TĐC) Trương Đình Hội 2 tọa lạc tại phường 16 được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ năm 2004 với diện tích 4,82ha do Công ty DVCI Q.8 làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án gồm 3 khu nhà ở cao từ 8-18 tầng với 1.028 căn hộ, thời gian thực hiện là 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bản chấp thuận đầu tư.

Thế nhưng suốt 13 năm qua, mặc dù không được sự chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh nhưng Công ty DVCI Q.8 tự ý hợp tác rồi “chia tay” với rất nhiều đối tác. Cuối cùng Công ty DVCI Q.8 tự ý hợp tác làm ăn với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng 620 bất chấp việc xin phép cấp thẩm quyền.

Đến năm 2017, trong khi chưa có giấy phép xây dựng, Công ty DVCI Q.8 vẫn tiến hành khởi công xây dựng và rao bán căn hộ ra bên ngoài…

Dự án khu nhà ở chung cư phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị và một phần phục vụ TĐC Trương Đình Hội 3 cũng được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận từ năm 2005 với quy mô 1.040 căn hộ. Thế nhưng năm 2013, UBND quận 8 đã vượt thẩm quyền khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch khu này chỉ còn lại 336 căn hộ chung cư và 98 căn nhà liền kề.

Thi công dự án Trương Đình Hội 3 khi chưa có giấy phép xây dựng và đã “bán lúa non” sai đối tượng.

Giống như khu Trương Đình Hội 2, trong khi chưa có giấy phép xây dựng, tháng 9-2017, Công ty DVCI Q.8 đã triển khai thi công xây dựng… Điều đáng nói là UBND quận 8 lại đồng ý cho Công ty DVCI Q.8 “bán lúa non” 78/98 căn hộ liền kề cho đối tượng không thuộc diện TĐC.

Đặc biệt, UBND quận 8 còn kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép Công ty DVCI Q.8 được kinh doanh toàn bộ quỹ nhà thuộc dự án này. Việc làm này đi ngược lại với chủ trương của UBND TP Hồ Chí Minh và vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở.

Bên cạnh những dự án “có vấn đề”, hầu hết các dự án TĐC khác do Công ty DVCI Q.8 làm chủ đầu tư đều triển khai rất chậm chạp. Như dự án chung cư cao tầng An Sinh ở phường 4, UBND TP Hồ Chí Minh giao đất từ năm 2007 nhưng đến nay chỉ thực hiện đến cột tầng 1 khu A; cột tầng 1 khu B,C và 1 phần sàn tầng 2.

Tương tự, dự án khu nhà ở phường 5 được UBND TP Hồ Chí Minh giao thực hiện từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, chưa có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền nên chưa được duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 để thực hiện dự án.

Dự án chung cư số 338 Bến Bình Đông (P.16) được giao đất từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý… Trong khi dự án TĐC bị “lãng quên” thì Công ty DVCI Q.8 lại rất sốt sắng thực hiện dự án khu nhà ở liên kế và nhà ở căn hộ số 207-209 Bến Bình Đông. Dự án này có 2 căn nhà phố liền kề nằm phía trước và khu nhà 3 tầng phía sau với 10 căn hộ.

Đến nay, Công ty DVCI Q.8 chỉ cho 1 hộ tạm cư thuộc diện bị giải tỏa; còn lại ưu ái bố trí cho 9 cán bộ, công nhân viên của Công ty DVCI Q.8 đương nhiệm và 1 cán bộ đã về hưu làm nhà ở. Điều đáng nói là công ty này chẳng lập hợp đồng thuê nhà mà chỉ làm một biên bản tạm giao nhà và thỏa thuận việc thanh toán tiền thuê nhà.

Vì triển khai ì ạch các dự án TĐC, trong khi nhu cầu về nhà ở cho đối tượng này rất cao nên Công ty DVCI Q.8 có “sáng kiến” là đi mua lại các chung cư khác và đã gây nhiều tổn thất cho Nhà nước. Chung cư Tân Mỹ (quận 7) với quy mô 600 căn hộ được Công ty DVCI Q.8 mua lại từ Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn từ năm 2009 để tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây tại phường 9, 10 và 11.

Tuy nhiên chỉ có 352 căn hộ được bố trí tái định cư, còn lại 248 căn bỏ trống. Do công tác quản lý lỏng lẻo, bảo trì chưa phù hợp nên chung cư rất mất vệ sinh và xuống cấp nặng nề, sàn thấm nước, thang máy bị hư hỏng không đóng được cửa, một số hộ dân chăn nuôi gia súc trên lối đi chung…

Cũng mua từ Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn vào năm 2011 là chung cư An Sương (quận 12) gồm 4 block với 176 căn hộ bố trí TĐC với thời hạn cho thuê là 30 năm. Tuy nhiên, do chung cư khá xa quận 8 nên chỉ có 56 hộ TĐC thuê nhà để ở, còn lại đem cho thuê hoặc chuyển nhượng lại.

Tính đến hết tháng 9-2017, người thuê nhà còn nợ gần 17 tỷ đồng tiền thuê nhưng Công ty DVCI Q.8 không có biện pháp xử lý dứt điểm.

Tuy là một doanh nghiệp nhà nước nhưng lãnh đạo của Công ty DVCI Q.8 (thời kỳ bị thanh tra) chi tiêu rất hào phóng như tiền của gia đình. Trong dự án Khu du lịch Eo Biển Xanh ở Phan Thiết, Bình Thuận, chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tường An đã kết hợp cùng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình và Công ty DVCI Q.8 góp vốn thực hiện. Công ty DVCI Q.8 không những góp đủ 30% số vốn (6,9 tỷ đồng) mà còn cho Eo Biển Xanh mượn hơn 5 tỷ đồng để góp vào thực hiện dự án!

Về quản lý vốn chủ sở hữu, theo kết luận thanh tra đến thời điểm hết 31-12-2016, các khoản mà Công ty DVCI Q.8 phải thu là 276,24 tỷ đồng nhưng các khoản phải trả lên đến 780,77 tỷ đồng. Đối với các khoản phải thu có khá nhiều khoản nợ khó đòi mà nguyên nhân xuất phát từ việc quá dễ dãi của Công ty DVCI Q.8.

Trong việc nhận thi công công trình ở quận 2 với Công ty TNHH MTV phát triển và dịch vụ nhà Bến Thành, dù Công ty Bến Thành không tạm ứng kinh phí và thanh toán từng đợt theo thỏa thuận nhưng Công ty DVCI Q.8 vẫn tiến hành thi công đến hoàn thành công trình và bị nợ khó đòi hơn 365 triệu đồng.

Ngược lại, Công ty DVCI Q.8 thuê đơn vị khác làm thì lại chi tiền rất rốt ráo. Như việc thuê Công ty cổ phần Xây dựng 14 thi công các hạng mục xây lắp, thiết bị, khai thác và xử lý nước… với tổng trị giá hơn 5,7 tỷ đồng nhưng Công ty DVCI Q.8 đã cho ứng gần hết số tiền trên. Đến cuối năm 2016, Công ty cổ phần Xây dựng 14 chỉ mới thực hiện quyết toán hơn 3,7 tỷ đồng, còn lại gần 2 tỷ đồng… để đó!

Về nợ phải thu và nợ phải trả chênh lệch nhau đến hơn 500 tỷ đồng nhưng kết luận thanh tra chưa làm rõ vấn đề này. Trong kết luận chỉ nêu tính đến thời điểm 31-12-2016, khoản thu hộ từ việc bán các căn hộ tái định cư là gần 44 tỷ đồng nhưng đến nay Công ty DVCI Q.8 chỉ mới nộp vào ngân sách thành phố hơn 18 tỷ đồng.

Đối với khoản tạm ứng ngân sách Nhà nước với số tiền trên 251 tỷ đồng để thi công dự án Trương Đình Hội 2, công ty đã sử dụng số tiền 201 tỷ đồng chi cho công tác đền bù, 50 tỷ đồng cho công tác thi công.

Công ty DVCI Q.8 đảm bảo hoàn trả số tiền tạm ứng dưới hình thức giao căn hộ phục vụ TĐC khi dự án hoàn thành. Tính số nợ phải trả chưa đến 300 tỷ, vậy hàng trăm tỷ đồng là nợ phải trả Công ty DVCI Q.8 đã nợ ai, nợ như thế nào và tiền đâu để trả (?).    

Ngoài các sai phạm trên, Công ty DVCI Q.8 còn có nhiều sai phạm ở các lĩnh vực khác như bổ nhiệm cán bộ, tiền công, tiền lương; quản lý cho thuê nhà… Thanh tra TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả đã gây ra.

M.Hải-M.Đức

Công an nhân dân

Các tin tức khác

>   Bộ Công an điều tra hoạt động của địa ốc Alibaba (23/11/2017)

>   Nguồn cung căn hộ chung cư tiếp tục dậy sóng (24/11/2017)

>   Vingroup ra mắt hồ Harmony: Không gian cho nghệ thuật thăng hoa (22/11/2017)

>   Xu hướng chọn căn hộ kiểu mẫu cho người dân đô thị mới (24/11/2017)

>   Phát Đạt làm lễ cất nóc dự án Milennium (23/11/2017)

>   Rạp hát Sài Gòn - Đâu rồi Minh Châu, Thanh Bình, Đại Nam? (22/11/2017)

>   TCH sẽ ký hợp đồng BT dự án cải tạo chung cư hơn 1,668 tỷ đồng (21/11/2017)

>   Phát Đạt nhận giải thưởng Top 10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam (21/11/2017)

>   Siêu dự án Happy Land bán một phần để trả nợ (21/11/2017)

>   Đang “cắt ngọn” khách sạn 5 sao xây vi phạm ở Phú Quốc (20/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật