Có khi nào Nga phản đối gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu?
Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể không ủng hộ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, Chris Weafer, đối tác cấp cao tại Macro-Advisory, cho biết trong ngày thứ Sáu.
Cùng với các nhà xuất khẩu dầu thô đồng minh, các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được cho là sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng nữa. Nếu điều này thực sự xảy ra, thì thỏa thuận trên sẽ kéo dài đến hết năm 2018.
Tuy nhiên, ông Weafer nhận định, mặc dù thoạt nghĩ thì ý tưởng Nga không ủng hộ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể là một quan điểm điên rồ, nhưng trong bối cảnh các ưu tiên của Nga đã thay đổi, thì ý tưởng trên lại trở nên hoàn toàn hợp lý.
Theo quan điểm của ông Weafer, nếu giá dầu duy trì trong phạm vi 60-65 USD/thùng, thì sự ủng hộ của Moscow đối với quyết định gia hạn thỏa thuận có lẽ sẽ không còn. Ông Weafer cho hay Nga vẫn sẽ tạo ra lợi nhuận khi giá dầu ở mức 55-56 USD/thùng, và mức giá cao hơn chỉ khiến các công ty sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đẩy mạnh sản xuất. Bên cạnh đó, ông cũng tin rằng mức giá này sẽ khuyến khích nền kinh tế Nga giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu – một điều sẽ mang lại lợi ích của quốc gia này trong dài hạn.
Giá dầu sẽ lại sụt giảm?
“Mức giá dầu cao hơn sẽ làm gia tăng khả năng sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư đổ vào lĩnh vực này, chẳng hạn các dự án đá phiến ở Mỹ và dự án dầu của Canada”, ông Weafer cho biết. Còn nhớ, chính sự bùng nổ của dầu đá phiến ở Mỹ đã gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu trong năm 2014.
Do đó, ông cho rằng việc Nga ủng hộ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể tạo ra nguy cơ giá dầu sụt giảm vào năm tới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak – một kiến trúc sư chính của thỏa thuận cắt giảm sản lượng – cho biết trong tháng 10/2017 rằng Moscow sẽ ủng hộ gia hạn thỏa thuận cho đến cuối năm 2018.
Tuy nhiên, ông Weafer cho biết những nhận định của ông Novak đã không còn phù hợp vì lúc ông đưa ra nhận định này là khi giá dầu ở phạm vi 50-55 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/11), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex cộng 1.41 USD (tương đương 2.6%) lên 56.55 USD/thùng. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày thứ Hai. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tiến 1.36 USD (tương đương 2.2%) lên 62.72 USD/thùng.
Còn nhớ, giá dầu đã tụt dốc từ mức gần 120 USD/thùng trong tháng 6/2014 vì nhu cầu dầu thấp, đồng USD mạnh và sự bùng nổ từ hoạt động sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Sự do dự trong việc cắt giảm sản lượng của OPEC cũng là một yếu tố chính thúc đẩy đà sụt giảm trên.
Tuy nhiên, khi OPEC tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng với một số nhà sản xuất bên ngoài vào cuối năm 2016, giá dầu đã bắt đầu hồi phục.
Thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu
Ông Weafer cho rằng nếu Nga lựa chọn phản đối quyết định gia hạn thỏa thuận thì điều này sẽ tạo động lực để nước này tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu.
Hơn nữa, ông Weafer cho biết Nga đã tỏ ra nhất quán với thông điểm của họ rằng đồng Rúp (RUB) yếu hơn sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nước này. Và trong lúc giá dầu tăng lên mức 64 USD trong vài tuần trở lại đây, thì tỷ giá USD/RUB suy yếu.
Ông Weafer kết luận rằng, tất cả những điều trên là những lý do cho thấy tại sao Nga hiện tỏ ra thoải mái hơn khi giá dầu ổn định ở phạm vi 50-59 USD hơn là gần với 63-65 USD/thùng.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Năng lượng của các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Suhail al-Mazroui, cho biết ông hy vọng các quốc gia trong và ngoài OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận sản lượng tại cuộc họp vào cuối tháng tới.
Được biết, các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC sẽ họp mặt vào ngày 30/11/2017 ở Vienna để quyết định về chính sách sản lượng dầu.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|