Chuyển động lạ mùa báo cáo tài chính: Ra tin kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu lũ lượt “gãy”!
Nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh và là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, những diễn biến lạ của nhiều cổ phiếu trong mùa báo cáo quý 3 này khiến nhiều người phải cảnh giác.
Trên sàn, kết quả kinh doanh của một đơn vị chính là một trong những yếu tố tiên quyết cho việc giải ngân của nhà đầu tư. Tuy nhiên, những diễn biến lạ của một vài cổ phiếu gần đây thực sự khiến giới đầu tư phải dè chừng.
Thị trường đang bước vào tâm điểm của mùa báo cáo tài chính, tính đến ngày 30/10/2017, đã có 624 doanh nghiệp niêm yết công bố BCTC quý 3/2017. Thống kê sơ bộ cho thấy tổng lợi nhuận những doanh nghiệp đã công bố BCTC trong quý 3 năm nay tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước.
|
Cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai là một minh chứng như vậy. Theo đó, 1 ngày trước khi công bố BCTC quý 3/2017, giá cổ phiếu QCG đã bất ngờ giảm kịch sàn (phiên 27/10/2017) làm dấy lên mối lo ngại về kết quả kinh doanh của đơn vị này.
Phiên giao dịch sau đó (30/10), QCG chính thức công bố đạt lãi ròng lên đến 165.6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, QCG đạt lãi hơn 394 tỷ đồng, gấp 12 lần so với 9 tháng đầu năm 2016. Kết quả tốt là vậy nhưng trên sàn, mã chứng khoán QCG tiếp tục là nỗi ám ảnh khi vẫn giảm kịch sàn. Cho đến phiên giao dịch 31/10, QCG vẫn nằm sàn phiên thứ 3 liên tiếp, giao dịch tại 12,650 đồng/cp, ghi nhận giảm gần 25% chỉ trong 1 tuần qua.
Diễn biến QCG quả thật đáng ngại và vẫn chưa có lời lý giải chính thức nào được đưa ra, tuy nhiên có nhiều khả năng nguyên nhân lại đến từ chính thông tin đã giúp QCG tăng phi mã trước đó.
Đi ngược thời gian về khoảng đầu tháng 5/2017, cổ phiếu QCG khi đó là điểm nóng trên toàn thị trường chứng khoán, bứt phá một mạch từ vùng dưới 5,000 đồng/cp để lên mức cao nhất trong 7 năm qua tại 28,303 đồng/cp (ngày 22/06/2017). Và thông tin hỗ trợ khi đó là việc QCG chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho đối tác Sunny Island và đã nhận tạm ứng 50 triệu USD. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ 2017, ban lãnh đạo QCG cho biết dự án chưa được chuyển nhượng, đối tác chỉ tạm ứng trước cho QCG để giải quyết các khoản nợ hiện hữu và nếu trong tháng 10/2017, Công ty không hoàn tất được việc giải tỏa, giao đất sạch cho đối tác thì sẽ phải đền bù 25 triệu USD. Kể từ thời điểm này, cổ phiếu QCG bắt đầu giảm đáng kể nhưng vẫn giữ được vùng giá trung bình quanh 17,000 đồng/cp trước khi chính thức đổ đèo 3 phiên gần đây.
Có thể thấy rằng mối quan tâm lớn nhà đầu tư dành cho QCG lúc này rõ ràng không phải kết quả quý 3 mà là câu chuyện xoay quanh dự án Phước Kiển, nếu sau ngày 31/10/2017, QCG không hoàn tất đền bù thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, tương lai sẽ ra sao là một dấu hỏi lớn. Cũng phải lưu ý rằng, kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý 3/2017 của QCG chủ yếu là nhờ chuyển nhượng vốn góp tại công ty con là CTCP Hiệp Phú (chỉ còn nắm 5%).
Biến động cổ phiếu QCG kể từ đầu năm nay.
|
Không quá tiêu cực như QCG nhưng hiện tượng cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng phải nói là “lạ”. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu HBC bất ngờ giảm sàn dù Tập đoàn này công bố doanh thu thuần quý 3/2017 đạt 4,203 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng hơn 238 tỷ đồng, tăng hơn 31%.
Đối với HBC, đã có nhiều lập luận cho rằng diễn biến giá đang phản ứng hiện tượng “tin ra là bán”. Tuy nhiên, tại HBC có nhiều điểm rất đáng chú ý trong BCTC quý 3 vừa công bố. Theo đó, dù lãi lớn nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm lại âm 1,282 tỷ đồng, kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 160 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/09/2017, phải thu ngắn hạn của HBC hơn 8,600 tỷ đồng, tăng hơn 1,800 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng hơn 5,150 tỷ đồng (đầu năm chỉ 2,903 tỷ đồng). Công ty cũng đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 316 tỷ đồng, tăng thêm 36 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tổng nợ ngắn hạn của HBC cuối quý 3 là 10,228 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn hơn 3,925 tỷ đồng, tăng hơn 1,200 tỷ đồng so với đầu năm.
Biến động cổ phiếu HBC kể từ đầu năm nay.
|
Hay như cổ phiếu HAR, lãi hợp nhất quý 3 hơn 11 tỷ đồng, tăng đáng kể so cùng kỳ và cũng là quý thứ hai liên tiếp có lãi tăng trưởng sau quý 4/2016 và quý 1/2017 thua lỗ. Thế nhưng diễn biến trên sàn của HAR đang không được như ý khi đang giảm sàn hai phiên liên tục.
Song, cũng giống như QCG, kết quả kinh doanh của HAR chủ yếu đến từ hoạt động tài chính, trong đó có đóng góp hơn 10 tỷ đồng từ đầu tư cổ phiếu, chứng khoán. Hoạt động chính của HAR thời điểm này là cho thuê bất động sản vẫn chưa mang lại con số kỳ vọng, chỉ hơn 11 tỷ đồng trong quý 3.
Nói thêm về HAR, đơn vị này đã bắt đầu chuyển hướng kinh doanh từ cho thuê bất động sản sang phát triển và kinh doanh bất động sản. Khởi đầu cho hoạt động này của HAR chính từ việc thực hiện thương vụ M&A để gia tăng quỹ đất. Cụ thể, từ đầu năm, HAR đã sở hữu dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13.5 ha, mua 51% vốn tại Cơ khí Ngân hàng nhắm đến 2 khu đất ở quận Phú Nhuận và Quận 5. Mới đây là quyết định mua lại ít nhất 35% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông, tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba. Mục đích của thương vụ này chưa được HAR công bố, nhưng nhiều khả năng là Công ty đang nhắm đến là quỹ đất giá trị đơn vị này sở hữu.
Cũng chính động thái M&A ồ ạt thời gian qua mà trên thị trường, cổ phiếu HAR đã tăng vọt từ vùng giá dưới 4,000 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu HAR kể từ đầu năm nay.
|
Thiên Mục
FiLi
|