Chứng khoán Việt Nam đã đến lúc vươn cao!
4 năm về trước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) chỉ giao dịch khoảng 50 triệu USD cổ phiếu mỗi ngày, trong khi hoạt động giao dịch ở Philippines cao gấp 5 lần. Giờ đây mọi thứ đã đảo ngược, Việt Nam tỏ ra vượt trội hơn Philippines trong năm 2017.
Đây là một chuyển biến đáng chú ý đối với một thị trường từng gây nản lòng nhà đầu tư, với nền kinh tế mạnh nhưng khả năng có thể đầu tư lại thấp, Dan Fineman và các chuyên gia phân tích khác tại Credit Suisse cho hay. Vậy điều gì có thể giải thích cho tình trạng phấn khích trên thị trường Việt Nam?
Điều này có thể được lý giải bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là nền kinh tế Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Hệ thống ngân hàng – vốn có lượng nợ xấu cao nhất ở Đông Nam Á trong năm 2012 – giờ đã xử lý bớt nợ xấu và tăng trưởng nhanh chóng trở lại. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HOSE: SHB) đã xoay sở để hạ tỷ lệ nợ xấu từ 5% (giữa năm 2013) xuống còn 1.4%. Khoản cho vay của SHB tăng từ gần 5 tỷ USD lên 12 tỷ USD.
Thứ hai là Chính phủ Việt Nam rất chú trọng về việc tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Hồi đầu tháng này, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã bán đấu giá 3.33% cổ phần tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) cho một đơn vị trực thuộc Jardine Matheson Holdings – một doanh nghiệp niêm yết trên sàn Singapore. Hiện Jardine Matheson đã nắm trong tay 10% cổ phần Vinamilk và muốn tăng thêm tỷ lệ sở hữu. Trong khi đó, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) cũng nằm trong danh sách thoái vốn của Chính phủ Việt Nam. Hồi tuần trước, Sabeco đã tổ chức buổi roadshow ở Singapore, với hy vọng sẽ bán được phần lớn cổ phần của đơn vị.
Cuối cùng, Việt Nam giờ đã tham gia vào chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh châu Á. Hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam không phải là dệt may, giày dép, hải sản, cà phê hoặc hạt điều, mà là các thành phần của điện thoại di động – vốn nhảy vọt 29% trong năm nay lên mức 36.5 tỷ USD. Một trong những lựa chọn đầu tư hàng đầu của Credit Suisse là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc CTCP (HOSE: KBC) – một công ty có khách hàng là các tập đoàn nổi tiếng như LG Electronics, Canon và Foxconn Technology.
Ngoài ra, sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng hỗ trợ cho nhiều nền kinh tế châu Á, và các thị trường như Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines có thể cung cấp cho nhà đầu tư những cơ hội lớn hơn. Dẫu vậy, các đợt bán cổ phiếu lần đầu trong năm vừa qua có tổng giá trị là 3.3 tỷ USD – bao gồm Vincom Retail – đã giúp Việt Nam trở thành thị trường IPO năng động thứ 3 ở Đông Nam Á chỉ sau Singapore và Malaysia. Ngoài ra, sắp tới, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) có thể chào bán cổ phiếu với giá trị 300 triệu USD trước khi kết thúc năm 2017.
Góp phần gia tăng tâm lý lạc quan trên thị trường Việt Nam là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng gần 12% lên 16 tỷ USD – tức chiếm gần 8% của GDP Việt Nam. Khả năng chế tạo nhiều thứ tinh vi hơn của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu của nước này cũng gia tăng.
Một điều tương tự đang diễn ra trên thị trường tài chính. Các chuyên viên phân tích thuộc Credit Suisse ước tính, hiện có 12 cổ phiếu với giá trị giao dịch là 3 triệu USD/ngày và vẫn còn room ngoại. Trong khi trước đó vào năm 2015, chỉ có 1 hoặc 2 cổ phiếu dạng này.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|