Sáp nhập ngân hàng và câu chuyện VietinBank - PGBank còn bỏ ngỏ
Các thương vụ sáp nhập ngân hàng thời gian qua hầu hết đều tiến triển rất nhanh kể từ khi nguồn tin chính thống xuất hiện. Đặc biệt, khi đến bước ĐHĐCĐ thông qua thì chặng đường về chung một nhà chỉ còn “ngày một ngày hai”. Riêng thương vụ giữa VietinBank - PGBank lại hoàn toàn khác biệt và dùng dằng suốt mấy năm nay.
* ĐHĐCĐ PGBank: Cổ đông mất kiên nhẫn và những hệ lụy từ chuyện sáp nhập vào VietinBank
Nhanh gọn nhất và cũng là phát pháo đầu tiên cho câu chuyện sáp nhập ngân hàng là thương vụ hồi cuối năm 2011. Khi ba ngân hàng là Đệ Nhất (Ficombank), Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) về chung một mái nhà SCB chỉ trong vòng gần một tháng sau khi công bố.
Lộ trình diễn ra rất chóng vánh, vào ngày 06/12/2011, NHNN chấp thuận việc hợp nhất 3 ngân hàng. Đến ngày 15/12/2011, ĐHĐCĐ của cả SCB, TinNghiaBank và Ficombank cùng thông qua toàn bộ các vấn đề liên quan đến hợp nhất với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Chỉ sau một tuần, đến ngày 23/12/2011, ĐHĐCĐ Ngân hàng SCB sau hợp nhất đã thông qua nhân sự và các vấn đề hoạt động và chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ hơn 10,580 tỷ đồng từ đầu năm 2012.
Thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) cũng hoàn tất “gọn lẹ” với toàn bộ quá trình kể từ khi NHNN có quyết định thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập chỉ trong vòng 55 ngày. Tài liệu về việc hợp nhất được MHB chính thức công bố vào đầu tháng 04/2015. Và đến gần cuối tháng thì phương án sáp nhập cũng được NHNN chấp thuận với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Kết quả Ngân hàng sau sáp nhập BIDV được công bố vào ngày 25/05/2015 với vốn điều lệ trên 31,480 tỷ đồng.
Tiến trình sáp nhập lâu hơn một chút thì cũng độ vài tháng trở lại, là ổn định đội hình khi hợp nhất về chung một nhà như trường hợp của Ngân hàng Nhà Hà Nội (HBB) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) hay Ngân hàng Phương Tây (WesternBank, WEB) vào Tổng Công ty tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVF).
Trong đó, HBB công bố phương án sáp nhập vào SHB vào gần cuối tháng 04/2012 và được ĐHĐCĐ của hai bên thông qua ngay sau đó. Đến giữa tháng 6, NHNN chấp thuận việc sáp nhập với tỷ lệ 1 cp HBB đổi 0.75 cp SHB. Đến 28/08/2012, HBB chính thức về một nhà với SHB và Ngân hàng SHB sau sáp nhập có vốn điều lệ 8,865 tỷ đồng.
Còn tại thương vụ hợp nhất WesternBank và PVF, vào giữa tháng 03/2013 WesternBank công bố đề án hợp nhất và được ĐHĐCĐ thông qua. Đến đầu tháng 05/2013 PVF mới công khai đề án và cũng được ĐHĐCĐ nhất trí. Sau đó, ĐHĐCĐ hợp nhất diễn ra vào giữa tháng 09/2013. Đầu tháng 10/2013, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) – kết quả của việc hợp nhất WesternBank và PVF theo tỷ lệ hoán đổi 1:1 chính thức ra mắt thương hiệu mới với vốn điều lệ 9,000 tỷ đồng.
Thậm chí một số trường hợp sáp nhập khác trong giới ngân hàng Việt kéo dài hơn cũng chỉ đến một năm rưỡi. Đó là khi Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank, PNB) muốn về với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) và thông tin bắt đầu rộ lên từ đầu tháng 03/2014. Sau đó, ĐHĐCĐ của hai nhà băng cũng nhất trí đi chung đường vào cuối tháng 03 và đầu tháng 04/2014. Không lâu sau đó, đến giữa tháng 08/2015, NHNN chính thức chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập của SouthernBank và Sacombank với tỷ lệ 1 cp SoutherBank đổi 0.75 cp Sacombank. Ngân hàng Sacombank sau sáp nhập ra mắt vào đầu tháng 10/2015 có vốn điều lệ 18,853 tỷ đồng.
Còn với thương vụ Ngân hàng Đại Á (DaiABank) sáp nhập vào Ngân hàng Phát triển TPHCM (HDBank) và Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) về chung với Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank, MSB) cũng diễn ra hơn 1 năm.
Gần cuối tháng 10/2012, báo chí đưa tin NHNN đã chấp thuận cho HDBank và DaiABank sáp nhập vào nhau. Gần một năm sau vào cuối tháng 09/2013, ĐHĐCĐ của hai Ngân hàng đã thông qua việc sáp nhập với tỷ lệ hoán đổi 1:1. Ngân hàng sau sáp nhập HDBank chính thức ra mắt đầu năm 2014 với vốn điều lệ 8,100 tỷ đồng.
Còn thông tin về việc MDB sáp nhập vào MaritimeBank được báo chí nhắc đến vào giữa tháng 04/2014 và chính thức được NHNN chấp thuận vào giữa tháng 03/2015 với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1. ĐHĐCĐ vào gần cuối tháng 05/2015 của hai nhà băng thông qua phương án sáp nhập và chính thức về một nhà từ giữa tháng 08/2015.
Riêng “kỳ án” sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) đã kéo dài 3 năm nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Câu chuyện này bắt đầu từ giữa tháng 04/2014 khi PGBank hé lộ thông tin sẽ sáp nhập và trở thành đơn vị trực thuộc của ngân hàng khác. Một năm sau, ĐHĐCĐ của VietinBank chính thức thông qua việc nhận sáp nhập PGBank theo tỷ lệ 0.9 cp VietinBank đổi 1 cp PGBank. Kế hoạch được xây dựng chi tiết với dự kiến sau sáp nhập, VietinBank sẽ thành lập Công ty tài chính PG Finance tập trung cho nhóm khách hàng Petrolimex.
Đến kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2016, việc sáp nhập vẫn dở dang và VietinBank đưa ra lý do sở hữu Nhà nước của PGBank là hơn 40%, của VietinBank là hơn 64% nên việc sáp nhập tốn rất nhiều thời gian và phải thông qua rất nhiều Ban ngành.
Sang năm thứ ba, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 vào giữa tháng 04/2017, đại diện VietinBank cho biết việc sáp nhập với PGBank vẫn chưa hoàn thành do NHNN chưa phê duyệt chấp thuận nguyên tắc. NHNN đã yêu cầu VietinBank tiếp tục rà soát kết quả định giá cổ phiếu PGBank và đàm phán lại tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.
Còn cổ đông của PGBank cũng rất bất mãn, mất kiên nhẫn khi việc sáp nhập trì trệ và kéo dài. Khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT của PGBank cho biết, việc sáp nhập với VietinBank bị kéo dài do ban làm dự án có sự thay đổi và vướng mắc chính nằm ở tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu. Hệ lụy từ việc này là PGBank không hoàn thành các chỉ tiêu năm 2016 do tiến trình sáp nhập bị kéo dài. Ông Nguyễn Quang Định – Tổng Giám đốc PGBank cho biết Ngân hàng gặp những hạn chế do việc sáp nhập như phải giữ nguyên quy mô, không đầu tư công nghệ thông tin, xử lý nợ xấu gặp vướng mắc…
Dù cổ đông đã rất mệt mỏi nhưng tại đại hội, ông Bảo vẫn khẳng định mục tiêu chính của PGBank là tái cơ cấu, không phải là sáp nhập. Ban lãnh đạo PGBank cho biết việc có tiến hành sáp nhập hay không sẽ có câu trả lời trong quý 2/2017 và sẽ thông báo cho cổ đông nếu Ngân hàng tiến hành cơ cấu lại. Tuy nhiên, quý 3 cũng đã trôi qua và PGBank vẫn chưa có công bố nào mới về phương án sáp nhập này!
Một tình tiết mới xuất hiện tại cơ cấu cổ đông của PGBank là sự góp mặt của Ngân hàng Việt Á (VietABank). Theo báo cáo tài chính bán niên 2017 của VietABank, đơn vị này đã phát sinh khoản đầu tư vào PGBank với giá trị 150 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4.16% vốn.
ĐVT: đồng
Khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của VietABank
|
Đáng chú ý, VietABank có số dư tổng tiền gửi và cho vay các TCTD khác tại thời điểm cuối tháng 6/2017 là gần 12,200 tỷ thì chỉ có 7,000 tỷ đồng nợ đủ tiêu chuẩn (đều tăng 20% so với đầu năm).
Uyên Minh
FILI
|