Petrolimex sẽ mở rửa xe, ăn uống…để đấu với người Nhật?
Dư luận đặt câu hỏi: Liệu có phải Petrolimex học theo taxi truyền thống, phản đối trạm xăng Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản?
* Petrolimex treo khẩu hiệu ủng hộ hàng Việt: “Không phải như phản đối Uber, Grab”
Tại nhiều cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xuất hiện băng rôn đỏ với nội dung: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Động thái này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có phải Petrolimex học theo taxi truyền thống, phản đối trạm xăng Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản? Liệu Petrolimex có đi vào “vết xe đổ” của taxi tuyền thống khi treo băng rôn phản đối Uber, Grab và bị dư luận phản ứng trong suốt tuần vừa qua?
Trả lời về vấn đề này, Petrolimex cho biết việc treo băng rôn là để hưởng ứng chương trình “Tự hào hàng Việt” vào tháng 10 hằng năm do Bộ Công Thương tổ chức. Những tấm băng rôn này cũng đã có từ trước khi trạm xăng Nhật Bản ra mắt.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cũng khẳng định không có bất kỳ văn bản nào đề xuất lên UBND TP Hà Nội cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng Nhật.
Ông Ruệ cho rằng rất bức xúc trước thông tin bịa đặt lan truyền trên một số trang mạng. Bản thân ông và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ủng hộ hội nhập, sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường xăng dầu sẽ thúc đẩy thị trường cạnh tranh hơn. “Đây là thông tin gây hoang mang dư luận và sai trái, người dân cần cảnh giác”.
Trước đó, trên một số trang mạng xã hội có đăng tải công văn được cho là của Hiệp hội Các doanh nghiệp xăng dầu đề nghị UBND TP Hà Nội ra quyết định cấm cán bộ, công nhân, viên chức trên địa bàn Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8) với lý do người Việt Nam nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tránh tình trạng sử dụng dịch vụ từ doanh nghiệp ngoại mà gián tiếp làm suy yếu các doanh nghiệp nội địa.
Các nhân viên cây xăng Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam cúi chào khách mỗi khi khách đến đổ xăng và ra về. Nếu khách hàng vào đổ xăng có nhu cầu lau chùi kính xe cũng sẽ được đáp ứng. Ảnh: TRẦN CÔNG ĐẠT.
|
Trả lời câu hỏi Petrolimex chuẩn bị gì để cạnh tranh với đại gia Nhật vừa mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam? Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex, cho biết theo chủ trương, định hướng nền kinh tế của Việt Nam sẽ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Vì vậy các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung hay hoạt động kinh doanh xăng dầu nói riêng tất yếu sẽ đi theo xu hướng này, mặc dù thời điểm bắt đầu có thể khác nhau để đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình, cam kết của Chính phủ Việt Nam.
"Do đó, việc chuẩn bị các điều kiện cho một thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh đã được Petrolimex chuẩn bị từ nhiều năm qua không chỉ cho việc Idemitsu Q8 tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam mà với tất cả thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác" - phó tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex nói.
Theo đó, Petrolimex đã tập trung vào các công việc chủ yếu như đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho kho bể, công nghệ, cột bơm… đạt tiêu chuẩn hiện đại. Qua đó đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của xã hội trong bất kỳ điều kiện nào.
Đồng thời đa dạng hóa các dịch vụ tại các cửa hàng xăng dầu như thanh toán bằng thẻ ATM và Flexicard khi mua xăng dầu, chuyển tiền nhanh, bảo hiểm, phương thức bán hàng tự phục vụ... Qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho khách hàng, giảm chi phí tại các cửa hàng xăng dầu từ đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh.
“Bên cạnh đó, chúng tôi nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo kỹ năng… để xây dựng đội ngũ người lao động có kỹ năng chuyên nghiệp, văn minh trong giao tiếp, làm việc có trách nhiệm, tôn trọng kỷ luật lao động… đáp ứng tối đa sự hài lòng của khách hàng. Trân trọng và lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng" - ông Năm khẳng định.
Tại nhiều cây xăng thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xuất hiện băng rôn đỏ với nội dung: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
|
Với câu hỏi trong thời gian tới Petrolimex có những đổi mới về dịch vụ... như thế nào? Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex Trần Ngọc Năm cho hay qua nghiên cứu hoạt động tại các cửa hàng xăng dầu nước ngoài cho thấy ngoài kinh doanh xăng dầu còn có một số dịch vụ về thanh toán, rửa xe, ăn uống và các sản phẩm tạp hóa.
Tuy nhiên do quy hoạch cửa hàng xăng dầu của nước ngoài có mặt bằng đủ lớn, cự ly giữa các cửa hàng khá xa hoặc văn hóa tiêu dùng chủ yếu dùng các sản phẩm trong siêu thị… Do vậy không phải dịch vụ nào ở nước ngoài có thì Việt Nam cũng áp dụng được.
“Trước mắt, một số cửa hàng có đủ điều kiện về mặt bằng, có nhu cầu khách hàng… thì chúng tôi sẽ phát triển một trong các dịch vụ như rửa xe, ăn uống, trạm dừng nghỉ hay cung cấp các sản phẩm tiêu dùng cho khách…” - ông Năm chia sẻ.
Tú Uyên - Trà Phương
Pháp luật TPHCM
|