Thứ Tư, 11/10/2017 17:02

Ông Dương Công Minh nói gì về việc đổi mã chứng khoán Sacombank?

Mã chứng khoán STB của Sacombank bị "dịch" là "Sao Thái Bạch", vì thế phải đổi thành SCM. Nhưng chữ C và M không phải là Công Minh, mà là Công khai - Minh bạch, và việc đổi mã, chuyển sàn chính là để "phá dớp" sao Thái Bạch.

* Sacombank muốn đổi mã chứng khoán thành SCM

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank. Ảnh: A.HỒNG.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa nay, 11-10 liên quan đến việc chưa từng có tiền lệ đang được đồn đoán rất nhiều trên thị trường.

Nhà đầu tư đã quen thuộc với mã STB sau 11 năm niêm yết chính thức trên sàn HOSE. Vì sao Sacombank lại quyết định đổi mã chứng khoán, thưa ông?

Mã chứng khoán STB hiện nay có hai vấn đề. Một là về mặt phong thủy, người ta nói STB có nghĩa là "Sao Thái Bạch". Theo phong thủy đây là sao rất xấu, gắn liền với câu "Thái Bạch quét sạch của nhà". Bị sao này chiếu sẽ gặp hạn về sức khỏe, làm thua lỗ… Do vậy để thoát khỏi quan niệm này Sacombank đổi mã chứng khoán.

Chưa kể mã STB này cũng gần với mã SBT của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, do vậy cũng dễ gây nhầm lẫn.

Yêu cầu đặt ra là phải đổi mã chứng khoán. Nhưng chọn lựa mã chứng khoán mới không đơn giản vì không được trùng với mã chứng khoán đã có trên sàn và phải lấy các yếu tố chữ cái trong thương hiệu Sacombank.

Chúng tôi đã cân nhắc trên nhiều yếu tố và quyết định chọn mã SCM với ý nghĩa là "Sacombank - Công khai - Minh bạch" vì hội đủ yếu tố là không trùng với mã chứng khoán khác, lấy từ thương hiệu Sacombank và không bị "dịch" ra nghĩa xấu.

Nhiều người nói thương hiệu mới SCM có chữ "M" là tên của ông, ông muốn đổi mã để đưa dấu ấn của mình vào, thậm chí có người còn nói SCM là "Sacombank của ông Minh"?

Tôi khẳng định không có điều này. Trong đây hoàn toàn không có yếu tố cá nhân mà đổi mã chứng khoán vì yếu tố phong thủy, phát triển và đổi mới cho Sacombank.

Nhiều người hỏi mã STB quá gắn bó với nhà đầu tư sau 11 năm niêm yết, đổi mã chứng khoán có ngại không, tôi cũng khẳng định là không ngại. Miễn là làm cho Sacombank tốt lên, phát triển.

Không chỉ đổi mã chứng khoán, sắp tới đây Sacombank còn thay đổi hàng loạt gồm: Đổi logo, đổi nhận diện thương hiệu, nhưng slogan thì vẫn giữ nguyên là "đồng hành cùng phát triển". Quan điểm là cái gì hay vẫn giữ nguyên, chỉ những gì không phù hợp mới thay đổi.

Ngoài ra chúng tôi còn thay đổi nhiều yếu tố khác như mô hình tổ chức quản lý, sắp xếp lại nhân sự, quy chế quy trình nghiệp vụ. Việc sắp xếp lại nhân sự không chỉ ở hội sở mà đến cả chi nhánh, mục tiêu là chọn người phù hợp và am hiểu. Dự kiến Sacombank sẽ hoàn tất sắp xếp nhân sự trong tháng 10. Nói chung, chúng tôi muốn thay đổi triệt để để làm mới mình.

Ngoài việc đổi mã chứng khoán, dư luận cũng đặt câu hỏi về chuyện chuyển sàn. Đặc biệt khi Sacombank chuyển từ sàn có tiêu chuẩn niêm yết cao là HoSE qua sàn giao dịch tiêu chuẩn niêm yết thấp hơn? Quá trình chuyển sàn khi nào sẽ hoàn tất, thưa ông?

Như đã nói ở trên, chúng tôi muốn làm mới mình. Thêm vào đó, dự kiến sắp tới sẽ sáp nhập hai sàn giao dịch. Và dù niêm yết trên sàn nào thì nhà đầu tư cũng có thể ngồi tại nhà giao dịch. Công nghệ thông tin sẽ giải quyết tất cả và nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý nữa.

Về quá trình làm thủ tục, dự kiến sẽ mất khoảng một tháng để làm các thủ tục như hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hủy đăng ký, niêm yết STB tại HOSE, đăng ký chứng khoán SCM tại VSD.

Sau đó sẽ mất khoảng một tuần để làm thủ tục niêm yết trên sàn HNX. Trong thời gian này chúng tôi đang lấy ý kiến cổ đông, sau đó nếu cổ đông thông qua thì khoảng đầu tháng 12 Sacombank có thể hoàn thành tất cả thủ tục để đổi sàn và chuyển mã.

Trong quá trình chuyển sàn có thể ngừng giao dịch một vài ngày, tức là không quá lâu. Do vậy nhà đầu tư không nên quá lo lắng.

Sacombank chuyển sàn giữa lúc LienVietPostBank vừa niêm yết trên sàn UPCoM và dự kiến sẽ niêm yết chính thức vào 6 tháng đầu năm 2018. Nhiều nhà đầu tư cũng đặt nghi vấn liệu có chuyện chuyển sàn để sáp nhập?

Cá nhân tôi khẳng định không bao giờ có câu chuyện đó vì hai hệ thống khác nhau, cổ đông, chiến lược, mô hình tổ chức quản lý và thị trường của hai ngân hàng hoàn toàn khác nhau.

Biểu đồ mã chứng khoán STB và VN-Index - Nguồn: SSI

Ngày 10-10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) bất ngờ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi mã chứng khoán niêm yết từ STB sang SCM và hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.

Ngay sau khi có thông tin này, sáng nay, 11-10, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán cổ phiếu STB.

Ngay khi thị trường mở cửa, lệnh bán khá dồn dập khiến cổ phiếu STB chìm trong sắc đỏ. Đến 14g30 chiều nay, giá cổ phiếu STB còn 11.700 đồng, giảm hơn 700 đồng/cổ phiếu so với cuối phiên hôm qua.

Ánh Hồng

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Kế hoạch tới 2018 vẫn lỗ, Vinaincon lên UPCoM với giá 10,900 đồng/cp (11/10/2017)

>   Giá trên HNX chỉ 6,500 đồng/cp, TEG đăng ký chuyển sang sàn HOSE (11/10/2017)

>   SAS: Ngày 17/10/2017, ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu ĐKGD bổ sung (10/10/2017)

>   DTC: Ngày 12/10/2017, ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu ĐKGD bổ sung (10/10/2017)

>   Sacombank muốn đổi mã chứng khoán thành SCM (10/10/2017)

>   STV: Thông báo chấp thuận đăng ký giao dịch bổ sung 4,487,250 cổ phiếu (10/10/2017)

>   VJC: Quyết định thay đổi niêm yết (10/10/2017)

>   HNX: Ngày 16/10/2017, ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của CTCP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (HLS) (10/10/2017)

>   HNX: Quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW) (09/10/2017)

>   E1VFVN30: Thông báo niêm yết và giao dịch chứng chỉ quỹ ETF thay đổi niêm yết (09/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật