Nhịp đập Thị trường 26/10: Thót tim với phiên chiều
Bắt đầu phiên chiều, VN-Index và hầu như mọi chỉ số chính phụ khác đều giảm ngay lập tức, kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ khiến mọi người liên tưởng đến một cái kết đỏ thắm cuối ngày hôm nay. Tuy nhiên đến 14h, thị trường bắt đầu phục hồi, VN-Index và nhiều chỉ số khác quay trở lên gần mức tham chiếu. Đóng cửa VN-Index đạt 830.11 điểm, chỉ giảm 0.07%. Thậm chí VN30-Index còn vượt lên trên tham chiếu 0.13%. Quả là một phiên giao dịch thót tim!
Từng có thời điểm giảm về 11,100 đ/cp, nhưng cuối cùng giá đóng cửa cổ phiếu TSB lại tăng trở lại lên 11,350 đ/cp, cao hơn tham chiếu 50 đ/cp. Tuy nhiên, nhìn chung nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay giao dịch không tích cực, nhất là ở CTG, BID hay ACB. VCB sáng có lúc tăng, nhưng đến khi đóng cửa phiên chiều lại giảm 0.4%. Chỉ có VIB và LPB là giữ vững sắc xanh.
ROS không còn đơn độc trong việc đỡ chỉ số phiên chiều, mà có thêm đồng đội là MSN và VNM. 2 cổ phiếu này tăng giá 1.2% và 0.9%. Tuy vậy, nhiều mã vốn hóa lớn giảm giá khác vẫn khiến tâm lý e ngại lan tỏa toàn thị trường.
Khối ngoại mua mạnh VNM chiều nay, với lượng mua ròng hơn 1 triệu cp, ngược lại 3 phiên trước đó. Có lẽ chính việc mua ròng này giúp đại gia này tăng giá hôm nay, và tiếp tục phiên thứ 2 ở trên mức 150,000 đ/cp, vốn chỉ đạt cách đây gần 2 tháng.
NTP bỗng dưng tăng giá gần 5% chỉ trong vài chục phút cuối phiên chiều. BMP cũng tăng giá nhẹ cùng thời điểm, dù mức tăng không khiến cho giá đóng cửa vượt tham chiếu. Không rõ diễn biến giá 2 cổ phiếu này có liên quan gì đến thông tin thoái vốn của SCIC hay không.
Nhiều cổ phiếu nhóm dầu khí giảm mạnh trong phiên chiều, trong đó đáng lưu ý nhất là PGS (-8,6%) hay PVB (-5%). Tuy nhiên, PVD và PVT lại là 2 cổ phiếu của 2 tổng công ty lớn thuộc PVN đạt mức tăng giá.
Chỉ tăng giá 450 đồng, nhưng là mức tăng trần gần 7% đối với TTF, khi có thông tin rằng TTF sẽ huy động được thêm vốn cho hoạt động SXKD, và nhất là tránh được nguy cơ hủy niêm yết.
ACV giảm giá ngay từ đầu phiên chiều, dù tăng suốt sáng. Có thể thông tin về kết quả thanh tra doanh nghiệp đang được phản ánh vào giá.
Lực bắt đáy HBC tăng mạnh trong phiên chiều. Tổng cộng cả ngày, cổ phiếu này đạt hơn 4.3 triệu cp được sang tay, gấp khoảng 4.5 lần hôm qua. HBC vẫn chưa công bố BCTC quý 3, dù thời hạn là đến cuối tháng 10 (đối với báo cáo hợp nhất) và nhất là khi CTD đã công bố rồi.
FLC giảm xuống dưới 7,000 đ/cp, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay. Gần đây, có thông tin ông Trịnh Văn Quyết lập công ty Trịnh Gia và những người bạn, qua đó kêu gọi NĐT góp vốn không giới hạn, tương tự như hình thức Crowdfunding, để từ đó đầu tư vào các dự án của tập đoàn FLC, tuy nhiên thông tin này có lẽ khó có thể đỡ giá cổ phiếu này. Điều mà NĐT mong chờ nhất vẫn là kết quả quý 3 của FLC, cũng như của những mã cổ phiếu khác có liên quan.
Nhóm săm lốp khó mà thoát khỏi rủi ro thị trường. Sáng nay 1 số mã như DRC, SRC tăng giá nhẹ dù index giảm, tuy nhiên đến chiều thì những mã này cũng giảm nốt. Hôm qua Hội nghị cao su thường niên lần thứ 10 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh. Nhận định chính tại Hội nghị này là “Thị trường cao su thiên nhiên vẫn khó phục hồi trong thời gian tới”. Đây có thể coi là tin tốt cho các công ty săm lốp, khi giá cao su tăng đang khiến tỷ suất lợi nhuận nhóm này giảm đi (giá bán không tăng được tương ứng vì thị trường cạnh tranh), tuy nhiên diễn biến giá nhìn chung vẫn chưa có gì tích cực.
Sóng DQC có vẻ lại nổi lên, tất nhiên vẫn là sóng giảm giá, khi Công ty công bố lãi giảm 47% trong quý 3 năm nay.
Phiên sáng: Sẽ ra sao nếu không có ROS?
VN-Index và hầu hết chỉ số phụ trên sàn HOSE đã xuống dưới tham chiếu, trừ VN30-Index (+0.1%). ROS là yếu tố lớn nhất và gần như là duy nhất hỗ trợ 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index, tuy nhiên số lượng mã vốn hóa lớn giảm giá “quá đông” nên VN-Index vẫn chuyển từ xanh sang đỏ. Dù chỉ số có dấu hiệu phục hồi nhẹ sau 11h, tuy nhiên còn quá sớm để kỳ vọng sự phục hồi này sẽ giúp chỉ số xanh trở lại trong phiên chiều.
Diễn biến trên sàn HNX tệ hơn HOSE, khi chỉ số này giảm đến gần 0.6%. Trong nhóm Large Cap sàn này, có 3 mã giảm sàn sát -10% là OCH, DST và PIV. Lượng cổ phiếu giảm giá cũng chiếm đa số so với vỏn vẹn 3 mã tăng giá.
Sáng nay tại phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản. Tuy nội dung chủ yếu nói về các trường hợp ngân hàng yếu kém, nhưng có khả năng thông tin này vẫn tác động lên cổ phiếu ngân hàng sáng nay, bởi vì thời gian qua, phương án sáp nhập ngân hàng kém vào ngân hàng tốt được áp dụng nhiều nhất. Trong số 13 cổ phiếu ngân hàng trên sàn, chỉ có 3 mã tăng giá là VCB, VIB và LPB.
Ngoài ngân hàng, những nhóm ngành khác giảm nhiều hơn tăng có thể kể đến là BĐS dân dụng, dầu khí, chứng khoán, than, mía đường… Tuy nhiên nếu tìm nhóm có dấu hiệu tích cực, thì có lẽ nhóm sắt thép là đáng chú ý nhất.
Với 7 phiên tăng giá liên tiếp với mức tăng bình quân 6% trở lên, ROS đang trở thành yếu tố hỗ trợ đắc lực nhất, thậm chí gần như là duy nhất lên chỉ số VN-Index, và cả VN30-Index. Đang có câu hỏi thị trường sẽ ra sao, VN-Index sẽ tăng hay giảm khi cổ phiếu này không tăng giá đến vậy? ROS chưa công bố BCTC quý 3, tuy nhiên một số thông tin ít ỏi từ doanh nghiệp cho biết Công ty vẫn có nhiều khả năng hoàn thành kế hoạch năm, với tổng giá trị hợp đồng thi công chưa ghi nhận doanh thu lên đến hơn 20 ngàn tỷ đồng, tương đương với các công ty xây dựng lớn như CTD, HBC…, dù hầu hết là ROS thi công cho nhóm tập đoàn FLC.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tính đến cuối phiên sáng nay hầu như chả còn mã nào tăng giá. Lưu ý nhiều công ty đã công bố BCTC quý 3 với tăng trưởng tích cực, tuy nhiên trường hợp ACBS, 1 công ty OTC thuộc loại lớn nhất, báo cáo lỗ, lại khiến NĐT e ngại về kết quả kém trong quý 4, liên quan đến rủi ro cho vay margin.
Trạm thu phí đường tránh Biên Hòa sáng nay đã hoạt động trở lại, và theo báo chí sáng nay không có rủi ro kẹt xe nào xảy ra. Giá cổ phiếu CTI sáng nay tăng mạnh trong vòng 30 phút đầu tiên, tuy nhiên sau đó giảm dần về tham chiếu và hiện chỉ còn tăng khoảng 0.2%. Vốn giảm giá mạnh trong tháng 10, có thể coi như hôm nay là 1 phiên bắt đáy, tuy nhiên xác suất thành công hay không còn tùy thuộc vào diễn biến phiên chiều.
Trong nhóm xây dựng, cổ phiếu HBC bất ngờ giảm đến 4% sáng nay, dù Công ty mới công bố thông tin ký kết hợp đồng mới. Chưa rõ diễn biến giảm giá cổ phiếu sáng nay, cũng như giảm giá trong vòng hơn 1 tuần qua có liên quan đến kết quả quý 3 hay không, vì HBC chưa công bố thông tin. Tuy vậy lượng giao dịch đã tăng vọt lên gần 2.7 triệu cp, gần gấp 3 lần lượng giao dịch của cả ngày hôm qua, đây là chỉ báo tích cực và thậm chí có thể coi như 1 tín hiệu bắt đáy ngắn hạn cổ phiếu này. Lưu ý, “đối thủ” lớn nhất của HBC là CTD đã công bố BCTC quý 3 nhìn chung vẫn rất tích cực, dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại.
UBND TPHCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành một số giải pháp về thuế nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận nhà ở của người dân, cụ thể là áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ hai trở lên và các giao dịch bất động sản diễn ra trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng 1 năm); thu thuế tài sản trên đất và giá trị tăng thêm của đất và bất động sản trên đất từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu được chấp thuận, có khả năng thông tin này sẽ tác động tiêu cực lên nhóm cổ phiếu BĐS dân dụng ở khu vực phía Nam. Sáng nay nhóm BĐS dân dụng nhìn chung giảm nhiều hơn tăng.
10h30: ROS lại đỡ chỉ số
Sau khi tăng lên đến sát 835 điểm, thì VN-Index bắt đầu quay đầu giảm. Đến thời điểm này chỉ số đang nhanh chóng giảm về “mo” (tham chiếu). SAB tăng giá trở lại lên trên tham chiếu một chút nhưng các mã vốn hóa lớn khác như GAS, MWG, CTG FPT, PLX… lại giảm giá, tác động mạnh hơn lên chỉ số. Lúc này có thể nói ROS gần như là cổ phiếu vốn hóa lớn duy nhất đỡ chỉ số, với mức tăng giá hơn 5.5%. Nói cách khác, có thể VN-Index đã đỏ nếu cổ phiếu này không tăng giá mạnh như vậy.
Về nhóm ngành, nhìn chung các nhóm ngành có tỷ trọng lớn trong chỉ số như ngân hàng, dầu khí, BĐS, điện… đang có diễn biến tiêu cực. Số lượng mã giảm giá đang tăng nhanh chóng, áp đảo số tăng giá.
Tình hình giao dịch trên HNX đang xấu đi nhanh chóng. Chỉ số này chỉ tăng điểm trong vài phút đầu, sau đó nhanh chóng “chui” xuống dưới tham chiếu và đỏ suốt cho đến lúc này. Trong nhóm vốn hóa lớn, đa số giảm giá, đáng kể là DBC, NTP, SHB…
Dù có lực mua từ khối ngoại, nhưng một số mã ngân hàng vẫn giảm giá, ví dụ như BID, CTG. Chỉ có VCB, LPB là đang tăng giá nhẹ nhờ lực cầu này. Sáng nay, Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, điều này có lẽ sẽ còn tác động lên cổ phiếu nhóm này trong những phiên tới.
Ngược với kỳ vọng đầu phiên, hiện tại rất nhiều cổ phiếu nhóm BĐS dân dụng giảm giá. Chỉ có một số mã có vốn hóa đáng kể đang tăng giá như VCG, HDG hay NLG.
ACV vẫn tăng giá gần 2% dù có thông tin về việc thanh tra Chính phủ công bố 1 số nội dung về sai phạm của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2012-2016. Tính từ giữa tháng 8 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá gần 50%, với thông tin hỗ trợ chính là việc tăng giá dịch vụ ở các cảng lớn.
Nhóm thủy sản đang chịu tác động xấu từ thông tin EU phạt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có một số mã tăng giá nhẹ như VHC, AGF hay ICF, điều này có lẽ có liên quan đến yếu tố thị trường xuất khẩu chính của những doanh nghiệp này có thể không hẳn là EU.
NKG công bố lãi ròng quý 3 tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên sau khi tăng giá lên 35,400 đồng/cp, cổ phiếu này đang lùi dần và hiện chỉ còn tăng nhẹ 1%. Gần đây cổ phiếu này giảm giá nhẹ, nên có thể coi như hôm nay là 1 phiên bắt đáy, tuy nhiên với diễn biến sáng nay thì còn hơi sớm để coi là bắt đáy thành công.
Nhóm sắt thép sáng nay cũng diễn biến phân hóa, POM, SMC tăng giá, HSG cũng tăng giá nhờ có thông tin mua cổ phiếu của Chủ tịch tập đoàn, nhưng đại gia lớn nhất là HPG vẫn đang giảm giá.
Mở cửa: Hồi hộp quanh ngưỡng 830
Chỉ số VN-Index sáng nay mở cửa ngay ngưỡng kháng cự 830 và có vẻ như đà tăng của ngày hôm qua chưa thấy tiếp diễn trong sáng nay.
Thị trường vẫn đang có vẻ tích cực, số mã vốn hóa lớn tăng giá nhiều hơn so với số giảm giá, tuy nhiên SAB đang giảm 1.6% và kìm chỉ số. Nhóm ngân hàng vẫn đang được kỳ vọng là lực đỡ chính cho chỉ số VN-Index, tuy nhiên nhóm bất động sản (BĐS) lại đang được quan tâm vì còn nhiều công ty chưa công bố kết quả quý 3.
HNX-Index đang đi ngược so với chỉ số sàn HOSE, do chịu ảnh hưởng từ một số mã vốn hóa lớn như PVS, SHB, NTP…
Chỉ còn chưa đến 5 ngày nữa là hết hạn công bố BCTC quý 3 hợp nhất. Thị trường vẫn đang chờ BCTC của các mã như REE, HSG, ROS, FLC, VIC… nhất là một số mã đã giảm giá gần đây.
HSG đang tăng giá khoảng 3.6% nhờ có thông tin Chủ tịch tập đoàn đăng ký “bắt đáy” cổ phiếu. Tuy nhiên nước ngoài vẫn bán ròng gần 170,000 cp. Lưu ý gần đây khối ngoại bán ròng HSG rất mạnh.
ACBS, một công ty OTC nhưng nằm trong Top đầu về thị phần các công ty chứng khoán, bất ngờ báo lỗ quý 3 do liên quan đến các khoản trích lập dự phòng. Điều này có thể ảnh hưởng đôi chút lên nhóm cổ phiếu chứng khoán, bởi thống kê gần đây cho thấy mức độ sử dụng margin vẫn ở mức cao, mà chỉ số tăng không có nghĩa là mọi cổ phiếu đều tăng giá.
SBT tăng giá phiên thứ 2 sau phiên tăng trần hôm qua, với thông tin cổ phiếu BHS, nay đã được hoán đổi thành SBT, sắp được giao dịch trở lại đầu tháng 11 tới. Giá cổ phiếu SBT đã lao dốc rất mạnh trong 2 tháng qua, mất khoảng 1/3 giá trị và nhà đầu tư đang quan tâm đến khả năng liệu BCTC quý 3 của công ty đã hợp nhất số của BHS vào hay chưa.
Chủ tịch HAG đăng ký bán 23 triệu cp với lý do trả nợ giùm cho tập đoàn. Lý do này đang được cho là chưa rõ ràng lắm, tuy nhiên có vẻ như HAG vẫn đang được hỗ trợ bởi thông tin về kết quả lãi quý 3 mà công ty ước tính gần đây.
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2017 vừa công bố, BMP đạt gần 882 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2016; tuy nhiên lãi ròng giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, LNST giảm 35% so cùng kỳ, chỉ đạt 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin thoái vốn của SCIC đang được mong chờ nhiều nhất, và có vẻ như đang “trợ giá” ngắn hạn cổ phiếu này.
Hoàng Nam
FiLi
|