Thứ Năm, 19/10/2017 21:33

Năm 2025: Việt Nam có trở thành đầu mối logistics của ASEAN?

Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 chưa đề cập đến yếu tố doanh thu lĩnh vực này của Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào trong khu vực ASEAN. Vì vậy, rất khó để có được một chiến lược căn cơ cho lĩnh vực này.

Năm 2025, doanh thu logistics Việt Nam ở đâu trong khu vực ASEAN? Trong ảnh là trung tâm logistics Tân cảng Cái Cui Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh.

Tại hội thảo “Phát triển hạ tầng, hệ thống thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics” tổ chức hôm nay, 19-10, ở TPHCM, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, ở khu vực châu Á, Trung Quốc được biết đến là quốc gia rất mạnh về logistics; Singapore cũng là nước phát triển mạnh nhất tại Đông Nam Á. Ngoài ra, Thái Lan cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics của ASEAN, thậm chí họ đặt mục tiêu logistics tiểu vùng sông Mêkông mở rộng là thị trường nội địa của họ.

“Còn ở Việt Nam, chúng ta định vị logistics như mình thế nào?”, bà Linh nêu câu hỏi và cho rằng đây là điều thật sự khiến bà trăn trở.

Theo bà Linh, trong Quyết định 200/QĐ-TTg năm 2017 của Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 thể hiện mong muốn Việt Nam thành đầu mối logistics của khu vực. "Nhưng, chúng ta chưa có mục tiêu đến năm nào sẽ đạt thị phần bao nhiêu phần trăm trên tổng doanh thu thị trường logistics ASEAN, chứ chưa nói đến là châu Á”, bà Linh cho biết và đặt câu hỏi tại hội thảo: “Vậy có bao giờ chúng ta nghĩ và xác định một con số mục tiêu hướng tới hay không?”.

Liệu rằng đến năm 2025 Việt Nam có thể đạt được 10% trên tổng doanh thu thị trường logistics ASEAN hay không, bà Linh nêu câu hỏi.

Con số nêu trên là ở tương lai nên rất khó để có câu trả lời vào thời điểm hiện tại, nhưng để đạt được mục tiêu như giả định có nghĩa ngành logistics phải có chiến lược tổng thể và căn cơ để giải quyết vấn đề.

Theo gợi ý của bà Linh, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc phát triển lượng hàng nội địa, bằng cách nào đó phải thu hút được lượng hàng từ bên ngoài vào, kể cả tạm nhập tái xuất. "Nếu chúng ta thu hút được lượng hàng từ Campuchia, Thái Lan, nam Trung Quốc, Lào đi qua Việt Nam rồi xuất sang các nước và ngược lại, sẽ giúp doanh thu logistics của chúng ta tăng lên đáng kể", bà cho biết.

Bà Linh cũng tin tưởng Việt Nam có điều kiện để thực hiện được điều vừa nêu, bởi các loại hình vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt của Việt Nam đều khá thuận lợi; cơ hội phát triển thương mại giữa Việt Nam-ASEAN, Việt Nam- Trung Quốc, ASEAN+3 (ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc)…, là rất lớn.

“Thị trường Việt Nam- ASEAN, sau 20 năm Việt Nam là thành viên ASEAN, trao đổi thương mại chúng ta đã tăng gấp 7 lần. Các khu vực đông bắc Thái Lan, đông bắc Campuchia, nam Lào và Myanmar, hiện nay và thời gian tới họ vẫn đang tập trung nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh như máy móc, dầu khí, sắt thép, phân bón và họ cũng cần xuất khẩu quá cảnh qua khu vực miền Trung Việt Nam những mặt hàng là ưu thế của họ”, bà dẫn chứng.

Ngoài ra, sự hình thành của các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp vùng biên..., cũng sẽ tác động đến dòng hàng qua lại giữa các nước. “Dòng hàng qua lại càng sôi động, thì hoạt động logistics của chúng ta sẽ càng sôi động”, bà Linh nói.

“Vậy chiến lược chúng ta đặt ra như thế nào?”, bà Linh nêu câu hỏi và gợi ý cần tập trung vào các vấn đề về: tận dụng lợi thế sẵn có của Việt Nam và các hoạt động về hợp tác song phương trong khu vực để tăng thêm lợi thế đó. “Nhưng, điều quan trọng nhất là từ nội tại chúng ta, phải phát triển được đội ngũ doanh nghiệp logistics mạnh và kiến tạo được môi trường kinh doanh tốt cho hoạt động logistics; kèm theo đó là hỗ trợ về tài chính, công nghệ, xúc tiến thương mại, đầu tư...”, bà cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đối Tác Chân Thật gợi ý, cần có quy hoạch, tạo điều kiện, đặc biệt là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để họ có cơ hội tham gia nhằm cạnh tranh được với các đơn vị nước ngoài.

Muốn vậy, theo ông Hân, cần có cơ chế chính sách minh bạch về lĩnh vực logistics. Bởi, các doanh nghiệp đủ lớn, họ có thể tìm mọi cách, dùng tiềm lực kinh tế để thay đổi chính sách và điều đó có thể dẫn đến thay đổi sơ đồ logistics trong nước, "tức một số khu vực hôm nay có thể cấm, nhưng ngày mai có thể làm", ông nói và gợi nên chăng có quy hoạch cụm công nghiệp logistics?

Theo ông Hân, từ quy hoạch cụm công nghiệp logistics, Nhà nước hoặc các chủ đầu tư lớn có thể đầu tư xây dựng, còn các doanh nghiệp có thể khai thác, vận hành trong cụm logistics đó, sẽ hiệu quả hơn.

Theo bà Linh, bên cạnh những giải pháp cải thiện môi trường chính sách, cần chú trọng đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng công nghệ, thông tin, thương mại cho ngành logistics.

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   George Soros chuyển 18 tỷ USD tới tổ chức từ thiện (18/10/2017)

>   Vinamilk đồng hành cùng "Ngày hội việc làm bách khoa 2017" (14/10/2017)

>   Ngày hội đỏ NamABank 2017 - Giọt hồng lan tỏa (10/10/2017)

>   NamABank mang niềm vui trung thu đến các em nhỏ trên toàn quốc (04/10/2017)

>   Vinamilk đem sữa đến trẻ em vùng lũ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình (28/09/2017)

>   Chung tay cùng Quỹ “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” (23/09/2017)

>   Vinamilk chia sẻ khó khăn với trẻ vùng lũ (20/09/2017)

>   DPM: Nêu cao tinh thần “trách nhiệm - sẻ chia” với cộng đồng (18/09/2017)

>   Sacombank trao hơn 3,100 suất học bổng cho học sinh – sinh viên trên toàn quốc (05/09/2017)

>   Sacombank chung tay chia sẻ cùng đồng bào Mù Cang Chải (21/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật