Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: “Ngã ngửa” với đính chính giao dịch
Tuần từ 26/09 đến 02/10, bên cạnh những cuộc sang tay hàng triệu cổ phiếu thì có những thông tin đính chính giao dịch và cả xử phạt vi phạm mua bán của lãnh đạo và người có liên quan hay tổ chức cũng đáng phải lưu ý.
“Ngã ngửa” với đính chính giao dịch…
Vào đầu tuần trước, Sở GDCK Hà Nội đã có đính chính về việc ngày 22/09 công bố bà Phạm Thị Thúy Hạnh - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc ACM đăng ký mua 2 triệu cp ACM. Tuy nhiên, thực chất là bà Hạnh đăng ký bán 2 triệu cp ACM. Vì thông tin này mà hai ngày sau đó (25 và 26/09) giao dịch cổ phiếu ACM ở hai thái cực ngược chiều khi phiên đầu tuần tăng trần với lượng khớp lệnh đột biến tới hơn 3.44 triệu cp/phiên nhờ tin Chủ tịch mua vào. Tuy nhiên sau khi ra thông tin đính chính thì cổ phiếu ACM bật ngược trở lại giảm sàn.
Tiếp nối ACM, cổ phiếu “nóng” QCG cũng vừa có đính chính thông tin về việc bà Lại Thị Hoàng Yến, con gái ông Lại Thế Hà - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc QCG vẫn nắm giữ 1.5 triệu cp QCG chứ không phải đã thoái toàn bộ như Báo cáo quản trị QCG công bố trước đó. Theo giải trình của QCG, sai phạm này là do lỗi đánh máy trong quá trình nhập liệu.
Hay khởi đầu tháng 10, Pyn Elite Fund (Non-Ucits) vừa có công văn đính chính rằng chỉ bán 500,000 cp KBC vào ngày 26/09 chứ không phải hơn 4.4 triệu cp như công bố cuối tuần trước. Đồng thời số lượng thực chất nắm giữ trước giao dịch là 28.58 triệu cp (6.08%) chứ không phải 32.48 triệu cp (6.92%).
Đến cả giao dịch “chui”
Cuối tuần qua, UBCKNN đã có hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc không báo cáo trước giao dịch cũng như báo trễ lý do giao dịch của hai vị lãnh đạo.
Theo đó, chuyện xảy ra tại KVC khi ông Nguyễn Tăng Minh Đức - Thành viên Ban kiểm soát đã mua và bán đồng thời hơn 3.34 triệu cp KVC giai đoạn 31/03 đến 24/06/2016 nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở GDCK Hà Nội trước khi thực hiện giao dịch. Vì thế vị lãnh đạo này bị phạt tiền 42.5 triệu đồng.
Vốn đã đi ngang trong một thời gian dài, cổ phiếu KVC cũng không mấy biến động sau thông tin này và hiện đang giao dịch quanh mức 3,400 đồng/cp..
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Tổng Giám đốc CNN bị phạt tiền 20 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện hết khối lượng đăng ký. Được biết, từ ngày 03-25/01/2017, ông Quang đăng ký mua 66,818 cổ phiếu CNN (khớp lệnh mua 45,000 cổ phiếu), nhưng đến ngày 16/03/2017 Sở GDCK Hà Nội mới nhận được báo cáo và giải trình về nguyên nhân không thực hiện hết khối lượng đăng ký.
Bên cạnh những cuộc sang tay hàng triệu cổ phiếu thì có những thông tin đính chính giao dịch và cả xử phạt vi phạm mua bán của lãnh đạo và người có liên quan hay tổ chức cũng khiến nhà đầu tư "ngã ngửa".
|
Đồng loạt mua/bán
Tuần qua cũng ghi nhận điều bất thường tại FSC khi đồng loạt 15 cá nhân là lãnh đạo và người có liên quan đăng ký thoái toàn bộ 6,200 cp tại đây. Trong đó có đến 13 người bán cùng một số lượng là 100 cp, còn Chủ tịch Trần Thiện Thể và con bán tổng cộng 4,900 cp. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 28/09-20/10/2017 với phương thức hầu hết là thỏa thuận.
Điều này hẳn cũng không gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư bởi trước đó FSC quyết định nâng room ngoại lên tối đa 100%. Tương ứng với việc ĐHĐCĐ bất thường cho phép Công ty Yuanta Securities Hong Kong Company được mua tối đa 50% cổ phần FSC mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Vẫn trong trào lưu gom vào của Ban lãnh đạo NTP khi The Nawaplastic Industries (Saraburi) muốn thoái toàn bộ gần 24% vốn, tương ứng hơn 21 triệu cổ phiếu. Theo đó, từ ngày 28/09-20/10, Ủy viên HĐQT Đặng Quốc Dũng đăng ký mua 1.8 triệu cp NTP nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 5.5 triệu cổ phiếu, hay Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam cũng đăng ký mua cùng số lượng trên, còn Phó TGĐ Nguyễn Trung Kiên đã gom được 203,000 cp NTP trong thời gian qua.
Với hàng loạt giao dịch trên, cổ phiếu NTP đã tăng hơn 6% trong vòng 1 tháng trở lại đây, lên mức hơn 72,000 đồng/cp (03/10). Tuy nhiên khối lượng giao dịch vẫn khá thấp khi bình quân tháng qua chỉ 24,465 cp/phiên.
Ngay sau khi SD5, SD10 và SJS thoái vốn tại NED thì tại đây đã xuất hiện 2 cổ đông lớn đều là cá nhân với lượng gom vào 2.72 triệu cp và 3 triệu cp. Cụ thể, ông Phạm Văn Chiều đã mua vào 2.72 triệu cp NED, tăng sở hữu từ hơn 4.58 triệu cp (12.65%) lên 7.3 triệu cp (20.15%) vào ngày 07/09. Còn bà Vũ Thị Trà thì lần đầu tiên xuất hiện tại NED khi mua vào 3 triệu cp và chính thức nắm giữ 8.27% vốn vào ngày 14/09.
Như vậy, mặc dù thông tin về hoạt động kinh doanh không mấy thuận lợi trong thời gian qua, nhưng cổ phiếu NED đã có mức tăng trưởng tốt với 117% trong quý vừa qua và đã lên mức mệnh giá 10,000 đồng/cp (03/10).
Ngoài ra, cũng có những giao dịch của lãnh đạo với lượng lớn cổ phiếu như Chủ tịch KSQ Vương Văn Ba cũng cho biết đã mua vào 2 triệu cp và chính thức trở thành cổ đông lớn tại nơi mình cầm trịch với tỷ lệ sở hữu 6.67%. Hay Chủ tịch MST Nguyễn Quang Huy cũng đã gom được hơn 1 triệu cp trong tổng số đăng ký 2 triệu cp, nâng sở hữu lên hơn 3 triệu cp (17.04%) MST.
Còn bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái Chủ tịch SGT Đặng Thành Tâm đăng ký mua hơn 1.22 triệu cp SGT trong thời gian từ 03/10 đến 01/11, nhằm tăng sở hữu từ hơn 6 triệu cp (8.23%) lên 7.31 triệu cp (9.88%).
Ở chiều ngược lại, Chủ tịch VNH Nguyễn Thanh Sơn bất ngờ đăng ký bán 1.2 triệu cp trong tổng đang nắm giữ hơn 1.57 triệu cp (chiếm 19.6% vốn) nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Thông tin này được công bố ngay sau khi HĐQT VNH giao cho ông Sơn làm việc với cơ quan điều tra để xử lý các khoản nợ còn tồn tại của Công ty với HĐQT và Ban Giám đốc cũ cùng các khách hàng có liên quan.
Về tổ chức có liên quan, ghi nhận những giao dịch lớn đáng chú ý như CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tổ chức có liên quan đến Chủ tịch VIR Nguyễn Tôn Hoàng) đăng ký bán hơn 3.66 triệu cp VIR trong tổng số đang nắm giữ hơn 7 triệu cp, chiếm 85.84%. Còn SHS cho biết đã bán hết hơn 3.26 triệu cp, tương ứng 9.43% vốn LGL./.
|