Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Đột biến HHA, KGU, TTR, DL1
Tuần từ 10-16/10, thị trường ghi nhận sự “lên ngôi” trong giao dịch chốt lời của Ban lãnh đạo cũng như đột biến về giá của các cổ phiếu nhỏ như HHA, KGU, TTR hay DL1.
Làng nhàng từ đầu năm với những phiên lên xuống thất thường không mấy ấn tượng, tuy nhiên bắt đầu từ cuối tháng 9/2017 đến nay, giá cổ phiếu HHA đột nhiên tăng vọt tới 109% trong 1 tháng qua chỉ nhờ vài phiên tăng trần. Hiện cổ phiếu HHA đã leo lên mức 105,992 đồng/cp (10/10) và rất hiếm có giao dịch.
Biến động cổ phiếu HHA trong vòng 12 tháng qua
|
Khởi đầu cho làn sóng Ban lãnh đạo đồng loạt thoái vốn tại HHA là hai vị Ủy viên Bùi Quốc Giang và Thành viên BKS Tạ Quốc Bình vào giai đoạn đầu tháng 8 khi bán hết hơn 27% vốn, tương ứng 1.6 triệu cp. Thay vào đó là sự xuất hiện của 3 cổ đông lớn Bùi Thị Thúy Vân (16.5%), Phan Thị Thu Hương (22.65%) và Trương Thị Mai Hương (5.16%).
Tiếp đó, trong ngày 16/10, đồng loạt lãnh đạo và người có liên quan công bố chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ 18/10 đến 10/11. Trong đó, Chủ tịch Võ Sỹ Dởng đăng ký bán hết 330,760 cp (5.61%); Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trương Quang Luyến muốn bán 108,289 cp (1.84%); Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Đào Thị Mai Hạnh sẽ bán hết 70,775 cp (1.2%); thêm vào đó, con bà Hạnh là Đào Minh Trang cũng muốn chuyển nhượng hết 14,190 cp (0.24%); em gái bà Hạnh là Đào Thu Hương bán 15,685 cp (0.27%); Ủy viên HĐQT Nguyễn Hưng đăng ký bán 116,880 cp (tỷ lệ 1.98%); chị ông Hưng là Nguyễn Thị Hà cũng bán 50,000 cp (0.85%); Ủy viên HĐQT Bùi Kỳ Phát đăng ký bán 391,855 cp (6.65%); Kế toán Trưởng Nguyễn Quang Vũ cùng người nhà cũng muốn bán gần 22,000 cp; Phó TGĐ Hoàng Mạnh Ánh đăng ký bán 15,436 cp; con Ủy viên HĐQT Bùi Thị Hồng Lĩnh đăng ký bán 202,249 cp.
Trong khi đó thông tin về hoạt động kinh doanh của HHA thời gian gần đây khá ít. Chỉ có thông tin từ đầu tháng 8/2017, ĐHĐCĐ bất thường của HHA đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng dự án Hồng Hà Office Tower dù gặp không ít ý kiến trái chiều của cổ đông.
Được biết, dự án Hồng Hà Office Tower được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, là dự án trung tâm giao dịch thương mại, văn phòng làm việc và cho thuê, cao 9-17 tầng. Dự án có tổng diện tích 2,810 m2, tổng mức đầu tư dự kiến gần 236 tỷ đồng.
Đối với KGU, mặc dù 3 phiên gần đây nhuốm trong sắc đỏ, nhưng nếu tính trong 1 tháng qua thì cổ phiếu KGU đã tăng 128%, hiện đang quanh mức 44,000 đồng/cp dù chỉ mới lên sàn ngày 26/06 vừa qua.
Biến động cổ phiếu KGU trong vòng 12 tháng qua
|
Góp phần tạo nên sóng tăng vọt trong thời gian qua có lẽ phần nào nhờ giao dịch của Ban lãnh đạo KGU. Trong đó, Phó Giám đốc Nguyễn Tuấn Hưng sau khi đã bán được 2,400 cp KGU thì nay tiếp tục đăng ký bán tiếp 8,000 cp trong tổng số 33,000 cp (2.22%) đang nắm giữ. Còn Thành viên BKS Lê Thụy Thủy Tiên cũng muốn bán bớt 3,700 cp trong tổng số 4,720 cp (0.32%) đang sở hữu. Trước đó, vào cuối tháng 9, Ủy viên HĐQT Nguyễn Văn Thảo cũng đã bán 9,000 cp KGU, giảm sở hữu xuống còn 2,000 cp (0.13%); Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thu Vân cũng bán 5,000 cp, giảm sở hữu xuống 4,332 cp (0.29%).
Ngược lại, America LLC vẫn đều đặn gom vào cổ phiếu KGU, hiện đã tăng sở hữu lên 6.34%, tương ứng 94,500 cp.
Liệu đây có phải là động thái chốt lời của Ban lãnh đạo KGU khi cổ phiếu này mới lên sàn đã có sự tăng trưởng vượt bậc như vậy trong thời gian ngắn?!
Cũng là cổ phiếu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua, từ mức 8,600 đồng/cp (03/01), cổ phiếu TTR đã tăng gần 200% lên mức 25,500 đồng/cp (16/10). Tại mức đỉnh này, nhiều cổ đông nội bộ liên tục muốn thoái vốn.
Biến động cổ phiếu TTR trong vòng 12 tháng qua
|
Màn chốt lời này được Ban lãnh đạo TTR khởi nguồn từ giữa tháng 6/2017 với nhiều lần bán bất thành. Đến nay lại tiếp tục công cuộc thoái vốn khi Chủ tịch Trịnh Thị Nga đăng ký bán gần hết 450,000 cp (22.57%) TTR đang nắm giữ. Còn chồng của Chủ tịch là ông Lâm Như Thiệu cũng muốn bán hết 100,000 cp (5.02%). Rồi Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trịnh Thị Thùy Hương cũng đăng ký bán hết 174,367 cp (8.75%); hay Thành viên BKS Vũ Thị Hải Yến cũng tương tự khi muốn bán 20,485 cp (1%). Các giao dịch này đều dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 16/10 đến 14/11.
Ngược lại, mặc dù cổ phiếu DL1 đã tăng gần 125% trong quý vừa qua để lên mức 25,600 đồng/cp (16/10) nhưng đồng loạt Ban lãnh đạo lại đăng ký bán hết quyền mua trong đợt phát hành hơn 84.4 triệu cp của DL1 theo tỷ lệ 1:5 với mức giá 10,000 đồng/cp. Tức mức giá phát hành chỉ bằng 39% thị giá.
Cụ thể, mẹ và vợ chồng Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Nguyễn Tường Cọt muốn bán 2 triệu quyền mua; còn lại Phó Giám đốc Phạm Tiến Dũng - Chu Sỹ Hoạt, Kế toán trưởng Hà Thị Phương Oanh, Thành viên BKS Trần Thị Kim Cúc đều đồng loạt bán 2,555 quyền mua trong thời gian từ 16-20/10.
Biến động cổ phiếu DL1 trong vòng 12 tháng qua
|
Ngoài ra, thị trường cũng trở nên “để ý” hơn với giao dịch mua vào 11 triệu cp FLC của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trong khoảng thời gian từ ngày 15/09-13/10/2017, nâng sở hữu lên 24.32% vốn (tương đương hơn 155 triệu cp).
Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, sau 3 lần giao dịch, ông Quyết đã gom tổng cộng 41 triệu cp FLC, tăng sở hữu từ 17.9% lên hơn 24%.
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều giao dịch đáng chú ý của lãnh đạo và người có liên quan trong thời gian gần đây.
Giao dịch mua/bán của lãnh đạo và người có liên quan trong tuần qua (09-14/10)
|
Hoàng Nguyên
Fili
|