Thứ Năm, 12/10/2017 15:02

Hãng phim truyện lùm xùm, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở về cổ phần hoá

Nhắc nhở Bộ Tài chính chú ý không cổ phần hoá bằng mọi giá, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu trường hợp cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, không biết ông chủ mới có làm phim hay đẩy nghệ sỹ ra ngoài đường.

* Bịt kẽ hở thâu tóm 'đất vàng' giá rẻ trong cổ phần hóa

* Giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ông ấy còn nói nghệ sỹ là Chí Phèo nữa - Chủ tịch bày tỏ sự không hài lòng về "điển hình" cổ phần hoá gây nhiều tai tiếng vừa qua.

Với việc "cắt" phần trình bày của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách, phần lớn thời gian sáng 12/10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào thảo luận.

Một kết quả được Chính phủ đánh giá là nổi bật của năm nay là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần phải giải trình rõ ràng với Quốc hội vì sao tăng thu ngân sách chỉ có 2,3% mà tăng trưởng GDP 6,7%.

Thu ngân sách thì mấy khoản thu nội địa đều giảm, vốn đầu tư giải ngân thì chậm mà tăng trưởng lại cao thì tăng trưởng trông vào đâu, đề nghị hai anh Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - PV) chuẩn bị giải trình cái này - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Theo Chủ tịch Quốc hội thì rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế vẫn còn, chưa giảm, như bội chi ngân sách kéo dài, dẫn đến nợ công cao, thu không đủ chi thì phải đi vay. Bội chi cao thì tác động tới các yếu tố khác của nền kinh tế như tạo sức ép lên lãi suất, lạm phát. Cơ cấu chi dù đã nói nhiều nhưng vẫn chưa hợp lý vì gần 70% là dành chi thường xuyên.

Rồi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng còn cao, dù Quốc hội đã ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu với nhiều quy định mới, nhiều cơ chế thậm chí vượt pháp luật hiện hành.

Rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực cổ phần hoá cũng là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm.

Theo báo cáo của Chính phủ thì Chính phủ đã ban hành các quyết định tạo cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách và lộ trình rõ ràng, minh bạch cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn cao.

Một số thông tin cụ thể được Chính phủ nêu là tính đến hết tháng 8/2017, đã hoàn thành cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước, đã công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa 12 doanh nghiệp nhà nước, đang tiến hành xác định giá trị 14 doanh nghiệp nhà nước. Ước cả năm 2017 có thể hoàn thành cổ phần hóa 38/44 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.

Còn về thoái vốn, mới bán phần vốn nhà nước tại 26 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỷ đồng (bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.815,3 tỷ đồng.

Quan điểm được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là không nhất thiết cổ phần hoá bằng mọi giá, nhất là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu nổi tiếng.

Sau ví dụ về Hãng phim truyện Việt Nam như đã nói ở đầu bài viết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chủ trương cổ phần hoá là đúng, nhưng rất cần chú ý xem sau khi cổ phần thì nhà đầu tư mới có tiếp tục giữ hay xoá mất thương hiệu trước đó. Vừa rồi Chính phủ cứ giá cao nhất là bán, cần chú ý chỗ này - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Với khoảng thời gian của năm 2017 chỉ còn hơn hai tháng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có tầm nhìn dài hạn hơn khi ban hành chính sách. Bởi một số chính sách được ban hành trong năm nay chắc chắn có tác động đến năm sau.

Chẳng hạn trong chính sách tiền tệ thì thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có tác dụng trước mắt nhưng không kiểm soát kỹ chất lượng thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế về lâu dài, nếu tín dụng không đi vào sản xuất, doanh nghiệp trong nước không có khả năng hấp thì tín dụng đó lại chảy vào bất động sản, chứng khoán và gây bong bóng tài sản.

Nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể chấp nhận tăng trưởng thấp hơn một chút nhưng ổn định vững chắc thì vẫn tốt hơn. Vậy nên Chính phủ cần phải quan tâm đến những chính sách đảm bảo cho kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến thu chi ngân sách, nêu rõ năm nay sau 10 năm lần đầu tiên bội chi đạt 3,5%, song Chủ tịch Quốc hội nhận định chưa có chút lạc quan nào cho thu ngân sách năm sau. Bởi, Chính phủ có đề xuất sửa một số luật thuế nhưng chưa có chính sách nào tạo được đồng thuận xã hội để tăng thu.

Nguyên Vũ

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Bịt kẽ hở thâu tóm 'đất vàng' giá rẻ trong cổ phần hóa (10/10/2017)

>   Đấu giá trọn lô hơn 2 triệu cp Chè Lâm Đồng, giá khởi điểm 14,000 đồng/cp (09/10/2017)

>   IPO Thanh Lễ: Giá khởi điểm là 10,600 đồng/cp (06/10/2017)

>   Sau thất bại, DATC đấu giá tiếp hơn 4.5 triệu cp Công trình Giao thông 60 với giá khởi điểm hạ xuống 7,200 đồng/cp (05/10/2017)

>   IPO Idico: Giá trúng thầu tăng hơn 30% so với giá khởi điểm, lên mức 23,940 đồng/cp (05/10/2017)

>   Điều chỉnh phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Sông Đà (02/10/2017)

>   IPO Idico: 656 nhà đầu tư đăng ký mua 269 triệu cp, gần gấp 5 lần lượng chào bán (29/09/2017)

>   Đằng sau vụ định giá thương hiệu hãng phim Việt 0 đồng (29/09/2017)

>   IPO gần 12 triệu cp Thanh Lễ giá khởi điểm chỉ 10,600 đồng/cp (29/09/2017)

>   Đã có 34 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa (28/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật