Thứ Ba, 31/10/2017 15:46

ĐHĐCĐ PGT: Lấn sân tài chính, chứng khoán trên sân nhà lẫn đất khách Myanmar

Với định hướng trọng tâm năm 2017 là kinh doanh chứng khoán và có kế hoạch M&A, tái cơ cấu các công ty có tiềm năng và hợp tác trong lĩnh vực bất động sản, CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) sẽ huy động hơn 90 tỷ đồng cho việc M&A công ty chứng khoán (CTCK) tại Việt Nam, công ty tài chính Myanmar và đầu tư thêm dự án trung tâm thương mại - khách sạn cao cấp quốc tế.

Đó là những nội dung được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 diễn ra sáng ngày 31/10/2017 của PGT.

* PGT: 9 tháng vẫn lỗ, lộ diện kế hoạch M&A và đầu tư dự án táo bạo

ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 của PGT Holdings sáng ngày 31/10/2017

Từng được ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thông qua về việc lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của PGT là kinh doanh chứng khoán, đồng thời Công ty cũng sẽ đẩy mạnh việc thu mua lại, tiến hành tái cơ cấu các công ty có tiềm năng.

Theo PGT đánh giá, khả năng của các CTCK tại Việt Nam chưa được khai thác hết mà dư địa của thị trường vẫn còn nhiều. Do đó với việc lấn sân lĩnh vực kinh doanh này, PGT định hướng sẽ nắm được một số lợi ích nhất định, đồng thời có thể tận dụng để tăng nguồn quỹ nội bộ của Công ty.

Với tên dự án là Công ty chứng khoán tại Việt Nam, PGT sẽ mua lại một đơn vị kinh doanh chứng khoán có vốn điều lệ dưới 370 tỷ đồng. Phương thức thực hiện cụ thể là PGT sẽ nhận chuyển nhượng hoặc cùng với hai công ty con là Công ty TNHH MTV Vĩnh Đại Phát và Công ty TNHH Vina Terrace Hotels nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu tối đa 100% vốn của CTCK này. Giá trị nhận chuyển nhượng tương đương với giá trị sổ sách CTCK tại thời điểm chuyển nhượng hoặc lớn hơn tối đa 20% giá trị sổ sách.

PGT cũng trình Đại hội kế hoạch kinh doanh đối với CTCK, ở giai đoạn 1, PGT sẽ thực hiện tái cơ cấu bộ máy hoạt động, giai đoạn 2 là triển khai các hoạt động kinh doanh và giai đoạn 3 có kết quả từ các hoạt động kinh doanh. Theo đó, dự kiến năm 2019 doanh thu của CCTK nói riêng và của PGT nói chung sẽ tăng lên 50% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tuy chưa thể công bố tên CTCK mà PGT nhắm đến, nhưng Chủ tịch Kakazu Shogo có chia sẻ về tiềm năng của đơn vị sắp được mua lại là công ty có lịch sử lâu đời trong ngành chứng khoán, chủ sở hữu hiện tại là một công ty có uy tín nổi tiếng trên toàn cầu và về mặt tài chính, đơn vị này có báo cáo tài chính tốt khi không có nợ xấu mà phần lớn tài sản là tiền mặt.

Chưa “yên vị” trên sân nhà, PGT còn dự định sẽ tiến xa hơn đến Myanmar với kế hoạch nhận chuyển nhượng Công ty tài chính vi mô tại đất nước này. Cụ thể, PGT hướng đến công ty có vốn điều lệ 1 triệu USD, trong đó PGT nhận chuyển nhượng tối đa 70% vốn với giá trị dưới 20 tỷ đồng.

Tương tự với dự án M&A CTCK tại Việt Nam, PGT cũng trình kế hoạch đối với công ty tài chính này gồm 3 giai đoạn lần lượt là tái cấu trúc, hoạt động và bắt đầu có kết quả.

Về lý do chọn đầu tư tại Myanmar mà không thực hiện tại Việt Nam, ông Kakazu Shogo cho biết Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường tín dụng quy mô phát triển hơn Myanmar, tuy nhiên hai thị trường này đang tồn tại sự cạnh tranh mạnh và có khả năng sẽ bão hòa, còn Myanmar tuy chỉ bước đầu phát triển nhưng được đánh giá là có tiềm năng trong mảng lĩnh vực này, nhu cầu cần đáp ứng còn rất lớn. Song song đó, ông cho rằng các nhà đầu tư người Nhật đã có những kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài nên việc vươn đến thị trường tài chính tại Myanmar là một cơ hội lớn cho PGT.

Dự kiến hai dự án này sẽ được thực hiện ngay khi có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ và Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước với thời gian cụ thể là quý 1/2018.

Bước đầu rót 22 tỷ đồng cho dự án bất động sản

Đánh giá bất động sản cũng là một tiềm năng và thế mạnh của chính Công ty, PGT dự định sẽ thực hiện một dự án hợp tác kinh doanh Trung tâm thương mại – Dịch vụ - Cao ốc văn phòng – Khách sạn quốc tế - Căn hộ cho thuê. Dự án được xây dựng tại khu vực quận 4 với diện tích đất sử dụng gần 4,800 m2, sẽ gồm 4 tầng phục vụ cho hoạt động Trung tâm Thương mại, khối căn hộ cao cấp, 2 tầng hầm, tầng thượng và tầng kỹ thuật.

Được biết dự án có tổng nguồn vốn trong giai đoạn 1 là 146 tỷ đồng, trong đó PGT sẽ tham gia góp vốn vào dự án với số tiền 22 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn đầu tư. Công ty cũng cho biết vốn đầu tư cho các giai đoạn còn lại sẽ được quyết định dựa trên sự thảo luận và thống nhất giữa PGT và đối tác thực hiện.

“Bật mí” về đối tác trong dự án này, PGT chia sẻ đối tác về phía nhật là All Corporation Inc cùng với một số đối tác là nhà đầu tư Việt Nam. Theo như kế hoạch, ông Kakazu Shogo cho biết thời gian hoàn tất dự án và đưa vào sử dụng dự kiến vào năm 2021.

“Gọi” hơn 92 tỷ đồng vốn

Với loạt dự án trên, việc gọi vốn của PGT là điều cần thiết. Trong lần ĐHĐCĐ bất thường này, PGT đã trình hai phương án huy động vốn với tổng số tiền hơn 92 tỷ đồng.

Cụ thể, PGT sẽ phát hành riêng lẻ gần 5.3 triệu cp cho đối tác đầu tư với giá 10,000 đồng/cp. Vốn điều lệ sau đợt phát hành sẽ hơn 145 tỷ đồng và số tiền dự kiến thu được là 52.7 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn số tiền thu được là gần 25 tỷ đồng sẽ được dùng cho việc mua lại CTCK, 10.75 tỷ dùng để mua lại Công ty tài chính vi mô tại Myanmar, 7 tỷ đầu tư vào khu phức hợp khách sạn quốc tế và 10 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.

Kế hoạch sử dụng vốn từ đợt phát hành 5.3 triệu cp

Đây là cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, sau một năm kể từ thời điểm phát hành thì cổ đông nắm giữ số cổ phiếu ưu đãi hoàn lại sẽ có quyền yêu cầu công ty chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.

Trong ĐHĐCĐ bất thường 2017, PGT còn bổ sung thêm phương án phát hành vay chuyển đổi với tổng số tiền huy động tối đa 198.640 triệu JPY, tương đương gần 40 tỷ đồng.

Đợt phát hành vay chuyển đổi này có giá chuyển đổi dự kiến 10,000 đồng/cp và lãi suất đơn 4.5%/năm. Việc thanh toán lãi vay sẽ được thực hiện hàng năm cho nhà đầu tư vào cuối kỳ và theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán. Chủ nợ khi đáo hạn sẽ có quyền chuyển đổi đổi, khoản nợ sẽ được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang cổ phần phổ thông theo yêu cầu của chủ nợ. Thời điểm phát hành dự kiến sẽ trong vòng 1 năm kể từ ban hành Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2017.

Trí Nhiên

FILI

Các tin tức khác

>   FCN: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2017 (31/10/2017)

>   FCN: BCTC quý 3 năm 2017 (31/10/2017)

>   DNP: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (công ty mẹ) (31/10/2017)

>   LSS: Lãi ròng quý 1 giảm mạnh, cổ phiếu lau sàn rớt khỏi mốc mệnh giá (31/10/2017)

>   AMV: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (31/10/2017)

>   AMV: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (công ty mẹ) (31/10/2017)

>   HLR: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (31/10/2017)

>   SD2: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (31/10/2017)

>   SD2: Báo cáo tài chính quý 3/2017 (công ty mẹ) (31/10/2017)

>   CMT: BCTC Hợp nhất quý 3 năm 2017 (31/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật