Thứ Tư, 04/10/2017 14:11

Để tránh “bóc ngắn cắn dài”

Suốt cả một giai đoạn dài, các ngân hàng luôn trong tình trạng “bóc ngắn cắn dài” khi sử dụng quá mức nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho các khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, thời gian qua đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể, khi các ngân hàng không những tích cực tăng thêm vốn tự có, tìm kiếm các nguồn vốn vay tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, mà còn tăng cường huy động vốn trung dài hạn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ổn định và ở mức thấp trong nhiều năm qua.

Nguồn vốn trung dài hạn tăng thêm sẽ giúp các ngân hàng có sẵn nguồn lực ổn định để triển khai các chiến lược mở rộng kinh doanh có tính dài hơi hơn.

Tích cực gia tăng vốn

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, LPB) hôm 25/9 đã quyết định phát hành 20 triệu trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị lên đến 2,000 tỷ đồng, tức mệnh giá phát hành 100,000 đồng/ trái phiếu. Mục đích phát hành là nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các dự án trung và dài hạn, tăng quy mô vốn hoạt động cho ngân hàng. Dự kiến tỷ lệ chuyển đổi bắt buộc sang cổ phiếu là 1:10, tức một trái phiếu đổi được 10 cổ phiếu, đồng nghĩa với giá chuyển đổi là 10,000 đồng/ cổ phiếu. Với lãi suất trái phiếu khoảng 8 – 10% và giá mua bán cổ phiếu trên sàn OTC hiện nay của ngân hàng là 14,000 đồng/cổ phiếu thì khả năng sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia.

Ở một diễn biến khác, hôm 11/9 Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết sẽ đầu tư 200 triệu USD vào Ngân hàng Quốc tế (VIB) dưới hình thức khoản cho vay cao cấp với thời hạn lên đến 5 năm. Trước đó, trong tháng 8, IFC cũng dự kiến cấp khoản vay lên đến 150 triệu USD cho Ngân hàng An Bình (ABBank). Được biết vào năm 2011, IFC cũng đã đầu tư khoảng 40.5 triệu USD vào ABBank thông qua hình thức mua trái phiếu chuyển đổi và sau đó được chuyển đổi thành 10% vốn điều lệ của ngân hàng.

Bên cạnh phát hành các giấy tờ có giá và tìm kiếm các nguồn vốn vay tài trợ dài hạn, các ngân hàng cũng tích cực tự gia tăng nội lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ theo kế hoạch đã đặt ra. NHNN gần đây cũng đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, MBB) tăng vốn điều lệ từ 17,127 tỷ đồng lên 18,155 tỷ đồng, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng từ 14,059 tỷ đồng lên 15,706 tỷ và Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng từ 4,000 tỷ đồng lên 5,000 tỷ đồng.

Từ vốn tự có…

Tăng vốn luôn là mục tiêu quan trọng và xuyên suốt trong hoạt động của các ngân hàng. Hiện nay, theo quy định có khá nhiều chỉ tiêu an toàn bị giới hạn theo vốn tự có như hệ số an toàn vốn (CAR) 9%, tỷ lệ giới hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng và một nhóm khách hàng liên quan không được vượt quá lần lượt 15% và 25% vốn tự có, trạng thái ngoại hối không được vượt quá 20% vốn tự có, giới hạn tỷ lệ góp vốn mua cổ phần không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 21/2013/TT-NHNN thì số lượng chi nhánh (CN) được thành lập phải đi theo vốn điều lệ của ngân hàng, cụ thể với CN tại TPHCM và Hà Nội quy định vốn điều lệ tối thiểu phải 300 tỷ/CN, còn các CN mở tại các tỉnh thành khác là 50 tỷ/CN. Do đó, để có thể mở rộng phát triển kinh doanh thì các ngân hàng phải đảm bảo vốn tự có luôn duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định.

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì vốn tự có bao gồm vốn tự có cấp 1 và vốn tự có cấp 2. Vốn cấp 1 là các khoản mục lớn như vốn điều lệ, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn cổ phần. Trong khi vốn cấp 2 gồm 50% phần chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định, 40% phần chênh lệch tăng do đánh giá lại các khoản góp vốn đầu tư dài hạn, quỹ dự phòng tài chính, dự phòng chung và trái phiếu chuyển đổi, công cụ nợ có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Để tăng vốn tự có cấp 1 các ngân hàng thường tăng vốn điều lệ, không chia cổ tức để giữ lại lợi nhuận, trong khi để tăng vốn tự có cấp 2 thì các ngân hàng lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc công cụ nợ có kỳ hạn trên 5 năm. Trong bối cảnh hệ số CAR nhiều ngân hàng đã suy giảm thời gian qua do chất lượng tài sản đi xuống, nợ xấu tăng nhanh thì việc tăng vốn trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngoài ra theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020 thì việc tính toán hệ số CAR sẽ chặt chẽ hơn theo chuẩn quốc tế Basel 2, do đó các ngân hàng càng phải tích cực tăng vốn tự có ngay từ bây giờ để đảm bảo kịp đáp ứng theo thời gian quy định.

… đến nguồn vốn trung dài hạn

Trong khi đó, việc có được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế lại giúp các ngân hàng có được nguồn vốn ngoại tệ kinh doanh ổn định, nhất là khi thời gian qua dòng tiền gửi ngoại tệ đã chuyển một phần sang VNĐ từ sau chính sách trần lãi suất 0%. Với nguồn vốn USD được tài trợ với chi phí rẻ, ngân hàng có thể chuyển đổi sang VNĐ để cho vay với lãi suất cao, từ đó giúp biên độ lãi càng được cải thiện và tác động tích cực đến lợi nhuận.

Chẳng những vậy, nguồn tài trợ này còn có thể giúp các ngân hàng tăng được nguồn vốn trung dài hạn, qua đó cải thiện tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Với những ngân hàng như VIB, VPBank vốn có hoạt động cho vay tiêu dùng mua nhà, mua xe, trả góp với kỳ hạn dài thì nhu cầu huy động vốn trung dài hạn vẫn rất lớn. VPBank đầu tháng 3 năm nay cũng đã được IFC phê duyệt thêm gói tài chính trị giá hơn 80 triệu USD, cộng với mức tài trợ 125 triệu USD đã thực hiện trong năm 2016 thì tổng mức tài trợ mà VPBank nhận được cũng đã hơn 200 triệu USD.

Với tình hình mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, chiến lược phát hành các giấy tờ có giá để huy động nguồn vốn trung dài hạn có lẽ là phù hợp, một khi mặt bằng lãi suất nâng lên trở lại thì các ngân hàng được lợi rất nhiều vì đã thu hút được một nguồn vốn dài hạn đáng kể trong thời điểm chi phí huy động rẻ.

Từ năm ngoái cho đến nay các ngân hàng cũng đã tích cực phát hành các chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng nguồn vốn trung dài hạn. Với tình hình mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, chiến lược phát hành các giấy tờ có giá để huy động nguồn vốn trung dài hạn có lẽ là phù hợp, một khi mặt bằng lãi suất nâng lên trở lại thì các ngân hàng được lợi rất nhiều vì đã thu hút được một nguồn vốn dài hạn đáng kể trong thời điểm chi phí huy động rẻ.

Như vậy có thể thấy thời gian qua các ngân hàng không những tích cực tăng vốn tự có mà còn tăng nguồn vốn huy động trung dài hạn từ khách hàng và vay các tổ chức tài chính quốc tế. Thật ra việc tăng vốn tự có, vốn điều lệ cũng đã góp phần giúp tăng nguồn vốn trung dài hạn, do theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN thì nguồn vốn trung dài hạn của ngân hàng sẽ bao gồm tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế; tiền vay các tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài (không bao gồm TCTD); tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu; vốn điều lệ, các quỹ; thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại. Gần đây NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng phải rà soát xem có tỷ lệ an toàn nào bị vi phạm và nếu có phải đặt ra lộ trình khắc phục trong thời gian tới, do đó công tác tăng vốn để cải thiện, khắc phục các tỷ lệ bị vi phạm nếu có sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn tiếp theo./.

Các tin tức khác

>   Ông Trầm Bê khai gì về việc cho Phạm Công Danh vay ngàn tỉ? (02/10/2017)

>   Tỷ giá trung tâm đầu tuần giảm 2 đồng (02/10/2017)

>   “Bệ phóng” tín dụng cuối năm 2017 (02/10/2017)

>   Bươn chải với room ngân hàng (30/09/2017)

>   Lộ diện nhiều khách hàng trúng thưởng trong chương trình 21 năm gắn kết của OCB (30/09/2017)

>   Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh nghỉ hưu từ 01/10 (30/09/2017)

>   Công ty của gia đình 'Bầu Kiên' thắng kiện (29/09/2017)

>   Xử lý ngân hàng yếu kém và ngân sách nhà nước (29/09/2017)

>   Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt (29/09/2017)

>   Ngân hàng SCB chào bán 170.5 triệu cp giá 10,000 đồng/cp (29/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật