Thứ Hai, 30/10/2017 06:42

Dè chừng nhập siêu từ Thái Lan

Năm 2015, trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 5 tỉ đô la Mỹ, tương ứng với 160% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái.

Hàng hóa Thái Lan đang lấn át hàng Việt Nam, ngay cả đối với gạo, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: TRUNG CHÁNH

Việt Nam hy vọng việc hình thành AEC sẽ cải thiện tương quan thương mại giữa Việt Nam với Thái Lan. Nhưng dường như ta chỉ cầm cự được trong năm 2016. Trong chín tháng đầu năm 2017, ta đã nhập siêu từ Thái Lan 4 tỉ đô la Mỹ, bằng 81,6% nhập siêu cả năm 2016. Hiện Thái Lan đứng đầu các quốc gia Đông Nam Á và trên trường quốc tế chỉ thua Hàn Quốc (số 1) và Trung Quốc (số 2) về nhập siêu vào Việt Nam.

Có ba nhóm nguyên nhân của tình trạng này.

Nhóm nguyên nhân thứ nhất, do Việt Nam trong quá trình phát triển và buộc phải theo lộ trình hội nhập.

Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Hiện ta đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018. Lợi thế này được Thái Lan sớm tận dụng triệt để, còn phía ta có lẽ... chưa thể.

Các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuộc nhóm hàng ta cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất, đặc biệt là làm hàng xuất khẩu (chiếm 50% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan), gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; xăng dầu các loại; chất dẻo nguyên liệu; hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; vải các loại; giấy các loại; xơ, sợi dệt các loại; thức ăn gia súc và nguyên liệu... Nếu ngừng hoặc giảm nhập các mặt hàng này, dòng chảy sản xuất nội địa, xuất khẩu của ta cũng... lững lờ theo.

Không rõ đã bao nhiêu người Thái, kể cả Việt kiều nấu gạo Việt Nam nhưng hiện ở ta, nhiều gia đình khá giả đã ăn gạo Thái dù đắt gấp rưỡi gạo nội địa.

Thái Lan mở rộng đầu tư vào Việt Nam cũng dẫn tới việc tăng nhập khẩu từ nước này. Đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào Việt Nam 468 dự án với tổng vốn đăng ký 8 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 8 tỉ đô la Mỹ không phải là con số quá lớn so với đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia... nhưng hiếm có nhà đầu tư nào vừa vào sớm lại vào sâu và bám chặt vào Việt Nam như nhà đầu tư Thái Lan. Người Thái đã âm thầm thâu tóm Metro, BigC, Nguyễn Kim, Prime... Từ đấy Thái Lan thiết lập được chuỗi cửa hàng bán buôn, bán lẻ khắp các đô thị lớn của Việt Nam và còn đang tiếp tục mở rộng để doanh nghiệp của họ có thể trực tiếp đưa hàng của nước họ đến tay người tiêu dùng nước ta mà không phải mất công khai phá thị trường.

Chính phủ Thái Lan dành ngân sách cho các hoạt động xúc tiến thương mại với quy mô lớn và hiệu quả tại nước ta. Hàng năm, có khoảng 12-20 hội chợ hàng Thái do Bộ Thương mại Thái Lan tổ chức tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố khác. Tại Hà Nội, buổi đầu Hội chợ hàng Thái khiêm tốn bày biện tại nhà triển lãm Vân Hồ - rìa trung tâm, nay kỳ nào cũng đàng hoàng tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Đấy là chưa kể hàng Thái còn len vào các hội chợ mang danh quốc tế của Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc; TPHCM và các tỉnh biên giới Tây Nam.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là Thái Lan biết dựng kịp thời hàng rào đúng thông lệ quốc tế với hàng Việt.

Người Thái ưa chuộng nhiều loại nông, thủy sản, nhất là các loại tươi sống. Quả là trúng thế mạnh của Việt Nam! Tuy nhiên, yêu cầu phẩm cấp lại khá khắt khe. Thái Lan không áp dụng các rào cản kỹ thuật, thương mại riêng đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam, song với thanh long, nhãn, vải, xoài khi xuất khẩu vào Thái Lan phải có giấy chứng nhận về quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh, do Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan) cấp sau một quy trình đánh giá nghiêm túc. Cửa ải này là trần ai với hàng Việt Nam. Không biết hàng rào tương tự của Việt Nam ken chặt thế nào mà dễ thấy hoa quả Thái đang đầy các sạp hàng, hanh thông vào các gia đình Việt.

Nhóm cuối cùng là “Tiên trách kỷ” - Ta tự trách ta.

Trong cơ cấu hàng nhập từ Thái Lan, thiết bị và nguyên vật liệu khoảng một nửa, còn lại là muôn hình vạn trạng hàng tiêu dùng hấp dẫn người Việt vì giá cả, mẫu mã, chất lượng. Đừng vội trách cứ xu hướng sính ngoại của người Việt. Cần nhớ một điều nhỏ mà không nhỏ, rằng chừng nào rau quả Việt Nam còn phun thuốc trừ sâu vô tội vạ thì việc thua rau quả Thái Lan trên chợ nhà là hiển nhiên, đừng nghĩ đến chuyện lật ngược tình thế, áp đảo rau quả Thái trên... đất Thái. Ở một khía cạnh khác, không rõ đã bao nhiêu người Thái, kể cả Việt kiều nấu gạo Việt Nam nhưng hiện ở ta, nhiều gia đình khá giả đã ăn gạo Thái dù đắt gấp rưỡi gạo nội địa. Thực tế này cũng là thước đo chuẩn kết quả đích thực về nỗ lực nâng cao chất lượng hàng Việt, về khả năng tổ chức hệ thống phân phối để kéo người Việt về với hàng Việt.

Hàng năm, Việt Nam đều có Chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt ra nước ngoài được hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương, các hiệp hội. Song các sự kiện đó tổ chức ở Thái Lan thì hiu hắt, chẳng thể so với Hội chợ “Hàng tiêu dùng Thái Lan” hoành tráng do người Thái dàn dựng tại Việt Nam.

Để có thể kiềm chế nhập siêu từ Thái Lan, hàng Việt Nam phải vươn tới chuẩn mực quốc tế và bám sát kết quả nghiên cứu thị trường Thái Lan và thị hiếu của người Thái, trong đó chất lượng, giá cả phải cạnh tranh, an toàn, vệ sinh phải đảm bảo. Tập trung xây dựng thương hiệu hàng Việt, ưu tiên hàng nông, thủy sản chủ lực. Nâng cao năng lực tiếp thị...

Tập trung xây dựng, mở mang mạng lưới phân phối hàng Việt tại những khu vực đắc địa ở các địa phương trong nước, trên các trục đường giao thông huyết mạch. Chú trọng vùng sâu, địa bàn khó khăn.

Những giải pháp trên không mới nhưng lại mới vì phải đổi mới nhận thức cùng cách làm, mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu, chọn lọc nhập khẩu, không thua trên sân nhà khi buộc phải mở cửa thị trường, đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào thực chất.

Nguyễn Duy Nghĩa

Thời báo kinh tế Sài Gòn

Các tin tức khác

>   18 doanh nghiệp nhà nước vốn 1, nợ 3 (30/10/2017)

>   Chừng nào Nhà nước mới chấm dứt làm kinh tế (29/10/2017)

>   Nhập nhèm hàng Trung Quốc đội lốt Việt (29/10/2017)

>   Sau năm cao điểm 2018, sẽ kiểm toán toàn diện các công ty nông nghiệp (28/10/2017)

>   Định hướng và mô hình nào cho khu chế xuất? (27/10/2017)

>   Vụ "biệt phủ Yên Bái": Kỷ luật, cho thôi chức với ông Phạm Sỹ Quý (27/10/2017)

>   Grab đã lỗ lũy kế hơn 938 tỉ đồng (27/10/2017)

>   ĐH FPT chấp nhận thu học phí bằng Bitcoin (27/10/2017)

>   Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng (27/10/2017)

>   Xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt gần 30 tỷ USD  (27/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật