Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra khăn Khaisilk 'Made in China'
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ thông tin cửa hàng tại Hà Nội của Tập đoàn Khaisilk bán khăn vừa có mác "Made in Việt Nam" vừa có mác "Made in China".
* Ông chủ Khaisilk thừa nhận bán khăn 'made in China' và cúi đầu xin lỗi
* “Hệ sinh thái” doanh nghiệp của ông Khải Silk
Cửa hàng Khaisilk nơi bán ra những chiếc khăn có hai nhãn mác ở Hà Nội - Ảnh: CHÍ TUỆ
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên.
"Trường hợp nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28-10", Văn phòng Bộ Công Thương thông tin.
Trước đó, trên trang mạng xã hội xuất hiện thông tin một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác.
Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50x50cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung "Khaisilk Made in Vietnam", mác còn lại có nội dung "Made in China".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam cho rằng hành vi nhập sản phẩm của Trung Quốc nhưng lại cắt mác để thay đổi nhãn mác, xuất xứ và gắn thương hiệu nổi tiếng của mình là hành vi đánh lừa người tiêu dùng, gian lận thương mại, giả thương hiệu.
Chưa kể, các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Khaisilk được giới thiệu là chất lượng cao, được làm từ các làng nghề truyền thống với giá trị trên thị trường rất cao.
Tuy nhiên, hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc khó có thể kiểm soát về mặt chất lượng, giá cả nên trong trường hợp sản phẩm lụa được nhập từ Trung Quốc với giá rẻ, mà bán với giá gấp 5-7 lần, là không phù hợp và vi phạm quy định.
"Việc dùng uy tín của mình để đánh lừa người tiêu dùng bằng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ không đúng, là không chấp nhận được. Chưa nói chất lượng hàng hóa đó có được kiểm chứng hay không, thì việc tạo ra hàng nhái thương hiệu là vi phạm", ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, hành vi thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, giả mạo về chất lượng sản phẩm là vi phạm quy định của Nghị định 124 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
|
N.AN - T.V.NGHI
Tuổi trẻ
|