Bộ Công Thương cuối năm mới có thể cắt 675 ĐKKD
Doanh nghiệp nói Bộ Công Thương có thể cắt giảm tới 80%, thậm chí là 90% các điều kiện kinh doanh hiện hành.
Thông tin này được ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, nói tại buổi tọa đàm “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) “trói” doanh nghiệp (DN)” sáng 18-10 do báo Lao Động tổ chức.
Theo ông Tân, việc tuyên bố cắt giảm 675 ĐKKD là bước đầu tiên, trong thời gian tới bộ này sẽ tiếp tục rà soát để đạt được những kết quả phù hợp, đáp ứng được mong muốn của cộng đồng DN. “DN có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương có thể cắt giảm tới 80%, thậm chí là 90% các ĐKKD hiện hành” - ông Tân cho biết.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân (trái) nói Bộ Công Thương nhanh nhất cuối năm 2017 mới chính thức bãi bỏ 675 ĐKKD. Ảnh: CHÂN LUẬN
|
Về quan điểm, ông Tân cho hay Bộ Công Thương rất rõ ràng và rà soát từng điều kiện cụ thể. Quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy quản lý, chuyển sang hậu kiểm. Những ĐKKD được giữ lại sẽ không ảnh hưởng tới việc gia nhập thị trường và hoạt động bình thường của DN.
Tuy vậy, theo ông Tân, đây vẫn chưa phải là cách quản lý tốt nhất. “Nhà nước không thể căng sức ra để quản lý hết được mà phải theo cách thức quản lý rủi ro” - ông Tân nói.
Cho rằng bỏ ĐKKD thực chất là thay đổi tư duy quản lý, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu nhận định: “Quyết định cắt giảm 675 ĐKKD của Bộ Công Thương là kết quả của một quá trình rà soát công khai, minh bạch”.
Ông Phan Đức Hiếu (phải): "Cắt bỏ ĐKKD thực chất là thay đổi tư duy quản lý". Ảnh: CHÂN LUẬN
|
Tuy vậy, theo ông Hiếu, để việc cắt giảm ĐKKD này đi vào thực tế thì cần có những điều kiện khác. “Phải có hành động pháp lý. Bộ Công Thương phải trình Chính phủ ban hành nghị định hoặc thậm chí cao hơn là trình Quốc hội một đạo luật về vấn đề này” - ông Hiếu nói và thông tin rằng Bộ Công Thương đang tích cực xúc tiến các việc cần thiết để đưa kết quả rà soát thành chính sách.
Cụ thể hơn một chút về các ĐKKD được dự kiến cắt giảm, ông Tân cho hay đó là những quy định về cơ sở, nhà xưởng, những quy định về khoảng cách an toàn. Hay đối với kinh doanh gas, gạo thì những ĐKKD về quy mô, trang thiết bị, thậm chí là quy hoạch về cơ bản sẽ được bộ này bỏ hết.
Trả lời câu hỏi khi nào thì những định hướng tiến bộ này sẽ được thực hiện, ông Tân nói: “Việc ban hành nghị định về vấn đề này thì phải theo tiến trình. Hiện nay dự thảo nghị định đang được Chính phủ xem xét. Nếu nhanh thì cuối năm nay sẽ ban hành nghị định”.
Pháp luật TPHCM
|