TPHCM sẽ xử lý dứt điểm nhà container
TPHCM sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp thi công, lắp đặt container làm nhà ở, văn phòng... không đúng quy định, đồng thời, không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các hộ lắp đặt container trái phép.
Theo thông báo từ văn phòng UBND TPHCM, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn xử lý dứt điểm các trường hợp thi công, lắp đặt container làm nhà ở, văn phòng, cửa hàng kinh doanh, quán nước giải khát, kho chứa hàng… không đúng quy định.
Quy định này cũng áp dụng đối với các công trình có giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư tự ý thay đổi kết cấu chịu lực chính bằng cách tạo dựng nhà từ việc hoán cải những thùng container. Đặc biệt, thành phố sẽ không cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các hộ lắp đặt container trái phép.
Tuy nhà container chưa được luật quy định cụ thể nhưng vẫn được nhiều người dân lắp đặt, đặc biệt tại các quận, huyện vùng ven TPHCM. Thông thường, chỉ từ 100-300 triệu đồng và 10-15 ngày công, người dân đã có thể sở hữu một ngôi nhà container đầy đủ tiện nghi từ 1-2 tầng.
Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh container tại TPHCM cho biết, mỗi tháng công ty này bán ra từ vài chục đến cả trăm container. Các container dùng để thi công nhà đều được nhập lại từ các hãng tàu nước ngoài. Sau khi sử dụng 8-10 năm, các hãng tàu thường không sử dụng các container này nữa do thùng chứa hàng phải tuân theo các quy chuẩn quốc tế phức tạp.
Theo vị giám đốc này, đối tượng khách hàng chính của loại nhà container là các hộ dân mua đất qua giấy tay chưa được hợp thức hóa, đất nông nghiệp, đất vướng quy hoạch hoặc đất thuê.
“Chưa thể xây nhà bình thường, các hộ này đã chọn nhà container làm phương án thay thế do có thể dễ dàng di dời. Những người đã có quỹ đất sạch cũng sử dụng loại nhà này nhưng không nhiều, chủ yếu để kinh doanh quán cà phê”, vị giám đốc trên cho biết.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, qua kiểm tra, cơ quan này phát hiện 165 công trình container thuộc địa bàn 13 quận, huyện được người dân sử dụng làm nhà ở, văn phòng, cửa hàng kinh doanh, quán nước giải khát, kho chứa hàng...Trong đó, 151 công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết các container được cải tạo, lắp đặt các thiết bị làm nhà ở hoặc văn phòng được xác định là công trình xây dựng. Do vậy, phải tuân theo các quy định của pháp luật về công trình xây dựng.
“Nếu làm nhà container không thuộc đất xây dựng, không có giấy phép xây dựng của UBND quận, huyện ở địa phương đó cấp thì có thể sẽ bị cơ quan chức năng cưỡng chế bất cứ lúc nào”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho hay người dân muốn đặt container làm nhà ở hoặc văn phòng trên đất có chủ quyền và thuộc đất xây dựng thì phải có giấy phép xây dựng do UBND quận, huyện cấp như một công trình bình thường.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia xây dựng tại TPHCM, theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì công trình xây dựng phải được liên kết định vị với đất và được xây dựng theo thiết kế. Do đó, nhà ở bằng container có thể di chuyển được thì không phải là công trình xây dựng, không cần phải xin phép xây dựng. Thay vào đó, nên quy định cấp phép đặt công trình tạm đối với container, đồng thời, phải đăng ký tạm trú và đảm bảo các quy định về đô thị, môi trường…
“Luật Xây dựng 2014 chưa đề cập đến những loại công trình như nhà container cố định hoặc di động, dàn khoan, nhà hàng nổi… là lỗ hổng pháp lý khó kiểm soát hiện nay”, vị này nói.
http://www.thesaigontimes.vn/164412/TPHCM-se-xu-ly-dut-diem-nha-container.html
|