Thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư
Thị trường trái phiếu Mỹ vừa chứng kiến đà tăng mạnh nhất trong năm 2017 – một điều tưởng chứng không có khả năng xảy ra theo quan điểm của các chuyên viên giao dịch trên Phố Wall, Bloomberg cho hay.
Thậm chí, ngay sau cuộc họp cuối tháng 7/2017 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiết lộ rõ rằng họ sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm số dư 4.5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán trong thời gian ngắn, lợi suất của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm vẫn giảm 16 điểm cơ bản trong tháng 8/2017, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2016. Với mức 2.13% được thiết lập trong tuần này, lợi suất vẫn còn ở trong phạm vi thấp trong năm nay. Vào thời điểm khởi đầu năm 2017, đa số chiến lược gia kỳ vọng lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ tăng gần 50 điểm cơ bản vào thời điểm này. Được biết, giá và lợi suất trái phiếu có mối tương quan nghịch chiều với nhau, tức lợi suất trái phiếu giảm thì sẽ dẫn tới giá trái phiếu tăng.
Nói một cách đơn giản, điều này đáng lẽ không nên xảy ra sau khi Fed đã 3 lần nâng lãi suất trong 9 tháng qua và kinh tế Mỹ tăng trưởng đạt mục tiêu của Donald Trump với 3%.
Charles Comiskey, Trưởng bộ phận giao dịch trái phiếu Chính phủ ở New York tại Bank of Nova Scotia, cho hay: “Để cố gắng giải thích tại sao lợi suất trái phiếu lại tiếp tục giảm trong môi trường như thế này quả thật rất khó. Điều này là phi kinh tế và không hợp lý một chút nào cả”.
Dĩ nhiên, vẫn còn có những lời giải thích hợp lý. Tỷ lệ lạm phát đang dịu lại: Trong tháng 8/2017, thước đo lạm phát ưa thích của Fed ở mức 1.4% trong ngày thứ Năm, qua đó đánh dấu 5 tháng liên tiếp lạm phát ở dưới mức mục tiêu 2%. Các chính sách tài khóa của chính quyền Donald Trump đã chững lại, và trong tuần này, Tổng thống Mỹ vẫn đưa ra một vài thông tin chi tiết về đợt cải cách thuế.
Tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang với Triều Tiên cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn an toàn – và trái phiếu Chính phủ là một trong số đó.
Với khả năng là việc thời điểm Fed thực hiện động thái đầu tiên trong quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán chỉ còn cách vài tuần, thì nhà đầu tư đang có cảm giác rằng các mức lợi suất hiện tại trên thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ không còn kéo dài nữa.
Chỉ số Bloomberg Barclays U.S. Treasury index tiến 0.95% trong tháng 8/2017 (tính tới ngày 30/08), cao hơn cả mức tăng 0.2% của S&P 500 (đã tính tới cổ tức). Trong năm 2017, cả 2 chỉ số trên đều tăng.
Lượng người mua dồi dào
Theo quan điểm của ông Comiskey, chương trình mua tài sản của các ngân hàng trung ương trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đã lôi kéo nhà đầu tư vào cả cổ phiếu lẫn trái phiếu. Và khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì các chính sách nới lỏng ngay tại thời điểm này, thì nhu cầu trái phiếu Chỉnh phủ vẫn còn rất mạnh.
Tuần này, đợt đấu giá trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm đã thu hút một lượng người mua kỷ lục. Và dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nhà đầu tư mua ròng trái phiếu nước ngoài lần đầu tiên trong 3 tuần qua.
Và một lần nữa, nhà đầu tư Nhật Bản là những người mua mạnh trái phiếu nước ngoài – và đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Mỹ – trong tháng 7/2016, khi đó lợi suất trái phiếu Chỉnh phủ Mỹ đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại tại 1.32%. Và câu chuyện trên cũng không kết thúc tốt đẹp.
Mặc dù có lẽ Fed sẽ không thoái hoàn toàn lượng trái phiếu đã mua vào trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng quá trình cắt giảm trên có thể là một yếu tố để phá hoại đà tăng của trái phiếu, ông Comiskey cho hay. Được biết, quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tháng 10/2017.
“Ngày 01/10 sẽ là ngày quan trọng đối với các thị trường trên, vì quá trình tháo gỡ các gói nới lỏng định lượng có lẽ sẽ đảo ngược những kết quả đó”, ông cho biết./.
|