Thứ Sáu, 29/09/2017 06:24

Thế giới Di động "đặt" bước chân đầu tiên vào Trần Anh

Nhân sự của Thế giới Di động đã bắt đầu đặt chân vào Trần Anh... 

 

CTCP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) vừa công bố nội dung Biên bản và Nghị quyết Hội đồng quản trị và các quyết định thay đổi nhân sự.

Trong đó, HĐQT Trần Anh đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Giám đốc tài chính của ông Trần Thanh Tùng (sinh năm 1978) kể từ ngày 01/10/2017. Ông Tùng được điều chuyển từ vị trí Trưởng Ban kiểm soát sang nắm giữ chức vụ Giám đốc tài chính Trần Anh từ ngày 12/01/2017, tính tới nay mới được khoảng 9 tháng.

Thế chỗ ông Tùng là một đại diện của Thế giới Di động (HOSE: MWG) - ông Vũ Đăng Linh (sinh năm 1975). Ông Vũ Đăng Linh được bổ nhiệm chức vụ Quyền Giám đốc Tài chính và Chủ tài khoản của Trần Anh từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/09/2018 hoặc khi có quyết định khác.

Ông Trần Thanh Tùng có trách nhiệm bàn giao công việc cho người kế nhiệm là ông Vũ Đăng Linh kể từ ngày 01/10/2017. Cũng từ thời điểm này, ông Linh sẽ có quyền ký kết các hợp đồng vay nhân danh Trần Anh, quản lý các hoạt động thu chi của Trần Anh, ngoại trừ các hợp đồng vay yêu cầu người đại diện theo pháp luật của Trần Anh ký kết và thực hiện các hoạt động quản lý khác với vai trò là Quyền Giám đốc Tài chính và Chủ tài khoản của Trần Anh.

Ông Linh là Giám đốc Tài chính của MWG từ đầu năm 2013. Hiện ông Linh đang nắm giữ 184,578 cp MWG (0.06%), còn vợ ông Linh - bà Phan Việt Hà nắm giữ 140,000 cp MWG.

Bên cạnh đó, HĐQT Trần Anh cũng thông qua bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Võ Hà Trung Tín (sinh năm 1984) từ ngày 01/10/2017 đến ngày 30/09/2018 hoặc khi có quyết định khác.

Kể từ ngày hiệu lực, ông Tín có quyền và nghĩa vụ ký kết các giao dịch, hợp đồng hoặc thỏa thuận nào khác giữa Trần Anh với bên thứ ba để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và vận hành của Trần Anh; ngoại trừ các giao dịch, hợp đồng hoặc thỏa thuận yêu cầu người đại diện theo pháp luật của Trần Anh ký kết. Ông Tín đồng thời được thực hiện các hoạt động quản lý khác với vai trò là Phó Tổng Giám đốc của Trần Anh.

Ông Tín cũng được biết đến là một lãnh đạo cấp cao của Thế giới Di động, ông là đại diện pháp luật nhiều chi nhánh của Thế giới Di động tại TP.HCM và từng nắm giữ chức vụ là Giám đốc bán hàng tại nhiều khu vực trên cả nước của Điện máy Xanh.

Như vậy, động thái cử người vào tiếp quản Trần Anh, mà trước hết là hai lãnh đạo cấp cao của Thế giới Di động được tiến hành ngay sau khi cổ đông Trần Anh đồng ý cho Thế giới Di động tăng sở hữu lên trên 25% mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai và hủy niêm yết tự nguyện trên HNX, đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trần Anh và Thế giới Di động được gì nhờ thâu tóm?

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng từ giữa tháng 8/2017, Thế giới Di động cũng đã xác nhận Trần Anh là chuỗi điện máy mà Công ty sẽ mua lại. Đến cuối tháng 8, cổ đông của Thế giới Di động tiếp tục thông qua việc nâng ngân sách lên cao gấp 5 lần, từ 500 tỷ đồng lên thành 2,500 tỷ đồng nhằm thực hiện M&A với các công ty bán lẻ. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ vốn vay và phát triển trái phiếu, lợi nhuận chưa phân phối, phát hành cổ phần mới.

Phía Trần Anh cũng nhận được cái "gật đầu" của cổ đông, cho phép Thế giới Di động được tăng sở hữu lên 25% vốn mà không phải chào mua công khai.

Tuy nhiên, các thông tin về thương vụ này như tỷ lệ hay giá mua lại, đối tượng mua lại, các quyết định liên quan đến nhân sự chủ chốt,... vẫn chưa được công bố.

Trong một báo cáo phân tích gần đây của CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM), công ty này cho biết, đến hiện tại, Thế giới Di động thực sự không mạnh ở thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. HSC ước tính thị phần của Thế giới Di động ở Hà Nội là khoảng 30% đối với chuỗi Thegioididong và 15% cho chuỗi Điện máy xanh, đặt Công ty ngang bằng với các chuỗi bán lẻ khác như FPT shop ở thị trường di động, hay Trần Anh và Media Mart về điện máy.

HSC nhận định việc mua lại Trần Anh sẽ cho phép Thế giới Di động tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc, giúp tăng gấp đôi thị phần bán lẻ điện máy tại thị trường Hà Nội lên khoảng 30%.

Đối với Trần Anh, Công ty có thị phần tại khu vực phía Bắc nhưng tỷ suất sinh lợi lại thuộc nhóm thấp trên thị trường. HSC đánh giá, giá trị của thương vụ này còn nằm ở việc cải thiện lợi nhuận của Trần Anh lên mức tương đương Thế giới Di động. Từ một chuỗi điện máy quy mô nhỏ, Trần Anh có thể tận dụng được lợi thế về kinh nghiệm quản trị, mô hình hoạt động mà "ông lớn" Thế giới Di động mang lại.

Hệ thống điện máy Trần Anh hiện sở hữu 39 trung tâm tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc và miền Trung, tính riêng tại Hà Nội có 14 điểm bán. Còn Thế giới Di động tính đến cuối tháng 8/2017 có 1,669 siêu thị đang phục vụ khách hàng, bao gồm 1,041 siêu thị Thegioididong.com, 475 siêu thị Điện máy Xanh và 153 siêu thị Bách hóa Xanh.

Doanh thu 8 tháng đầu năm của Thế giới Di động đạt 42,283 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,452 tỷ đồng; cùng thực hiện xấp xỉ 66% chỉ tiêu cả năm 2017.

Trên thị trường, giá cổ phiếu MWG liên tục phá đỉnh mới. Nếu tính theo giá điều chỉnh, cổ phiếu MWG đã tăng gần 50% giá trị so với đầu năm 2017 và dừng ở mức 115,300 đồng/cp (chốt phiên giao dịch 28/09). Lượng giao dịch cổ phiếu MWG bắt đầu sôi động từ cuối tháng 5/2017, đây cũng là thời điểm thông tin mua lại CTCP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Khối lượng giao dịch thời gian này nhiều phiên đạt mức 500,000 - 1,100,000 cp.

MWG cũng là cổ phiếu được các quỹ ngoại sang tay liên tục những tháng vừa qua. Ngày 08/09, nhóm quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital gom tiếp 2.36 triệu cp MWG sau một loạt đợt nhận chuyển nhượng trước đó. Dragon Capital đã nhận chuyển nhượng 3 triệu cp MWG từ Mekong Enterprise Fund II Ltd (08/09), 728,000 cp MWG từ Frontaura Global Frontier Fund LLC, 208,750 cp MWG từ The Genesis Emerging Markets Investment Company (01/09) và 2 triệu cp MWG từ CDH Electric Bee Limited (28/07).

Các giao dịch quỹ ngoại khác tại MWG có thể kể tới như Dempsey Hill Asia Fund chuyển 200,000 cp MWG cho KT Zmico Securities Company Limited (07/09) và 500,000 cp MWG cho The Ton Poh Fund (07/07), Optis Global Opportunities Fund Ltd sang tay 200,000 cp MWG cho SR Global Fund L.P. - Frontier Portfolio (16/08)./.

Các tin tức khác

>   PTC: Phương án khắc phục ý kiến ngoại trừ kiểm toán (28/09/2017)

>   JVC: Thông báo về việc chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2017 (28/09/2017)

>   LDG: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 14 (28/09/2017)

>   LDG Group: Từ doanh nghiệp đầu tư đất nền đến tập đoàn bất động sản ngàn tỷ (28/09/2017)

>   VPS: Quyết định của HĐQT về việc thành lập chi nhánh tại Long An (28/09/2017)

>   FIT: Nghị quyết HĐQT về việc triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2017 (28/09/2017)

>   VIH: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 (28/09/2017)

>   VKD: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 năm 2017 (28/09/2017)

>   MAC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (28/09/2017)

>   E1VFVN30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 27/09/2017 (28/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật