Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý hơn 2,170 tỷ đồng sai phạm tại các dự án BOT, BT ở TPHCM
Ngày 07/9/2017, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo Kết luận số 2242/TB-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thực hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn TPHCM.
* Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý vi phạm tại nhiều dự án BOT, BT
* Giữa “cơn khát” mở rộng đầu tư, CII, HTI và HT1 lại dính án BOT
Thanh tra Chính phủ đã thanh tra các dự án bao gồm: Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; Dự án Xa lộ Hà Nội; Dự án cầu Bình Triệu II; Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu.
Ngoài những ưu điểm, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, UBND TPHCM đã không xây dựng danh mục dự án, không thực hiện công bố danh mục dự án hoặc thực hiện công bố chậm. Công tác lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định. Việc này dẫn đến không phát huy được nguồn lực của xã hội, không tạo tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, khó có thể xác định việc lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và rút kinh nghiệm tốt nhất, đồng thời không tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp.
Về công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án khả thi, UBND TPHCM đã tổ chức lập dự án khả thi hoặc chỉ đạo nhà đầu tư lập dự án, tổ chức thẩm định, phê duyệt, triển khai hoặc cho các đơn vị thực hiện chưa đầy đủ, sai quy định. Cụ thể, nội dung dự án thiếu sự cần thiết phải đầu tư, phương án so sánh…dẫn đến đánh giá dự án chưa đảm bảo tính chính xác, khách quan. Đồng thời, việc lựa chọn hình thức BOT, BT chưa thể khẳng định là hình thức đầu tư mang lại hiệu quả, tiết kiệm. Trách nhiệm thuộc về Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư và cơ quan liên quan trong thẩm định và phê duyệt dự án. Riêng đối với việc thẩm định và phê duyệt Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc giai đoạn từ năm 2000 đến 2010 thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chuyên môn của Bộ.
Về công tác ký kết hợp đồng, để thực hiện dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chủ trì đàm phán hợp đồng dự án và ký kết với nhà đầu tư trên cơ sở kiến nghị của nhóm công tác liên ngành. Do thiếu trách nhiệm trong công việc nên nhiều hợp đồng chưa đủ trình tự thủ tục, điều khoản mâu thuẫn, sai quy định. Việc ký hợp đồng không chính xác, điều khoản mâu thuẫn dẫn đến thời gian khai thác thu phí hoàn vốn không đúng quy định.
Về tiến độ dự án, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ không triển khai theo đúng kế hoạch là do công tác giải phóng mặt bằng; năng lực chủ đầu tư kém, thiếu vốn thanh toán; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bảo lãnh vay vốn nước ngoài bị chậm. Việc chậm tiến độ dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, giảm hiệu quả, lãng phí vốn. Trách nhiệm thuộc UBND TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Giao thông Vận tải.
Đối với công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, một số dự án trong quá trình triển khai thực hiện đã không thực hiện đúng các quy định về lựa chọn nhà thầu, không lập kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, thẩm định kết quả trúng thầu nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không kiểm tra việc đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định (Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ). Việc thực hiện không đúng công tác đấu thầu, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo năng lực tài chính và kỹ thuật tốt nhất là trách nhiệm của nhà đầu tư đã không nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra một số sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác nghiệm thu thanh toán, quyết toán; công tác duy tu bảo dưỡng.
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Chính phủ hoặc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền, hoàn thiện các quy định cụ thể trong phương án tài chính hoàn vốn của hợp đồng BOT, BT, nhất là lãi vay ngân hàng, lợi nhuận nhà đầu tư.
Đối với Hội đồng nhân dân TPHCM cần thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án BOT trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khi nhà đầu tư muốn tăng phí, UBND Thành phố phải trình HĐND Thành phố thông qua theo quy định.
Về xử lý kinh tế, UBND TPHCM xem xét xử lý số tiền sai phạm hơn 2,170 tỷ đồng, trong đó phê duyệt không đúng thẩm quyền 1,400 tỷ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng. Giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90.6 tỷ đồng; loại khỏi phương án tài chính cầu Bình Triệu II là 49 tỷ đồng. Giảm giá trị quyết toán dự án với giá trị 497.3 tỷ đồng; kiểm tra, xem xét việc thực hiện duy tu, sửa chữa bảo đảm theo các điều khoản của hợp đồng với giá trị 26.7 tỷ đồng; thẩm định chi phí duy tu của Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội do quyết toán theo phương án khoán loại ra khỏi chi phí hơn 5.7 tỷ đồng, thu về ngân sách Thành phố từ các nhà đầu tư với giá trị hơn 41 tỷ đồng do thực hiện không đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Dương kiểm điểm xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã vi phạm các quy định của pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao./.
|