TDM dồn toàn bộ 303 tỷ từ phát hành cổ phiếu để trả nợ vay cổ đông
CTCP Nước Thủ Dầu Một (UPCoM: TDM) vừa quyết định sẽ chuyển toàn bộ gần 303 tỷ đồng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu để trả nợ vay cổ đông.
Chuyển toàn bộ gần 303 tỷ đồng chào bán để trả nợ cổ đông
Trong đợt chào bán hơn 30 triệu cổ phiếu ra công chúng trong tháng 6/2017, số tiền TDM thu được gần 303 tỷ đồng, theo phương án sử dụng được công bố tại thời điểm phát hành, 151 tỷ dùng để trả nợ vay cổ đông và số tiền còn lại là 152 tỷ đồng để thực hiện dự án Bàu Bàng.
Phương án sử dụng vốn ban đầu
|
Tuy nhiên, TDM vừa có thông báo sẽ chuyển toàn bộ số tiền thu được gần 303 tỷ đồng chỉ để trả nợ cổ đông.
Giải trình về lý do điều chỉnh, TDM cho biết do quá trình làm thủ tục phát hành cổ phiếu theo trình tự quy định khá mất thời gian, đợt chào bán diễn ra từ 22/06 đến 26/07/2017, nhưng theo thủ tục thì đến ngày 01/08, Công ty mới được UBCKNN xác nhận kết quả chào bán thành công. Theo đó ngày 02/08, Công ty mới được tháo gỡ phong tỏa tài khoản.
Trong khi đó, vì để nhanh chóng hoàn tất thủ tục quyết toán các hạng mục công trình của dự án Bàu Bàng, TDM đã thỏa thuận mượn trước của cổ đông và một số đơn vị khác. Do đó, số tiền dự kiến phục vụ cho dự án Bàu Bàng theo phương án sử dụng vốn ban đầu sẽ được chuyển qua dùng để trả nợ cổ đông.
Nợ cổ đông và cá nhân ngót nghét gần 400 tỷ đồng
Liên quan đến các khoản nợ vay của TDM, đến thời điểm 30/06/2017 - tức chưa thực hiện vay vốn để phục vụ cho dự án Bàu Bàng, bên cạnh khoản nợ vay với ngân hàng gần 730 tỷ đồng, Công ty có khoản nợ vay các cổ đông tổ chức và cá nhân gần 380 tỷ đồng.
Trong đó, 3 cổ đông lớn tại TDM đang cho đơn vị này vay hơn 275 tỷ đồng gồm: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quỳnh Phúc (173 tỷ đồng), hai doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Thương mại NTP (61 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B (gần 42 tỷ đồng). Còn CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) cho TDM vay 5 tỷ đồng.
Được biết, tại thời điểm cuối năm 2016, Quỳnh Phúc nắm 39.39% vốn TDM, Kỹ thuật D&B sở hữu 17.56%, còn NTP nắm 17.56% vốn.
Được biết, trong những năm gần đây, cơ cấu tài chính của TDM ngày càng hướng về tăng tỷ trọng các khoản nợ, khi năm 2014 tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1.76% thì đến năm 2016, con số này đã là 2.58%, và mới đây nhất là sau nửa đầu năm, nợ phải trả đã cao gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu.
Tình hình nợ phải trả của TDM từ năm 2014 đến 6 tháng/2017 (Đvt: tỷ đồng)
|
Về con số tuyệt đối, nợ phải trả của TDM tăng mạnh lên hơn ngàn tỷ, gấp đôi so với năm 2015, nguyên nhân cho sự tăng mạnh này là do các khoản vay tài chính, mà trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn đã tăng mạnh từ 100 tỷ đồng của năm 2014 thì nay đã hơn 571 tỷ đồng./.
|