Thứ Hai, 18/09/2017 08:18

Sau 10 năm đa ngành, FPT bán gì và còn lại gì?

Năm 2007 được FPT xem là bước ngoặt đa dạng hóa hoạt động, mở rộng sang bán lẻ, lấn sân vào bất động sản và dịch vụ tài chính ngân hàng. 10 năm sau, 2017 được xác định là năm bản lề để FPT hoàn thành “rũ bỏ” cơn say trước đó.

* Sau FPT Retail, FPT bán tiếp FPT Trading

Cơn say đa ngành

CTCP FPT thành lập từ năm 1988 với tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm. Sau vài lần đổi tên thành CTCP FPT, năm 2006 niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên HOSE với giá 160,000 đồng/cp.

Từ năm 2006 trở về trước, FPT mở rộng phát triển các mảng ngành nghề nhưng cũng chỉ xoay quanh lĩnh vực phần mềm, công nghệ, viễn thông.

Tuy nhiên, năm 2007 được FPT xem là bước ngoặt của Tập đoàn trên chặng đường phát triển, đa dạng hóa hoạt động, mở rộng sang các hướng kinh doanh mới như bán lẻ, lấn sân sang bất động sản và dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán đang lên cao trào. Vào cuối tháng 02/2007, giá cổ phiếu FPT cũng đạt đỉnh với mức 665,000 đồng/cp.

Biểu đồ giá cổ phiếu FPT từ lúc niêm yết
Giá cổ phiếu FPT giai đoạn 2008-2009 lao dốc mạnh về mức dưới 50,000 đồng/cp (tương đương 7,000 đồng/cp giá đã điều chỉnh).

Trong khi nhiều nhà đầu tư “say máu” với thị trường chứng khoán thì FPT cũng trong cơn say đa ngành, hướng về những miền đất mới.

FPT tham gia góp vốn thành lập các đơn vị liên kết gồm 25% vốn (110 tỷ) vào CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, FPT Securities), 33% vốn (36.3 tỷ) vào CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) và 15% vốn (150 tỷ đồng) vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Mảng bất động sản của FPT có Công ty Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc (FHL) thành lập tháng 09/2007 và Công ty BĐS FPT (FPT Land) hoàn tất công trình đầu tiên vào tháng 09/2007.

Cũng khoảng đầu năm 2007, FPT tham gia thị trường bán lẻ và thành lập Công ty TNHH Bán lẻ FPT (FPT Retail) chuyên kinh doanh các sản phẩm tin học viễn thông, tập trung chủ yếu là điện thoại di động và máy tính xách tay.

Miền đất mới không phải… miền đất hứa

Tuy nhiên, miền đất mới lại không phải là miền đất hứa đối với FPT.

Kết quả năm 2008, năm đầu sau khi vươn rộng đa ngành, FPT ghi nhận lỗ gần 40 tỷ đồng trong hoạt động “đầu tư vào dịch vụ tài chính ngân hàng”.

Ba cái tên chính trong lĩnh vực tài chính của FPT có thể kể đến là TPBank, FPT Capital và FPTS. Trong đó, TPBank sau những năm đầu tích lũy lợi nhuận chưa cao thì năm 2011 đã lỗ đậm hơn 1,370 tỷ đồng, để lại hậu quả phải bù đắp lỗ lũy kế đến 2015 và tiếp tục bù đắp âm thặng dư vốn cổ phần (báo cáo tài chính cuối 2012 của TPBank ghi thặng dư vốn cổ phần âm gần 1,020 tỷ, lỗ lũy kế cuối 2011 hơn 1,370 tỷ đồng). Đến giữa năm 2017, TPBank vẫn còn âm thặng dư vốn gần 240 tỷ đồng.

FPT Capital thì trầy trật năm lãi năm lỗ, còn FPTS có lãi khấm khá và ổn định hơn, trừ năm 2008 ghi nhận lỗ 235 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế qua các năm của FPT Capital, FPTS và TPBank
ĐVT: tỷ đồng

Về mảng bất động sản, FPT Land lãi trước thuế gần 0.7 tỷ trong 2009 và lỗ 4.7 tỷ trong 2010, còn Công ty Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc lỗ 1.5 tỷ trong 2009 và lãi 2.3 tỷ trong năm 2010. Các năm còn lại FPT không có thông tin chi tiết về lãi lỗ hai đơn vị này mà gộp chung vào mảng đầu tư.

Từ năm 2009, FPT bắt đầu gom lại thành hai mảng, các hoạt động ngoài ngành thuộc về “đầu tư”, hoạt động chính là “công nghệ thông tin và viễn thông”.

Cấu trúc ngành nghề hoạt động của FPT năm 2009

Bên cạnh đó, FPT cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại FPTS, FPT Capital và TPBank xuống 20%, 25% và 9% (tính đến cuối năm 2016).  Riêng với khoản đầu tư vào TPBank, tại năm lỗ đậm hàng ngàn tỷ đồng, TPBank cũng công bố kết quả tái cơ cấu với sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cùng Chủ tịch Đỗ Minh Phú trong đợt tăng vốn cuối năm 2011. Điều này đã thay đổi cục diện và tầm ảnh hưởng của FPT tại Ngân hàng này. Tính đến cuối năm 2011, khoản đầu tư 487 tỷ đồng vào TPBank của FPT đã chuyển từ “công ty liên kết” sang “đầu tư dài hạn khác”.

Tại ĐHĐCĐ 2016, khi cổ đông hỏi về kế hoạch thoái vốn ngoài ngành, đại diện FPT cho biết HĐQT đã định hướng sẽ không gia tăng đầu tư tài chính, những khoản đầu tư không thuộc thế mạnh từ năm 2011. Tuy nhiên việc thoái vốn thời điểm đó không mang lại lợi ích cho cổ đông do giá trị các khoản đầu tư này hiện đã giảm rất thấp.

Chia sẻ trên báo chí về hoạt động kinh doanh ngoài ngành, một vị lãnh đạo của FPT từng bộc bạch về căn bệnh “đột kim” – bỗng dưng có quá nhiều tiền: “Sai lầm của chúng tôi là không tập trung vào sức mạnh cốt lõi và cho rằng mình cái gì cũng làm được”.

Cơ cấu của FPT tính đến cuối năm 2016

“Cắt nửa vầng trăng” đến phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ, viễn thông

Trở lại năm 2009, khi FPT bắt đầu “dọn dẹp” gọn lại mô hình. Hoạt động kinh doanh chính được xếp vào “công nghệ thông tin và viễn thông”, còn lại là “đầu tư”. Khi đó FPT Trading ra đời từ việc hợp nhất FPT Distribution, FPT Mobile và FPT Retail; thuộc nhóm “công nghệ thông tin và viễn thông”.

Khoảng 4 năm sau đó (năm 2013), FPT Trading được xẻ đôi thành FPT Trading và FPT Retail trước khi công bố chào bán riêng từng mảng. FPT Trading là nhóm sản phẩm công nghệ thông tin trong khi FPT Retail kinh doanh chủ yếu là điện thoại di động và máy tính xách tay.

Đến năm 2015, thông tin về kế hoạch bán FPT Retail và FPT Trading mới chính thức được FPT xác nhận khi một cổ đông hỏi tại ĐHĐCĐ thường niên năm này.

Tuy nhiên, đến nay thì kế hoạch này mới có được kết quả. FPT đã hoàn tất chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital, giảm sở hữu xuống 55%. Liền sau đó, FPT công bố bán 47% vốn FPT Trading cho Synnex Technology International Corporation.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn tại hai đơn vị sẽ giảm xuống dưới tỷ lệ chi phối (50%) trong thời gian tới. Trong đó, FPT dự kiến bán tối đa 10% FPT Retail trong năm 2017; 5% vốn của FPT Trading cũng sẽ được bán cho cán bộ của Công ty này.

FPT sẽ còn lại gì?

Trong cơ cấu doanh thu của FPT, phân phối và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương đương trên dưới 60% trong vài năm gần đây. Tuy nhiên tỷ trọng lợi nhuận trước thuế mang về thì chỉ khoảng 15-25% tổng lợi nhuận, bằng phân nửa công nghệ hay viễn thông.

Kết quả kinh doanh theo khối hoạt động vài năm gần đây của FPT
ĐVT: tỷ đồng

Trước đây, cả hai mảng này đều ghi nhận tăng trưởng đều qua các năm. Nhưng đến năm 2016 bắt đầu suy giảm. Doanh thu giảm 9% (đạt 23,037 tỷ) trong khi lợi nhuận giảm mạnh 25% (đạt 544 tỷ đồng). Theo lý giải của FPT, lĩnh vực phân phối giảm do ảnh hưởng từ quyết định ngừng kinh doanh sản phẩm Lumia của Microsoft và Apple thay đổi chính sách phân phối.

Còn nhớ trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc thoái vốn hai lĩnh vực này, đại diện FPT cho biết mặc dù mảng Retail có tốc độ tăng trưởng cao nhưng so với trước thì tỷ trọng của mảng này mang lại cho FPT đã giảm. Nếu xét về lâu dài, mảng Retail cũng gặp phải cạnh tranh từ nhiều đối thủ và không đạt được tốc độ tăng trưởng như mảng công nghệ. Việc tách riêng hai mảng FPT Retail và FPT Trading là cần thiết vì đây là hai mảng kinh doanh không có sự tương đồng. Khi mảng Retail đang tăng trưởng tốt cũng là cơ hội mang lại cho FPT mức giá bán hợp lý.

Như vậy, sau khi giảm sở hữu về dưới 50% vốn tại FPT Retail và FPT Trading, trụ cột chính (doanh thu và lợi nhuận) của FPT sẽ tập trung vào khối công nghệ và viễn thông.

Lợi nhuận trước thuế qua các năm của các khối công nghệ, viễn thông, giáo dục và đầu tư
ĐVT: tỷ đồng

Được biết từ khi niêm yết đến nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FPT hầu hết tăng trưởng qua các năm (trừ năm 2012), trong đó lợi nhuận sau thuế đạt mốc trên 1,000 tỷ đồng kể từ năm 2008. Tuy nhiên, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của FPT lại trồi sụt từ đỉnh cao 8,043 đồng năm 2007 giảm xuống 3,453 đồng vào 2008, đến năm 2012 EPS cũng giảm xuống 5,665 đồng (tương đương 3,047 đồng do điều chỉnh hồi tố).

Lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu qua các năm của FPT
ĐVT: đồng
EPS 2012-2015 được điều chỉnh hồi tố cho tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu 15% trong 2016 và quy định mới.

Trong 7 tháng đầu năm 2017, FPT đạt doanh thu hợp nhất gần 23,590 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế gần 1,690 tỷ đồng, tăng trưởng 19%. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận của FPT đóng góp chủ yếu từ công nghệ và viễn thông, tăng lần lượt là 39% và 16%, chiếm 75% tổng lợi nhuận./.

Các tin tức khác

>   Công ty dệt may ở quận Tân Phú, TPHCM bốc cháy dữ dội (17/09/2017)

>   Thêm một công ty bị kiểm toán ngoại trừ liên quan đến thuế phí (18/09/2017)

>   Licogi 16 tái khởi động dự án Ethanol Bình Phước (16/09/2017)

>   TL4: Giải trình BCTC bán niên soát xét năm 2017 (15/09/2017)

>   TTP: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (15/09/2017)

>   VTG: Giải trình kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2017 lỗ và ý kiến ngoại trừ của kiểm toán (15/09/2017)

>   KHP chuyển nhượng lưới điện 110kV trị giá 106 tỷ đồng cho EVNCPC (16/09/2017)

>   HSG: Nghị quyết HĐQT về việc thành lập chi nhánh tại Lập Thạch - Vĩnh Phúc (15/09/2017)

>   TIE: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (15/09/2017)

>   DPR: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức đợt 3 năm 2016 bằng tiền mặt (15/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật