Thứ Ba, 12/09/2017 09:56

Những lý do để tin rằng Vingroup sẽ thành công khi bước chân vào lĩnh vực ô tô

Sau 22 năm dang dở, đến nay giấc mơ “sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt” liệu có được Tập đoàn Vingroup - CTCP (HOSE: VIC) hiện thực hóa?

Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast chính thức khởi động.

Nỗi buồn dang dở!

Manh nha từ những năm 90 thế kỷ trước, đến kỳ Đại hội Đảng VIII năm 1996, Chính phủ đã chính thức đưa ngành công nghiệp cơ bản - trong đó lấy ô tô làm trọng tâm - trở thành định hướng đầu tàu giúp kinh tế vượt lên. Cũng trong giai đoạn này, với giả thuyết bên trong của một chiếc xe ô tô trung bình có khoảng 2,000 linh kiện, phụ kiện, được thực hiện trên nền tảng của nhiều ngành công nghiệp khác nhau, sẽ là động lực phát triển các ngành khác như cơ khí chế tạo, luyện kim, điện tử, hóa dầu...

Song, đã tròn chẵn 22 năm trôi qua, ngành sản xuất ô tô trong nước vẫn chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp. Trong khi đó, nhiều nước như Indonesia, Malaysia… cũng một xuất phát điểm trên, đến nay đã có những thương hiệu riêng. Chưa dừng lại, chỉ kể riêng quốc gia láng giềng là Trung Quốc, hiện đã có rất nhiều tập đoàn nội địa như Geely, Great Wall, Dongfeng… đang nắm thị phần hàng đầu, cạnh tranh ngang hàng với cả những ông lớn đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật.

Quay trở lại với ngành ô tô Việt Nam, theo báo cáo đánh giá tháng 4/2017 của Bộ Công Thương, mặc dù hai năm trở lại đây sản lượng sản xuất lắp ráp ô tô đã tăng mạnh, nhưng Bộ cũng thừa nhận ngành vẫn chưa đạt được tiêu chí thực sự, phần lớn mới chỉ ở mức độ lắp ráp đơn giản. Tỷ lệ nội địa hóa cũng ít, đạt khoảng 7-10%, trong khi con số này ở các nước trong khu vực là 65-70%. Nếu so với mục tiêu cách đây 12 năm (2005) là 40%, thì tỷ lệ hoàn thành của Việt Nam chưa chạm đến mốc 25%.

Đặt nghi vấn cho thực tiễn trên, nguyên nhân đến từ nhiều phía, thị trường chung thì chưa nhận được những ưu đãi từ chính sách, bản thân doanh nghiệp lúc bấy giờ cũng gặp khó khăn về vốn, con người… Dẫn đến thực tế phũ phàng “giấc mơ chỉ là giấc mơ”!

* Vingroup công bố sản xuất ô tô, mục tiêu đứng đầu Đông Nam Á

* Vingroup và Siemens ký biên bản hợp tác về công nghệ

VinFast có gì?

Mặc dù không thuận lợi là thế, nhưng vẫn còn đó những cái tên đã từng viết tiếp câu chuyện ô tô thương hiệu Việt. Trong đó, nổi bật có ông Bùi Ngọc Huyên với sản phẩm ô tô sản xuất nội địa Vinaxuki, được thai nghén từ tham vọng cao ngất. Nhưng đến nay, ông Huyên đã phải đánh đổi rất nhiều thứ cho cái gọi là “đam mê” chưa thành đó.

Phân giải về lý do thất bại của Vinaxuki, rất nhiều tranh luận được đưa ra, nào là chưa được chính sách quan tâm hỗ trợ, hay công nghệ còn chưa đủ trình độ… nhưng tựu trung lại lý do chính ở đây là vốn khi mà ngân hàng ngừng cho vay, Vinaxuki theo đó cũng thất bại.

Và hôm nay, VinFast của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng có gì khác?

Thứ nhất, VIC không hề đơn độc khi nhận được rất nhiều quan tâm từ các "ông lớn" toàn cầu tham gia trợ giúp vào tất cả các khâu. Về vốn, VIC có tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse AG tuyên bố sẽ cho VinFast vay khoản vốn lên tới 800 triệu USD. Hơn nữa, VIC còn hợp tác với Bosch, cam kết cùng song hành trong quá trình phát triển sản phẩm.

Mới đây nhất, VIC cũng đã công bố thông tin VinFast hợp tác với Siemens, trong liên minh với Bosch, để có một hệ thống quản lý và vận hành nhà máy tiên tiến nhất theo chuẩn 4.0, đó là công nghệ. Chưa hết, VIC còn bắt tay với các đối tác hàng đầu thế giới chuyên về dây chuyền sản xuất, hệ thống động cơ xăng khác như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL (nổi tiếng về động cơ ô tô của Áo), Durr (nổi tiếng về đầu máy và công trình nhà máy của Đức), Henn (Đức) và các studio thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina (Italy), Zagato (Italy), Torino Design (Italy) và ItalDesign (Italy)… Thứ hai, từ năm 2009-2016, Thủ tướng đã đưa ra gần 10 quyết định hỗ trợ ngành ô tô phát triển, cùng với đó là các nghị quyết, mục tiêu cho ngành đến năm 2030. Mặt khác, Chính phủ cũng đã đặt bút ký quyết định hạ thuế xuất nhập khẩu linh kiện về 0%...

Vốn đã có, chỉ còn yếu tố con người

Có thể nói, muốn thành công trong lĩnh vực sản xuất ô tô, một trong ba yếu tố sống còn là con người, bên cạnh nguồn vốn và công nghệ. Với VinFast, vốn đã có, công nghệ cơ bản hoàn thành, và con người tính đến nay là yếu tố quyết định sự thành bại của mảnh ghép cuối cùng này.

Ông Võ Quang Huệ sẽ đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast.

7 mảnh ghép kinh doanh chính của VIC: Bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec), nông nghiệp (Vineco) và sản xuất ô tô (VinFast). Trong đó, hai lĩnh vực đầu với tên tuổi Vinhomes và Vinpearl, mặc dù hứng chịu rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về khả năng thành công, nhưng đến nay đã trở thành một thương hiệu bất động sản Việt Nam. Và lĩnh vực thứ 7 - sản xuất ô tô với tên gọi VinFast đã chính thức ra mắt vào ngày 02/09 vừa qua.

Nhận biết được tầm quan trọng này, VIC đã tuyển chọn người tài cho VinFast, trong đó vị tướng đầu tiên đã xuất hiện – ông Võ Quang Huệ sẽ đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast.

Được biết, trước khi về với VIC, ông Huệ là Tổng Giám đốc của Robert Bosch Việt Nam. Ông Huệ sinh năm 1952 tại Quảng Nam, ông sang Đức học từ năm 18 tuổi. Sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở Thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở Thành phố Achen, rồi ở lại Đức làm việc tại Tập đoàn BMW từ năm 1980. Năm 1993, ông Huệ về Việt Nam với vai trò Trưởng đề án đưa BMW vào thị trường Việt Nam. Đến ngày 01/02/2008, ông Huệ chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam. Với hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp chế tạo, ông Huệ hứa hẹn sẽ vạch ra những bước đi đầu tiên thật vững chắc cho thương hiệu VinFast.

Bà Lê Thị Thu Thủy – Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VIC.

Mới đây, trên vai trò đại diện VIC, bà Lê Thị Thu Thủy đã trả lời về dự án VinFast với hãng Bloomberg. Thông tin này được cho rằng bà Thủy (nguyên Phó Chủ tịch kiêm TGĐ VIC) nhiều khả năng sẽ là một trong những "chiến tướng" mà ông Vượng đã, đang và sẽ mời về để tham gia vào nhân sự cao cấp tại VinFast. Về bà Thủy, trước khi đến với VIC, bà từng làm việc trong Lehman Brothers, đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Lehman Brothers Nhật Bản, Thái Lan và Singapore.

Chưa hết, trong phần trả lời của mình, bà Thủy cũng cho hay, “VinFast sẽ bổ nhiệm một nhà điều hành từ một hãng xe toàn cầu vào vị trí Giám đốc điều hành (CEO)”.

Tựu trung lại, tính đến nay, VinFast đã có Phó Tổng Giám đốc chuyên lĩnh vực ô tô, dự kiến sẽ tuyển Giám đốc điều hành là chuyên gia trong ngành từ nước ngoài, và bà Thủy từng là một trong những nhân sự chủ chốt gắn liền với sự đi lên của VIC từ những năm 2012.

Cùng với đó, VIC cho biết cũng đã tuyển dụng được các chuyên gia công nghệ và sản xuất ôtô hàng đầu thế giới như BMW (Đức), General Motors (Mỹ), Bosch (Đức)… về làm việc. Như vậy, VinFast tuy gây sốc cho thị trường, song với những gì VIC đang có tính đến nay, có thể thấy đây là bước đi không phải vội vã mà là một nước cờ đã được tính toán rất kỹ từ trước đó.

Và mặc dù nhận được hỗ trợ từ rất nhiều phía, song vẫn còn đó những rủi ro phía trước: Thị trường giá cả ô tô đang biến động, thuế nhập khẩu ô tô khu vực Asean đến năm 2018 sẽ giảm về 0% dẫn đến rủi ro cạnh tranh về giá cả (ô tô nhập khẩu sẽ rẻ hơn ô tô trong nước), những đối thủ đáng gờm hiện nay với chuỗi cung ứng vững mạnh như Toyota… Việc thành bại của VinFast vẫn còn là câu trả lời của tương lai!./.

Các tin tức khác

>   TEG: Nghị quyết Hội đồng quản trị (11/09/2017)

>   CKV: Công bố Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động của Chi nhánh Công ty Cổ phần Cokyvina cung cấp dịch vụ viễn thông tại Tỉnh Hòa Bình. (11/09/2017)

>   SNC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (11/09/2017)

>   KSH: Nghị quyết HĐQT về việc thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội (11/09/2017)

>   SVN: Giải trình liên quan đến báo cáo tài chính bán niên 2017 (11/09/2017)

>   SRF: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2017 bằng tiền (11/09/2017)

>   KTS: Thông báo về thay đổi ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 (11/09/2017)

>   PXC: Báo cáo tài chính Quý 2 văn phòng (11/09/2017)

>   TDC: BCTC Tóm tắt Hợp nhất Soát xét 6 tháng đầu năm 2017 (11/09/2017)

>   TIX: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến CĐNB Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) (11/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật