Nhịp đập Thị trường 22/09: ROS và KLF tím sàn
Sau nhiều pha hụt hơi thì chỉ số vẫn may mắn đóng cửa tại 807.13 điểm, tăng 0.4% cùng với sự hỗ trợ tích cực của nhóm VN30. Tuy nhiên, thanh khoản chỉ suýt soát 4,000 tỷ, tương đương 177 triệu đơn vị.
Khi mà đầu phiên sáng cứ ngỡ KLF đã cắt đứt chuỗi tăng trần với cuộc lao dốc giảm sàn, thì ngay sau đó cổ phiếu này đã nhanh chóng giành lại sắc tím quen thuộc và duy trì suốt phiên chiều. Như vậy, KLF vẫn đang vẽ tiếp chuỗi tăng trần với 6 phiên liên tục. Khối lượng khớp lệnh ở mức cao khi hơn 26.5 triệu đơn vị.
Một bất ngờ khác gần cuối phiên là ROS. Câu chuyện tím sàn xoay quanh KLF khả năng đã góp phần tạo lực đẩy cho ROS bỗng nhiên bật mạnh ở những phút cuối để đạt mức kịch trần tại 128,700 đồng/cp với lượng thanh khoản 2.8 triệu đơn vị.
Trái ngược với nhóm chứng khoán đã xuôi dòng cùng nhịp tăng của thị trường thì nhóm ngân hàng lại một nhân tố góp phần ngăn chặn bước nới rộng đà tăng của chỉ số. BID, CTG, MBB, SHB, STB, VCB và VPB ghi nhận giảm từ 0.5% đến gần 1.5%, trong đó BID là cái tên mà phần lớn thời gian trong phiên ngày 22/09 chỉ quanh quẩn tại vùng dưới giá tham chiếu.
Song song diễn biến tích cực của thị trường, nhóm cổ phiếu thủy sản lại không nhận được quả ngọt khi chịu áp lực bán đè những anh lớn ngành HVG, IDI, VHC giảm giá. ANV trong suốt phiên cũng lâm cảnh tương tự nhưng gần cuối phiên đã may mắn giành lại được sắc xanh.
Sau một loạt sắc đỏ tại nhóm ngành dược, kết phiên thì DHG, DMC và IMP vẫn nhận kết cục buồn, thậm chí DHT – từng là cổ phiếu có mức tăng trưởng giá mạnh nhất ngành nhưng sau nhiều phiên giảm liên tục thì trong ngày 22/09, DHT đã phải chấp nhận kết quả nằm sàn.
Sau những thông tin xoay quanh câu chuyện TDM sẽ gom 5.3 triệu cp BWE từ đợt thoái 10% vốn (tương đương 15 triệu cp) của Becamex IDC, thì mãi đến nay BWE mới có phiên tăng trần, trong khi trước đó cổ phiếu này đã có chuỗi 4 phiên liên tiếp đỏ sàn.
HNX-Index thành công duy trì sự tích cực đến cuối phiên với lực tăng 0.73%, dừng tại 106.52 điểm. Khối lượng khớp lệnh gần 93 triệu đơn vị với tổng giá trị 977 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục giằng co bán mua suýt soát nhau với khối lượng khá tương đồng khoảng 10 triệu cp, tuy nhiên giá trị bên bán vẫn nhỏ hơn, ghi nhận mua ròng 6.7 tỷ đồng.
Phiên sáng: Thu hẹp sắc xanh
Trong phiên sáng nay, VN-Index đã có lúc vươn lên hơn 808 điểm nhưng áp lực bán vẫn còn, khiến sắc xanh tại nhóm VN30 dần thu hẹp góp phần rút ngắn đà tăng đã tạo dựng trước đó và dừng tại 806.57 điểm.
Cả hai chỉ số đóng cửa phiên sáng với sắc xanh, tuy không mạnh nhưng với lực tăng khoảng 0.33-0.36% thì hai chỉ số vẫn đang trong mức độ an toàn Thanh khoản trên sàn HOSE ghi nhận hơn 95 triệu đơn vị, tương đương hơn 2,250 tỷ đồng. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HNX hơn 73 triệu cp với 687 tỷ đồng.
Mặc cho sự phấn khởi trên thị trường, nhóm cổ phiếu dược vẫn một mực rớt giá với mức giảm từ 0.5 đến hơn 1%, DHG, TRA, IMP, DMC, DCL đồng loạt chật vật trong sắc đỏ, những cổ phiếu này thời gian gần đây biểu hiện không tốt như DHG đã 5 phiên liên tục giảm điểm.
Dù giá dầu thô và dầu Brent vẫn đang trên đà tích cực thì PVD và PGS vẫn phải chịu áp lực bán ra khiến hai cổ phiếu này giảm từ 1% đến 1.7%. Ở chiều ngược lại có PGD với lực tăng 2.27%, bên cạnh đó còn có GAS, PGT, PVS.
Khối ngoại đã mua bán suýt soát nhau nhưng kết phiên phần thắng dành cho chiều tháo hàng với lượng và giá trị bán ròng lần lượt 1 triệu đơn vị và 2 tỷ đồng.
Tại nhóm cổ phiếu thép, dưới tác động của bàn tay khối ngoại, HPG đang có đà tăng gần 1.5%, chỉ trong phiên sáng cổ phiếu này đã được khối ngoại gom hàng gần 400,000 đơn vị, tương đương 14.5 tỷ đồng. Ngược lại hoàn toàn, HSG là á quân cho lượng cổ phiếu bán ra của nhà đầu tư nước ngoài, gần 700,000 đơn vị.
10h30: Đà tăng được củng cố
Chỉ số liên tục củng cố đà tăng, phần lớn nhờ nhóm VN30. Hai chỉ số VN-Index và VN30-Index đang có lực tăng tương đồng 0.48%, lần lượt đạt 807.55 điểm và 790.17 điểm.
Cổ phiếu chứng khoán lại đang diễn biến phân hóa trái chiều trong khi VDS, CTS, MBS, VND đang vận động dưới vùng giá tham chiếu thì FTS, AGR, SHS và những anh lớn SSI, HCM, VCI đang duy trì lực tăng ở mức an toàn. Trong đó, FPT bất ngờ tăng tốt hơn 5% dù gần đây không có nhiều thông tin hỗ trợ.
Tại nhóm ngành nhựa là câu chuyện đối lập giữa hai anh lớn, trong khi NTP phải đối diện với sự kiện hỏa hoạn ngày 18/09 và câu chuyện thoái toàn bộ 21 triệu cp của cổ đông thái thì BMP lại gỡ bỏ được những khúc mắc để hoàn tất việc nới room lên 100%. Trên sàn, NTP sau sự sụt giảm đầu phiên thì đã quay lại mốc giá tham chiếu còn BMP đang được duy trì lượng dư mua tốt, giúp giá tăng 0.25%. Một số anh em khác tại ngành nhựa là AAA, DAG, NHP cũng đang tích cực tại vùng giá xanh.
VJC trong sáng nay bất ngờ đang tiến đến mức kịch trần với lực tăng hiện tại đã 6.12%, tương đương tăng 6,000 đồng. Thông tin gần đây nhất liên quan đến việc HDBank muốn chi khoảng 348 tỷ đồng mua thêm hơn 2.54 triệu cp VJC, song song đó là 25/09 tới đây, Vietjet sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ phiếu thưởng 40%.
Lực tăng tại HNX-Index cũng được nới rộng dần hiện đã tiến lên 106.28 điểm, tăng 0.5%.
9h30: KLF quay đầu giảm sàn, dứt chuỗi 5 phiên trần
Sau những chùng chân của vài phút đầu sau phiên hụt hơi giảm điểm ngày 21/09, chỉ số đã lấy lại được phong độ với ghi nhận tăng 0.1% lên gần 805 điểm. Tuy nhiên, lực tăng này phải đối diện sự giằng co mạnh có lúc chỉ số bị kéo về sát mốc tham chiếu bởi áp lực bán mua liên tục tại những anh lớn.
Độ rộng thị trường trên sàn HOSE đang khá tích cực với 113 mã tăng trong khi chỉ có 68 mã giảm.
Chưa có tín hiệu tích cực cho những cổ phiếu vốn hóa lớn khi hầu hết VNM, PLX, VIC, VCB, GAS đều đang đứng giá. Nếu như phiên ngày 21/09, SAB là gánh nặng của chỉ số và trái chiều là VIC ra sức cứu cánh cho chỉ số thì phiên ngày 22/09, hai cổ phiếu này lại đổi chiều cho nhau khi SAB đang bay cao thì VIC lại lao đao trước áp lực bán. Đặc biệt là SAB vài phút đầu phiên đã tăng mạnh 2.26%, tương đương 6,000 đồng còn VIC hiện ghi nhận giảm 1.63%.
Lực tăng hiện tại của nhóm bất động sản đang được củng cố bởi ITA, KBC, HQC, DLG, IJC, DXG và cả FCN. Từ việc nới room lên 100%, song song đó là những kế hoạch huy động vốn khủng đang là những thông tin hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu này, trong sáng nay thì FCN đang tăng 2.63% với dư mua cao gần gấp đôi lượng dư bán.
Tương tự, HNX-Index cũng chịu sự ép bán ra ở những phút đầu nhưng sau khi thị trường hưng phấn trở lại đã giúp chỉ số này tăng 0.17% lên 105.93 điểm.
Đáng chú ý là mã KLF đã quay đầu giảm kịch sàn sau chuỗi 5 phiên trần trước đó, hiện KLF khớp hơn 10 triệu cp. Trả lời báo chí mới đây, đại diện KLF cho biết, một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp lần này là trình kế hoạch tăng vốn điều lệ. Cụ thể, KLF sẽ phát hành 450 tỷ đồng cổ phần cho cổ đông hiện hữu, và chào bán riêng lẻ 530 tỷ đồng cho các cổ đông khác. Tổng khối lượng phát hành 980 tỷ đồng.
|