Nhiều công ty chứng khoán đã dồn phần lớn tài sản vào margin
Thị trường chứng khoán liên tục phá đỉnh trong nửa đầu năm 2017, đã có không ít công ty chứng khoán (CTCK) đua nhau gọi vốn, tăng mạnh cho vay, thậm chí dồn phần lớn tài sản rót vào hoạt động margin.
Sau 6 tháng đầu năm 2017, theo dữ liệu của Vietstock, số dư nợ cho vay của gần 60 CTCK đã tăng hơn 5,200 tỷ (tương đương tăng 22%) so với thời điểm đầu năm lên hơn 28,700 tỷ đồng. Trong đó, 10 CTCK có dư nợ margin cao nhất đã đóng góp hơn 21,000 tỷ đồng, tăng 26%.
Đứng đầu số dư nợ cho vay tính đến thời điểm giữa năm 2017 vẫn là SSI với gần 4,200 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu mang về cho SSI gần 240 tỷ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
“Ông lớn” khác là HSC (HCM) có dư nợ cho vay hơn 3,460 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm và khoản lãi từ hoạt động này mang về hơn 190 tỷ trong nửa đầu năm. Một số CTCK khác như VND, SHS, VCSC (VCI) hay MBS đều có khoản cho vay từ 2,100-2,600 tỷ đồng, trong đó mức tăng trưởng so với đầu năm của VCSC là 57%, SHS và VND là 36%. Lãi thu được từ cho vay của các CTCK này từ 100-150 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Riêng với SHS khi đẩy mạnh nguồn lực cho hoạt động margin, lãi từ cho vay của Công ty cũng tăng vọt từ 64 tỷ lên 155 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Top CTCK có lãi từ hoạt động margin cao nhất 6T/2017 (Đvt: tỷ đồng)
|
Đáng chú ý, có nhiều CTCK đã dành phần lớn tài sản của mình rót vào hoạt động cung cấp margin cho nhà đầu tư. Trong đó, số dư cho vay trên tổng tài sản ở mức lớn hơn 70% như FPTS, VDS, HSC, thậm chí MBKE lên đến gần 90%.
Tại MBKE, các khoản cho vay tăng nhẹ lên hơn 990 tỷ, tuy nhiên thu nhập lãi từ hoạt động này lại giảm nhẹ xuống gần 41 tỷ đồng, chiếm phân nửa tổng doanh thu. Hay FPTS và VDS cũng dồn 70-80% tổng tài sản của mình với hơn 1,200 tỷ đồng để tài trợ hoạt động cho vay và khoản lãi mang về từ 66-68 tỷ đồng, cũng chiếm 40-50% tổng doanh thu. Dư nợ cho vay hoạt động ký quỹ của HSC cũng chiếm đến 71% tổng tài sản.
Tỷ trọng các khoản cho vay trên tổng tài sản (Đvt: tỷ đồng)
* Số dư cho vay trên tổng tài sản ở mức trên 70% gồm có FPTS, VDS, HSC,
thậm chí MBKE lên đến gần 90%
|
Song song với việc duy trì hoạt động cho vay ở mức cao thì một hiện tượng đồng thời cũng diễn ra đó là các CTCK đua nhau tìm vốn từ phát hành trái phiếu, vay doanh nghiệp hoặc ngân hàng.
Trong đó, SSI có khoản vay ngắn hạn tăng từ 4,800 tỷ lên 5,900 tỷ và trái phiếu phát hành dài hạn tăng từ 200 tỷ lên gần 800 tỷ đồng (600 tỷ trái phiếu vừa phát hành trong nửa đầu năm nhằm đầu tư kinh doanh, tăng quy mô vốn cho các hoạt động). Vay ngắn hạn của HSC cũng tăng từ 1,000 tỷ lên 1,330 tỷ đồng.
Với MBKE, mặc dù vốn chủ sở hữu duy trì ở mức cao gần 940 tỷ đồng nhưng khoản vay ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 45 tỷ lên 155 tỷ đồng. Theo thuyết minh của MBKE, đây là khoản vay bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và vay thấu chi tài trợ cho các hoạt động hàng ngày của Công ty.
Còn SHS đã thực hiện 2 đợt phát hành tổng cộng 1,200 tỷ đồng với mục đích Công ty công bố khá cụ thể là bổ sung hoạt động cho vay ký quỹ. VCI cũng không kém cạnh khi cũng phát hành 2 đợt tổng cộng 700 tỷ đồng trái phiếu, và dự kiến sẽ tiếp tục huy động thêm 300 tỷ đồng từ kênh này. Một loạt các CTCK khác cũng đã thông qua việc phát hành trái phiếu như MBS, VDS, VIX. Trong đó, VDS có khoản trái phiếu phát hành ngắn hạn tăng từ 500 tỷ lên hơn 700 tỷ đồng (250 tỷ đồng là khoản đầu tư trái phiếu của CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC).
Trong tầm nhìn trung và dài hạn, thị trường vẫn nhận được nhiều đánh giá khá lạc quan của các chuyên gia về đà tăng trưởng sắp tới. Thêm nữa, nửa cuối năm 2017 cũng là thời điểm những ông lớn niêm yết vào cuối năm 2016 như NVL, SAB, BHN, ACV và đầu năm 2017 như VJC, PLX được tháo chiếc vòng kim cô thời hạn 6 tháng của mình (cổ phiếu niêm yết dưới 6 tháng không được phép giao dịch ký quỹ). Sức nóng và dòng tiền đổ vào những mã này trên thị trường là không nhỏ, do đó trong nửa cuối năm 2017 sẽ là cơ hội để dòng tiền margin chảy về những ông lớn đầu ngành này./.
|