Thứ Ba, 05/09/2017 13:15

Lãnh đạo mua bán: Cổ phiếu đặc biệt và những cái tên quen thuộc

Tuần trước kỳ nghỉ Lễ (từ 29/08 đến 01/09) ghi nhận sự ra tay của nhiều vị lãnh đạo cầm trịch quyết tâm đi ngược đám đông khi đăng ký gom vào lượng lớn dù giá cổ phiếu đang tăng nóng hay lèo tèo vài ngàn đồng suốt thời gian dài.

Cái tên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và người nhà có tần suất xuất hiện khá liên tục trong mấy tuần qua khi thể hiện quyết tâm gom vào hàng loạt cổ phiếu không chỉ riêng tại FLC mà cả “bà con” khác là ROS và gần đây nhất là ART.

Bắt đầu từ ngày 05/09 này, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sẽ thực hiện mua vào 2 triệu cp ART nhằm mục đích tăng sở hữu từ mức 630,000 cp lên 2.63 triệu cp, chiếm 19.48% vốn ART. Trong khi đó, nửa cuối tháng 8, SD9 cho biết đã thoái hết hơn 2 triệu cp ART, tương ứng gần 15% vốn.

Điều đặc biệt, cổ phiếu ART vừa mới lên UPCoM hồi đầu tháng 8/2017 vừa qua với giá tham chiếu chỉ 5,000 đồng/cp. Từ đó, cổ phiếu ART cứ xen kẽ nhiều phiên xanh, rồi tím và đỏ chứ tuyệt nhiên không có những phiên giằng co quá mức căng thẳng. Để rồi kết phiên ngày 01/09, ART đã vọt lên tới hơn 27,000 đồng/cp, tức tăng gần 300% so với lúc lên sàn. Khối lượng giao dịch cũng rất sôi động khi bình quân tuần qua hơn 1.65 triệu cp/phiên.

Thật hợp thời khi trong giai đoạn cổ phiếu đang rất thu hút nhà đầu tư thì ART quyết định phát hành thêm 17.55 triệu cp tỷ lệ 10:13 với giá chỉ 10,000 đồng/cp, tức chưa tới ½ thị giá nhưng vẫn nhích hơn so với mức đóng cửa phiên lên sàn đầu tiên. Vốn điều lệ của ART dự kiến tăng hơn gấp đôi sau đợt phát hành, lên 310.5 tỷ đồng.

Trước khi đến với giao dịch ART, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sau khi gom thành công 20 triệu cp FLC thì tiếp tục đăng ký mua thêm 11 triệu cp bắt đầu từ ngày 15/09 tới. Nghĩa là nếu giao dịch thành công thì vị lãnh đạo này sẽ tăng sở hữu từ 22.6% lên 24.23% vốn FLC.

Trong khi đó, em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Minh Huế cho biết đã mua vào thành công 1 triệu cp ROS trong thời kỳ cổ phiếu này liên tục đi lên, với mức tăng gần 21% trong tháng qua, và đang đóng tại mức 113,000 đồng/cp.

Tuần trước kỳ nghỉ Lễ có rất nhiều giao dịch đi ngược đám đông.

Bắt đầu từ giữa tháng 8, cổ phiếu MST bỗng dưng tăng mạnh từ mức dưới mệnh giá vọt lên lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay với 14,500 đồng/cp. Trước con sóng đó, cổ đông lớn và hàng loạt lãnh đạo của MST đồng loạt chốt lời, chỉ riêng Chủ tịch đi ngược đám đông là đăng ký mua vào 2 triệu cp.

Cụ thể, khởi phát đầu tiên là cổ đông lớn Trần Tuấn Anh bán 300,000 cp MST, giảm sở hữu từ 6.06% xuống 4.39% và không còn là cổ đông lớn vào ngày 18/08. Tiếp sau đó, hai Ủy viên HĐQT Nguyễn Giang Nam và Ngô Xuân Dũng cũng chốt lời thành công lần lượt 350,000 cp và 250,000 cp trong ba ngày 28 đến 30/08. Trước tình cảnh đó, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Quang lại đăng ký mua vào 2 triệu cp trong thời gian từ cuối tháng 8 đến gần cuối tháng 9. Nếu giao dịch thành công, ông Quang sẽ tăng sở hữu doanh nghiệp của mình từ 11.11% vốn lên 22.22%, tương ứng 4 triệu cp MST.

Có lẽ đây là cơ hội lớn để chốt lời nên từ ngày 28/08 đến nay, cổ phiếu MST đang liên tục đỏ điểm và hiện giao dịch quanh vùng 13,000 đồng/cp, giảm 1.52% trong tuần qua, nhưng khối lượng giao dịch vẫn duy trì mức cao với bình quân tuần qua 658,560 cp/phiên được trao tay.

Được biết, MST đã miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với ông Trần Tuấn Anh (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ) kể từ ngày 24/05/2017. Còn ông Nguyễn Huy Quang được bầu bổ sung và giữ chức Chủ tịch MST trong đợt ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 5 vừa qua.

Hoạt động kinh doanh èo uột, cuộc chuyển giao quyền lực nhân sự cấp cao kèm theo nhiều hệ lụy từ đội ngũ lãnh đạo cũ... khiến cổ phiếu KHB nằm mãi dưới vùng 5,000 đồng/cp và duy trì diện cảnh báo từ tháng 8/2016 đến nay. Vậy nhưng, gần đây tân Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn vẫn mua bất thành 500,000 cp KHB dù giá chỉ ở mức 2,100 đồng/cp, giảm 13% trong tháng qua và khối lượng giao dịch vẫn sôi động khi bình quân hơn 660,000 cp/phiên. Vì thế, hiện Chủ tịch Sơn vẫn chỉ nắm 75,000 cp KHB, tương ứng 0.26% vốn.

Trong khi giá cổ phiếu BBS vẫn bình lặng và không có nhiều đột biến trong tháng qua nhưng cổ đông lớn và lãnh đạo rất siêng giao dịch. Cụ thể, trong khi cổ đông lớn AFC Vietnam Fund thoái thành công hơn 5% và Ủy viên HĐQT Nguyễn Trọng Cảnh cũng bán hết hơn 13.18% vốn tại BBS, thì Giám đốc Trần Ngọc Hưng đã gom vào gần như thành công hơn 900,000 cp, tương ứng nắm giữ 15.66% vốn và còn muốn mua tiếp 250,000 cp./.

Các tin tức khác

>   HBC: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của CĐNB Phương Công Thắng (05/09/2017)

>   SDT: Nguyễn Thị Lụa - người có liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT - đã bán 7,900 CP (05/09/2017)

>   NSC: Thông báo giao dịch cổ phiếu của CĐNB Đỗ Tiến Sỹ (05/09/2017)

>   SSI: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của CĐNB Bùi Quang Nghiêm (05/09/2017)

>   FDT: Huỳnh Bá Lân - Ủy viên HĐQT - đã bán 63,000 CP (05/09/2017)

>   BCG: Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam chuyển nhượng 2.7 triệu cp cho vợ (04/09/2017)

>   VFR: SCIC đăng ký thoái sạch 7.9% vốn (03/09/2017)

>   Vietinbanksc.: VietinbankSC: Thực hiện giao dịch với Người có liên quan (01/09/2017)

>   CEE: Đầu tư Tân Tam Mã đã mua vào 1 triệu cp (01/09/2017)

>   NED: CTCP Sông Đà 10 - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - đã bán 4,230,000 CP (01/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật