Thứ Hai, 04/09/2017 22:28

Không cần có bản chính đăng ký xe khi lưu thông

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có kết luận cho phép người điều khiển phương tiện giao thông được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm theo bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng khi tham gia lưu thông.

Điều này đồng nghĩa với việc người lái ô tô không cần phải có bản chính giấy tờ xe (với xe đã được thế chấp cho tổ chức tín dụng) khi phải lưu thông vốn gây ra "cuộc chiến" giữa ngân hàng và công an trong việc xử phạt xe không có giấy tờ gốc thời gian gần đây.

Cụ thể, tại văn bản 8601/VPCP-CN vào trung tuần tháng 8 rồi, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến cho phép người điều khiển phương tiện giao thông được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký phương tiện giao thông kèm theo bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng (TCTD) còn hiệu lực, thay cho bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian TCTD giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành công an. Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thanh tra giao thông vận tải và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, thực hiện ý kiến chỉ đạo trên đây của Thủ tướng trong thực thi công vụ.

Đồng thời, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn TCTD cấp giấy biên nhận nêu trên, bảo đảm chặt chẽ và chỉ cấp một bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.

Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng, ngày 31-8 rồi, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 7000/NHNN-PC hướng dẫn việc cấp giấy biên nhận giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (giấy biên nhận thế chấp).

Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận thế chấp có trách nhiệm cấp cho bên thế chấp một bản gốc giấy biên nhận thế chấp khi TCTD nhận thế chấp phương tiện giao thông. Trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bằng phương tiện giao thông, việc cấp giấy biên nhận thế chấp do TCTD nhận thế chấp và bên thế chấp thỏa thuận.

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm cấp một bản gốc giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc. Kể từ ngày TCTD nhận giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đối với trường hợp cấp mới; hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên thế chấp đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy biên nhận thế chấp.

Thời hạn hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực của hợp đồng thế chấp.

Đối với các trường hợp thế chấp phương tiện giao thông trước ngày 1-9-2017 thì thứ nhất, trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày 31-8-2017, TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm thông báo cho bên thế chấp về việc TCTD nhận thế chấp cấp giấy biên nhận thế chấp cho phương tiện giao thông đang thế chấp tại TCTD.

Thứ hai, trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên thế chấp, TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm cấp một bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, một bản gốc giấy biên nhận thế chấp cho bên thế chấp theo hướng dẫn tại văn bản này.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ văn bản xác nhận của TCTD nhận thế chấp về việc TCTD giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã cấp trước ngày 1-9-2017 không có giá trị kể từ ngày 1-12-2017.

Về cấp đổi giấy biên nhận thế chấp, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, việc cấp lại giấy biên nhận thế chấp được thực hiện trong hai trường hợp sau: (i) Khi có thỏa thuận thay đổi thời hạn thế chấp; (ii) Khi mất Giấy biên nhận thế chấp.

Trường hợp TCTD nhận thế chấp và bên thế chấp có thỏa thuận thay đổi thời hạn thế chấp dẫn đến thời hạn thế chấp ngắn hơn thời hạn có hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp, thì bên thế chấp có trách nhiệm nộp lại bản gốc giấy biên nhận thế chấp đã cấp; TCTD nhận thế chấp có trách nhiệm cấp lại một bản gốc giấy biên nhận thế chấp mới.

Trường hợp mất giấy biên nhận thế chấp, việc cấp lại Giấy biên nhận thế chấp được thực hiện như sau: (i) Bên thế chấp phải có văn bản thông báo rõ về việc mất giấy biên nhận thế chấp kèm đề nghị cấp lại giấy biên nhận thế chấp. Bên thế chấp phải cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông báo; (ii) TCTD nhận thế chấp cấp lại một bản gốc giấy biên nhận thế chấp.

Theo giới kinh doanh ô tô khoảng 80% lượng khách hàng mua ô tô hiện nay chủ yếu là vay tiền ngân hàng theo dạng thế chấp chính chiếc xe mình đã mua./.

http://www.thesaigontimes.vn/164292/Khong-can-co-ban-chinh-dang-ky-xe-khi-luu-thong.html

Các tin tức khác

>   TPHCM sắp có thêm tuyến buýt sông (04/09/2017)

>   Từ vụ VN Pharma, đề xuất thanh tra toàn bộ hai Cục của Bộ Y tế (04/09/2017)

>   Dán tem truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm (04/09/2017)

>   Trông Hàn Quốc, ngẫm ta (04/09/2017)

>   Cần ứng xử đúng với Bitcoin (04/09/2017)

>   Giá gạo đồng loạt giảm tại các nước xuất khẩu chính (04/09/2017)

>   Bài toán hạ tầng pháp lý cho mô hình kinh doanh thương mại điện tử (04/09/2017)

>   Thi công nhánh thứ hai cầu vượt "giải cứu" cửa ngõ Tân Sơn Nhất (03/09/2017)

>   O2O tăng sức mạnh bán lẻ (03/09/2017)

>   7 dự án trọng điểm nhằm khai thác tốt hệ đầm phá Tam Giang (03/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật