Thứ Sáu, 22/09/2017 09:12

IPO Idico: Định giá 18,000 đồng/cp, liệu có quá rẻ?

Với quy mô vốn chủ sở hữu 2,850 tỷ và 12,756 tỷ đồng tổng tài sản, nhiều nhà đầu tư đã không khỏi thắc mắc liệu mức giá 18,000 đồng/cp của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (Idico) có quá rẻ?

Roadshow "Cơ hội đầu tư cổ phiếu Idico" được tổ chức ngày 21/09.

Theo kế hoạch, Idico dự kiến bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 55.3 triệu cổ phiếu vào ngày 05/10/2017 với giá khởi điểm 18,000 đồng/cp. Trả lời về mức giá trên, đại diện CTCK Bản Việt (VCI) cho biết mức giá này đã được Công ty xem xét cân đối sau khi so sánh với một số doanh nghiệp có cùng quy mô trong ngành. Hơn nữa, mức giá trên chỉ mang tính thời điểm, do đó Bản Việt nhấn mạnh 18,000 đồng/cp là một mức giá phải chăng, cũng để tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu Idico lần đầu ra mắt.

Sau gần 2 năm tiến hành các công tác cổ phần hóa, Bộ Xây dựng đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp Idico tại Quyết định 1144/QĐ-BXD ngày 04/11/2016 (tính đến ngày 01/01/2015: Giá trị doanh nghiệp đạt 8,899 tỷ, giá trị vốn Nhà nước 2,532 tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Công ty mẹ - Tổng Công ty Idico tại Quyết định 776/QĐ-TTg ngày 17/03/2017 (vốn điều lệ 3,000 tỷ: Cổ phần Nhà nước 36%, cổ phần ưu đãi cho người lao động 0.56%, cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược 45%, cổ phần bán đấu giá công khai 18.44%).

Một nhà đầu tư thắc mắc: "18,000 đồng/cp đúng là quá hấp dẫn với một cổ phiếu như Idico, song liệu tương lai Idico có bị thanh tra khi mà bán tài sản Nhà nước quá rẻ như vậy?"

Ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng Giám đốc Idico một lần nữa khẳng định, việc định giá cổ phiếu Idico là có cơ sở và được thực hiện bởi cơ quan thẩm định giá hẳn hoi, nên sẽ không có chuyện gây thất thoát tài sản Nhà nước ở đây. Hơn nữa, mức giá ghi trong chứng thư thẩm định giá cũng chỉ có 14,000-17,000 đồng/cp, chưa kể mức giá Idico trình Thủ tướng chỉ là 11,000 đồng/cp. Do đó, mức giá 18,000 đồng/cp là phù hợp.

Đã có 12 nhà đầu tư đăng ký, trong đó 3 nhà đầu tư lớn đã đặt cọc

Chia sẻ về danh sách nhà đầu tư lớn đăng ký mua trong đợt IPO này, ông Đạt cho biết hiện Idico đã nhận được quan tâm từ 12 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của Idico. Đặc biệt, tính đến nay Công ty đã nhận cọc của 3 nhà đầu tư lớn. Song, Idico vẫn đang trong quá trình đàm phán, hiện vẫn chưa thể công bố danh sách cụ thể. Khoảng cuối tháng 9, trước thời điểm IPO Công ty sẽ công khai danh tính nhà đầu tư chiến lược sau khi đã chốt danh sách.

Về tiêu chí lựa chọn Idico đưa ra, nhà đầu tư chiến lược phải có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu 5 năm tính đến hết năm 2016. Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất (2014-2016) đảm bảo đủ khả năng tài chính để mua tối thiểu 15% vốn điều lệ của Công ty. Chưa hết, tổng tài sản tối thiểu phải đạt 2,500 tỷ đồng, hoặc 115 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối năm 2016. Cùng với đó, vốn chủ sở hữu hợp pháp tối thiểu 1,500 tỷ đồng, hoặc 68 triệu USD đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với tiêu chí về hoạt động, nhà đầu tư chiến lược phải có lợi nhuận tối thiểu bằng 5% doanh thu trong 3 năm gần nhất trước thời điểm đăng ký. Tình hình tài chính tại thời điểm nộp hồ sơ không có nợ quá hạn và lỗ lũy kế, không nợ xấu, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật. Đặc biệt, nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết không chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong thời gian tối thiểu 10 năm.

Sau IPO, liệu Idico có còn hoạt động hiệu quả như hiện nay?

Trước thắc mắc của giới đầu tư về việc Ban lãnh đạo Idico có tiếp tục giữ cổ phiếu cũng như điều hành Công ty sau khi IPO hay không, ông Đạt khẳng định dĩ nhiên ông vẫn muốn là cổ đông của Công ty. Ngoài số cổ phiếu ưu đãi, ông khẳng định sẽ tham gia đấu giá theo khả năng tài chính của bản thân trong buổi đấu giá ngày 05/10 tới đây. Liên quan đến việc có tiếp tục làm lãnh đạo Idico hay không thì còn thuộc vào quyết định của HĐQT và ĐHĐCĐ lần đầu của Công ty.

“IPO là một xu thế tất yếu với mục đích cuối cùng để phát triển doanh nghiệp hơn nữa. Do đó, việc lựa chọn Ban lãnh đạo mới cho Idico sau IPO cũng rất khắt khe, chưa kể nhà đầu tư chiến lược phải cam kết đồng hành cùng Công ty 10 năm sau cổ phần hóa. Do đó, Ban lãnh đạo sắp tới đây của Idico mang nhiều tiềm năng lớn, kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa Idico đi lên”, ông Đạt nói thêm.

Sau IPO, Idico sẽ thực hiện niêm yết trên HOSE trong thời hạn 90 ngày. Đặt kế hoạch trong 3 năm tới, Idico dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình về cả doanh thu và lợi nhuận là 15%/năm.

Được biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Idico đạt doanh thu hợp nhất 2,760 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 339 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện Idico đang đầu tư xây dựng và vận hành 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 3,271 ha trên địa bàn cả nước, chiếm 3.6% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam. Một số khu công nghiệp Idico sở hữu như: Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 5 (Đồng Nai); Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân B1, Phú Mỹ II (Bà Rịa - Vũng Tàu), Kim Hoa (Vĩnh Phú)…/.

Các tin tức khác

>   TTF bán toàn bộ 68.52% vốn Công nghiệp Gỗ Trường Thành (21/09/2017)

>   FMC: Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng (21/09/2017)

>   MIG chi 50 tỷ đồng mua cổ phiếu CAV (21/09/2017)

>   MBB sắp phát hành hơn 17 triệu cp ESOP giá 10,000 đồng/cp (22/09/2017)

>   HBC dự kiến phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP (21/09/2017)

>   Địa ốc Sài Gòn rót thêm hơn 10 tỷ đồng vào Kinh doanh Nhà Gia Định (21/09/2017)

>   TKV muốn tăng sở hữu NBC lên 65% vốn mà không phải chào mua công khai (21/09/2017)

>   CTI sẽ chi tối đa 24 tỷ mua 2 triệu cp Sonadezi Giang Điền (20/09/2017)

>   Taseco tăng giá chào mua công khai CC4 thêm 2,000 đồng/cp (20/09/2017)

>   BID sẽ thoái vốn tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners (20/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật