Thứ Tư, 13/09/2017 08:34

GIL: “Sao quả tạ” mang tên Dệt may Gia Định

Duyên nợ bắt đầu từ đợt IPO Dệt may Gia Định khi GIL trở thành đối tác chiến lược nắm đến 25% vốn. Trớ trêu khi tròn chẵn một năm trôi qua, Dệt may Gia Định chưa kịp trao quả ngọt lại trở thành trái đắng khiến GIL không thể hợp nhất lãi lỗ, bị cắt margin và trở thành gánh nặng cho đường giá không mấy sáng sủa.

Dệt may Gia Định hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp dệt và may mặc tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu có vốn điều lệ gần 630 tỷ đồng. Đơn vị này sở hữu hơn 10 công ty con, công ty liên doanh - liên kết cũng hoạt động trong lĩnh vực liên quan ngành dệt may và có một nguồn thu tài chính khá ổn định hằng năm thông qua cổ tức và lợi nhuận được chia.

Theo bản công bố thông tin cho lần IPO vào ngày 18/03/2017, phương án cổ phần hóa cho tổng số cổ phần 62.7 triệu cp gồm cổ phần nắm giữ của Nhà nước là 49%, 25% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược, 24.28% tổng số cổ phần còn lại được bán đấu giá công khai ra bên ngoài và phần nhỏ còn lại bán cho cán bộ công nhân viên.

Sợi dây gắn GIL và Dệt may Gia Định bắt đầu từ đợt cổ phần hóa này. Được biết, GIL đã thực hiện ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định như một nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần CTCP Dệt may Gia Định bằng hình thức đấu thầu vào ngày 10/05/2016. Với số lượng trúng giá là 15.7 triệu cp (tương đương sở hữu 25% vốn) có giá 11,900 đồng/cp, tổng trị giá gần 187 tỷ đồng.

Ì ạch hồ sơ đại chúng, trễ hẹn UPCoM và mơ hồ thông tin

Sau khi thực hiện IPO, Dệt may Gia Định đã chính thức trở thành công ty đại chúng từ ngày 05/08/2016. Điều đáng nói là phải tận đến ngày 13/12/2016, Dệt may Gia Định mới có động thái nộp hồ sơ đăng ký đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Cũng chính vì chây ì trong thực hiện hồ sơ, UBCKNN đã đưa ra quyết định phạt tiền 5 triệu đồng.

Song song đó, những câu chuyện xoay quanh việc thực hiện ĐHĐCĐ lần đầu tiên sau khi cổ phần hóa (7/2016) cũng khiến cái tên Dệt may Gia Định dần trở nên không đẹp trong mắt nhà đầu tư. Từ những lùm xùm quanh việc cổ đông không thể dự họp vì mẫu giấy ủy quyền không theo mẫu Công ty, đến việc các cổ đông không đồng thuận khi có gần 50% số cổ phần luôn phủ quyết mọi tờ trình.

Theo đó, kế hoạch lên sàn UPCoM vẫn còn bỏ ngỏ đến hôm nay dù theo Quyết định số 51/2014, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cũng từ khi hoàn tất IPO, cổ đông của Dệt may Gia Định khá gian nan để tiếp cận thông tin của Công ty như báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 và nửa đầu năm 2017, đến báo cáo quản trị hay biên bản, nghị quyết của cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 lần 2 đều không được công bố.

Điểm sơ về hoạt động kinh doanh, giai đoạn từ năm 2011-2013, Dệt may Gia Định luôn duy trì tăng trưởng trên 10% ở chỉ tiêu doanh thu và hơn 20% với lãi ròng. Bước sang năm 2014, hai chỉ tiêu này quay đầu sụt giảm và năm 2015, Công ty chỉ công bố số liệu quý 3 nhưng cũng đủ phản ánh được sự sa sút của Dệt may Gia Định khi cả doanh thu và lợi nhuận đều chưa bằng 25% giá trị của năm trước đó. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3/2015 dừng tại 64 tỷ trong khi cả năm 2014 đạt hơn 369 tỷ đồng và lãi ròng vỏn vẹn 2.6 tỷ, còn khá xa so với 10.6 tỷ đồng của năm trước đó.

“Sao quả tạ” của GIL

Đầu dây còn lại của sợi tơ duyên này là CTCP SXKD & XNK Bình Thạnh . Nhắc đến GIL, nhà đầu tư hẳn vẫn chưa quên được vị ngọt mà cổ phiếu này mang lại trong năm 2016.

GIL có một hành trình tăng giá chậm rãi, ổn định nhưng lại khá khiêm tốn trong khoảng từ 2010-2016. Là một cổ phiếu chỉ suýt soát mệnh giá (năm 2010) nhưng sau hơn 6 năm, mức giá ghi nhận cao gấp 3 lần tại 30,000 đồng/cp. Nhưng đây chưa phải là tất cả, từ cuối tháng 4/2016, một cơn sóng dựng đứng đẩy GIL liên tục chinh phục những mức kỷ lục của mình từ khi niêm yết đến nay. Đỉnh điểm của đường giá nóng bỏng này là con số 64,800 đồng/cp tại phiên ngày 29/09/2016 tương ứng tăng hơn 410% so với thời điểm 2010.

GIL tiếp tục tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư bằng kế hoạch 2017 duy trì tăng trưởng so với năm trước với doanh thu dự đạt 1,400 tỷ đồng, lãi sau thuế dao động từ 75-85 tỷ đồng và cổ tức dự kiến trong khoảng 25-35%. Song song đó là mối lương duyên với Dệt may Gia Định được hình thành từ giữa năm 2016 nhằm nâng công suất phục vụ nhu cầu đơn hàng ngày càng tăng của đối tác ngoại và đây cũng là một trong những mục tiêu dài hạn của GIL.

Cứ ngỡ với những kế hoạch tăng trưởng, cổ tức cao, tăng cường đầu tư hợp tác và tiềm năng sẵn có của ngành dệt may năm 2017, GIL sẽ tiếp tục bay cao. Thế nhưng, đường giá của GIL sau khi chạm đỉnh 64,800 đồng/cp lại bất ngờ lao dốc, tính đến phiên ngày 06/09/2017 thì cổ phiếu này đã bốc hơi hơn 51% về còn 33,100 đồng/cp. Ban lãnh đạo GIL từng đưa ra phân trần khá ngắn gọn là do một số cổ đông lớn thoái vốn, kéo giá cổ phiếu đi lùi. Thế nhưng câu chuyện có thể còn nhiều hơn vậy.

Diễn biến giá GIL từ năm 2010 đến nay

Trong tháng 5/2017, nội bộ doanh nghiệp có những dấu hiệu "cơm không lành, canh không ngọt" khi GIL tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 bất thành vì không đủ điều kiện tiến hành chỉ có 54% số cổ phần tham gia dự họp. Tiếp đó, hai Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Lê Thị Lệ Hằng và Trưởng Ban kiểm soát Nguyễn Đức Minh đồng loạt dứt áo ra đi. Khoảng trống để lại nhưng việc bầu bổ sung cũng bỏ ngỏ trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 lần 2 vì không có ứng viên.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017 lại không được suôn sẻ, dù doanh thu đã nhanh chóng vượt mốc 1,000 tỷ đồng và thực hiện đến 74% chặng đường kế hoạch, nhưng do tiếp cận những đơn hàng mới GIL chưa thể tối ưu được năng suất sản xuất khiến giá vốn không được điều tiết tốt, tăng hơn 52%. Kéo theo đó là kết quả lãi ròng đạt được chỉ 49 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Đỉnh điểm mới đây nhất là việc GIL bị cắt margin vì đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo soát xét bán niên năm 2017. Nguồn cơ lại chính là mối lương duyên với Dệt may Gia Định (từng là kỳ vọng tăng trưởng của GIL) khi đơn vị này chây ì giấy tờ liên quan hồ sơ đại chúng. Theo ý kiến của kiểm toán, Dệt may Gia Định vẫn còn đang trong quá trình quyết toán với Nhà nước chưa chốt được báo cáo tài chính năm 2016 dẫn đến chưa xác định được giá trị hợp lý của đơn vị này nên GIL phải tạm treo khoản đầu tư này ở mục đầu tư vào các đơn vị khác và không thể tiến hành hợp nhất.

Như vậy, đường giá trầy trật suốt nửa đầu năm 2017 của GIL giờ đây phải gánh thêm một “sao quả tạ” mang tên Dệt may Gia Định và hiện chưa rõ khi nào sẽ được giải quyết khi đơn vị này vẫn cứ mù mờ thông tin./.

Các tin tức khác

>   SCL mua lại 363,000 cp cấn trừ nợ trước đó để làm cổ phiếu quỹ (13/09/2017)

>   SLS: Lãi trước thuế niên độ 2016-2017 gấp 2.5 lần kế hoạch, cổ tức 60% (13/09/2017)

>   SD9: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (12/09/2017)

>   SFN: Ngày đăng ký cuối cùng (12/09/2017)

>   VGP: Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 (12/09/2017)

>   KTS: Báo cáo tài chính năm 2017 (12/09/2017)

>   ALV: Giải trình chênh lệch trên BCTC bán niên cty mẹ so với cùng kì (12/09/2017)

>   ALT: Giải trình liên quan BCTC bán niên 2017 _ Cty mẹ (12/09/2017)

>   LTC: Báo cáo tài chính quý 2/2017 (12/09/2017)

>   KDH: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt và thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm (12/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật