Giải ngân cho dự án trọng điểm: Lắm cha con khó lấy chồng
Với dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM), trong khi phía cung cấp vốn ODA là Nhật Bản đã chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng thì có gì đó không ổn trong việc điều phối vốn của các cơ quan quản lý nhà nước phía Việt Nam.
Vì không được giải ngân vốn đúng cam kết, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) khó mà hoàn thành kịp vào năm 2020. Trong dự toán 2,491 tỉ đô la Mỹ (đã được điều chỉnh tăng từ 1,091 tỉ đô la Mỹ) của dự án, gần 90% là vốn ODA của Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách của TPHCM (khoảng 200 triệu đô la Mỹ).
Thiếu vốn vì thủ tục
Có một thực tế là tiến độ giải ngân của nhiều dự án đầu tư từ ngân sách hiện nay bị chậm, mà lý do không phải là vì thiếu tiền. Theo ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm tháng đầu năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn chỉ đạt 19%, số vốn tồn đọng ở Kho bạc Nhà nước là rất lớn, hiện có tới 200.000 tỉ đồng gửi ngân hàng.
Việc giải ngân chậm của các dự án đầu tư công từ trung ương đến địa phương đôi khi do khó khăn trong bố trí nguồn vốn nhưng phần lớn lại là do các quy trình thủ tục. Hiện nay, một dự án đầu tư công phải được nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng thông qua và quản lý, trong đó luôn có bên kế hoạch - đầu tư và tài chính. Chẳng hạn, một dự án về giao thông sẽ phải do ít nhất ba cơ quan quản lý: kế hoạch - đầu tư, tài chính, giao thông vận tải cùng tham gia. Trong các đơn vị này, cơ quan tài chính có vai trò duyệt ngân sách và chi (qua Kho bạc Nhà nước) nên là nơi có thể phát sinh nhiều ách tắc liên quan đến nhiều quy định nhiêu khê về chứng từ hay quy trình. Điều này, những ai đã từng làm thủ tục tạm ứng hay quyết toán với Kho bạc Nhà nước chắc đều thấu hiểu.
Trở lại trường hợp dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, mặc dù hiện nay câu chuyện được hướng vào việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư, nhưng đề xuất của TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý từ năm 2011, và Thủ tướng đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành liên quan báo cáo Quốc hội từ thời điểm đó. Vấn đề hiện nay của dự án không phải là vốn đầu tư bao nhiêu (chuyện đã rồi, yêu cầu giải trình nếu cần thiết), mà là tiến độ giải ngân của dự án bị chậm. Theo ông Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đến tháng 4-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới phân bổ vốn năm 2017 cho dự án này 2.119 tỉ đồng, so với nhu cầu cả năm là 5.422 tỉ đồng. Trong khi vốn cho dự án phần lớn là vốn ODA đã cam kết, việc giải ngân chậm là do “quy trình nội bộ” từ phía Việt Nam, thì có phải do bị kẹt ở câu chuyện “thủ kho to hơn thủ trưởng”?
Đọc thêm tại đây.
|