Thứ Hai, 04/09/2017 20:00

Chuyển động dòng tiền tuần 28/08-01/09:

Đỉnh cao của VIC và sự trở lại kịp thời của nhóm ngân hàng

Thị trường đang có cơ hội lớn để vượt mốc tâm lý 800 điểm khi mà ông lớn VIC cùng với nhóm ngân hàng đang là tâm điểm của dòng tiền.

Trong tuần giao dịch trước lễ (28/08-01/09), thị trường đã tăng điểm khá tốt nhờ vào đà tăng của nhóm bluechip mà đặc biệt từ cổ phiếu VIC. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần tăng 2.22% đứng tại 788.73 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 1.14% và đang dừng ở 103.81 điểm.

Cùng với đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 203.9 triệu đơn vị/phiên, tăng 16.19% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 47.5 triệu cổ phiếu/phiên, tăng trưởng 9.12%.

Một điểm đáng chú ý trong tuần giao dịch trước lễ đó là dòng tiền tăng trưởng khá mạnh trên nhóm bluechip. Trên sàn HOSE, có 77 mã tăng trưởng dòng tiền so với tuần giao dịch trước đó (xét trên nhóm có khối lượng giao dịch trên 100,000 cp/phiên), trong đó 14 mã tăng trưởng trên 100%. Nhóm vốn hóa lớn phải kể đến như VIC, GAS, MWG, VNM, MSN, ROS, PVD, HPG, GMD, NVL

Và nổi bật nhất chính là VIC khi cổ phiếu này chính thức lập một kỷ lục mới cho riêng mình. Theo đó, VIC đóng cửa tuần tại 49,400 đồng/cp, ghi nhận mức tăng trưởng 9% và cũng là mức đóng cửa cao nhất mà cổ phiếu này đạt được kể từ khi niêm yết (tăng gần 650% từ lúc niêm yết). Thêm vào đó, khối lượng giao dịch bình quân VIC tuần qua đạt hơn 1.1 triệu cp/phiên, tăng trưởng hơn 230% so với tuần trước đó.

Nhờ đâu mà VIC được nhà đầu tư mạnh tay giải ngân như vậy? Có hai luồng thông tin đáng chú ý xuất hiện trong tuần qua đã hỗ trợ VIC. Cụ thể, thông tin về việc Vincom Retail đang có kế hoạch thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại thị trường trong nước với số tiền huy động được có thể lên tới 600 triệu USD đã tác động mạnh tới những nhà đầu tư ngắn hạn. Nếu diễn ra đúng như kế hoạch, đợt chào bán cổ phiếu trị giá 600 triệu USD sẽ là đợt IPO lớn nhất trong một thập kỷ của Việt Nam, chỉ xếp sau đợt chào bán của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) trong năm 2007.

Dù chưa phải là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của VIC trong năm nay (kinh doanh bất động sản chiếm 70%) nhưng mảng bán lẻ của VIC vẫn tăng trưởng tốt. Riêng quý 2/2017, Vincom Retail tiếp tục khai trương 8 trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Plaza và Vincom+ tại 7 tỉnh, thành phố, đưa tổng số TTTM toàn hệ thống lên 40 cơ sở kinh doanh tại 21 tỉnh thành trong cả nước.

Ngoài ra, thông tin nóng nhất được nhắc đến tuần qua đó là việc VIC chính thức bước chân vào một lĩnh vực tiềm năng mới là sản xuất ô tô thông qua việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast để khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng. Mục tiêu của VinFast là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500,000 xe/năm vào năm 2025.

Bước chân vào lĩnh vực mới, Vingroup đã bắt đầu thắp lên ước mơ được sở hữu ô tô của người Việt, do đó cũng không ngạc nhiên khi giới đầu tư trên thị trường có những phản ứng tích cực đối với cổ phiếu VIC.

Tuần qua cũng đánh dấu sự trở lại của cổ phiếu nhóm ngân hàng khi phần lớn đều có dòng tiền gia tăng mạnh như VCB, BID, EIB, MBB, STB. Trong đó BID khá nổi bật khi giá bật tăng hơn 7% và khối lượng giao dịch bình quân đạt 2.7 triệu cp/phiên.

Ngược lại với nhóm ngân hàng thì nhiều mã bất động sản lại suy giảm mạnh dòng tiền, dẫn đầu trên HOSE là TDH với khối lượng giao dịch bình quân chỉ còn hơn 423,000 cp/phiên, giảm 69% so với tuần trước. Sau đó phải kể đến như QCG, IJC, NLG, HAR, HDC, CDO, VPH, LDG… Đáng chú ý HAR ngoài thanh khoản sụt giảm 28% thì giá cũng suy giảm gần 14%, lùi về mốc 10,350 đồng/cp. Lưu ý rằng mã này bắt đầu giảm điểm từ khi chạm mức đỉnh 16,400 đồng/cp ngày 08/08 vừa qua.

Một sự kiện đáng chú ý tuần qua đó là FTSE Vietnam Index công bố danh mục trong kỳ đảo danh mục lần 3 năm nay với việc thêm vào PLX và không loại mã nào. Tuy nhiên xét về giao dịch thì PLX không được nhà đầu tư nội đánh giá cao tuần qua khi dòng tiền giảm gần 20% và giá cũng giảm nhẹ.

Liên quan đến VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), sáng thứ 7 tuần này (ngày 09/09), quỹ này sẽ công bố danh mục mới. Theo dự báo của SSI nhiều khả năng FLC sẽ bị loại khỏi danh mục bởi chiếm tỷ trọng nhỏ nhất và nằm ngoài top 98% về vốn hóa tự do.

Còn trong tuần qua, cổ phiếu FLC dù là mã có khối lượng giao dịch bình quân cao nhất toàn thị trường, với hơn 45 triệu cp/phiên nhưng trước áp lực tháo hàng thì mã này vẫn giảm gần 16%.

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE

 

Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX

 

Các tin tức khác

>   SSI: VNM ETF có thể loại FLC (04/09/2017)

>   Tạo cung cầu giả cổ phiếu VMD, ông Phan Sỹ Hải bị phạt 550 triệu đồng (01/09/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 05/09 (05/09/2017)

>   FTSE Vietnam Index gọi tên PLX (01/09/2017)

>   ONE: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu (01/09/2017)

>   Không dễ ngăn chặn hành vi thao túng giá cổ phiếu (01/09/2017)

>   Chuyện ngân hàng tìm cổ đông ngoại: Gió đã đổi chiều? (01/09/2017)

>   01/09: Bản tin 20h qua (01/09/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 01/09 (01/09/2017)

>   SKG: Giá lao dốc sau lùm xùm thuế, Ban lãnh đạo đã kịp thoát hàng (31/08/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật