Thứ Bảy, 16/09/2017 08:30

Đến lúc tăng giám sát cho vay - huy động ngoại tệ?

NHNN vừa có văn bản số 7295/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ. Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN lại ban hành vào thời điểm này?

* NHNN yêu cầu kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ

Lãi suất 0%, một bộ phận khách hàng vẫn ưa chuộng nắm giữ ngoại tệ

Sau khi NHNN áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng USD cả với khách hàng cá nhân từ tháng 12/2015 còn 0%, một lượng lớn tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng đã chuyển dịch sang VNĐ trong năm 2016. Dù vậy, thời gian gần đây tiền gửi ngoại tệ lại có dấu hiệu tăng trở lại cho thấy nhu cầu ưa thích nắm giữ ngoại tệ đang tăng lên.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm nay của một số ngân hàng cũng cho thấy điều này, cụ thể tiền gửi ngoại tệ của Vietcombank đến 30/6/2017 tăng 6.7% so với mức tăng nhẹ 0.2% trong năm 2016, tương ứng của ACB là tăng 1.3% so với mức giảm đến 10.8% trong năm trước.

Dù lãi suất là 0%, tuy nhiên các khách hàng gửi ngoại tệ vẫn có cách kiếm được lợi nhuận. Hiện nay nhiều ngân hàng có chính sách áp dụng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá với biên độ khá thấp chỉ khoảng 2%, do đó khách hàng có thể lựa chọn gửi ngoại tệ tại những ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động VNĐ thấp, sau đó cầm cố sổ này để vay lại VNĐ và đem khoản tiền VNĐ này đi gửi lại ở ngân hàng khác có lãi suất huy động cao. Với lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn trên 6 tháng tại một số ngân hàng hiện nay ở mức khá cao từ 7- 8% thì khách hàng vẫn có lợi.

Do đó, nhiều khách hàng vẫn lựa chọn nắm giữ ngoại tệ để tại ngân hàng, vừa đảm bảo có lợi vừa kỳ vọng sẽ có lãi khi tỷ giá USD/VNĐ tăng lên trong ngắn hạn.

Với những dự báo áp lực ngoại hối càng về cuối năm sẽ càng tăng lên thì gần đây nhiều khách hàng càng có xu hướng chuyển sang nắm giữ ngoại tệ trở lại. Thâm hụt thương mại 8 tháng đầu năm nay hơn 2.1 tỷ USD, cộng với việc đồng USD có thể phục hồi mạnh trở lại trên thị trường quốc tế khi khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 vẫn ở mức cao, thì kỳ vọng kiếm lãi từ sự biến động tỷ giá có thể nhen nhóm trở lại, cũng như cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản dư nợ tín dụng cũng có thể sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm nay.

Ngoài ra, một số ý kiến về việc tăng trần lãi suất tiền gửi USD nổi lên trở lại gần đây cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, làm gia tăng kỳ vọng và tác động đến hành vi muốn nắm giữ ngoại tệ trở lại, dù chính sách này nếu thực hiện sẽ đi ngược lại với các chính sách chống đô la hóa đã kỳ công thực hiện từ trước đến nay.

Trong khi đó, với lãi suất huy động USD từ khách hàng là 0% nhưng lãi suất vay USD giữa các ngân hàng trên thị trường 2 hiện nay cao hơn nhiều so với lãi suất vay VNĐ, tất yếu cũng cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi trên thị trường 1, nên khó tránh khỏi việc một số ngân hàng dễ có động lực muốn huy động trên thị trường 1 bằng một số chính sách ưu đãi, chăm sóc khách hàng để thu hút tiền gửi ngoại tệ, khi hiệu quả là chi phí bỏ ra có thể rẻ hơn và thời gian sử dụng vốn được dài hơn. Chính vì vậy, NHNN mới có văn bản chấn chỉnh lại hoạt động huy động vốn bằng ngoại tệ trong thời điểm này.

Cẩn trọng với tín dụng ngoại tệ

Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ từ lúc này cho đến hết năm nay là điều rất cần thiết, nhằm hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu tăng vay đột biến trước thời điểm không còn được phép vay. Thực tế những năm trước đây, NHNN cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản ngưng cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ, nhưng sau đó đều phải hoãn lại do dư nợ vay ngoại tệ của nhóm doanh nghiệp này quá lớn và không thể tất toán đúng hạn theo quy định.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 8 tháng đầu năm nay là 11.5%, cao hơn cả mức tăng trưởng tín dụng VNĐ. Đáng lưu ý xu hướng tăng trưởng tín dụng đã luôn duy trì ở mức cao kể từ đầu năm đến nay, đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn với những gì đã diễn ra trong năm 2016, khi tín dụng ngoại tệ luôn duy trì xu hướng giảm dần trong 8 tháng năm ngoái và đến tháng 8/2016, theo số liệu của NHNN, vẫn còn giảm 0.33% so với đầu năm (theo số liệu của UBGSTCQG là tăng 1.7%).

Theo diễn biến của những năm trước đây, càng về cuối năm nhu cầu vay ngoại tệ sẽ càng tăng mạnh để đáp ứng các hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu chuẩn bị cho mùa cao điểm kinh doanh. Do đó với tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã ở mức cao đáng kể trong 8 tháng qua, nếu như trong quý 4 tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng nhanh theo các nhu cầu nhập khẩu thì rủi ro tiềm ẩn sẽ tăng lên là tất yếu và đồng thời gây áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 31/2016/TT-NHNN thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tất toán các khoản vay ngoại tệ vào cuối năm nay và không được vay lại. Do đó, cầu ngoại tệ từ nhóm khách hàng này để hoàn trả các khoản vay là đáng lưu ý và cũng góp phần gây áp lực lên thị trường ngoại hối trong nước.

Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ từ lúc này cho đến hết năm nay là điều rất cần thiết, nhằm hạn chế các doanh nghiệp xuất khẩu tăng vay đột biến trước thời điểm không còn được phép vay. Thực tế những năm trước đây, NHNN cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản ngưng cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ, nhưng sau đó đều phải hoãn lại do dư nợ vay ngoại tệ của nhóm doanh nghiệp này quá lớn và không thể tất toán đúng hạn theo quy định.

Trong thời điểm hiện nay, việc ban hành văn bản trên cũng phần nào cho thấy nhà điều hành đang có những lo ngại khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng đã tăng quá cao so với tốc độ tăng trưởng huy động vốn, cũng như khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá vào thời điểm cuối năm. Với lạm phát đang có tín hiệu tăng trở lại và chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng thêm thì việc giữ ổn định tỷ giá là điều cần thiết để niềm tin vào tiền đồng vẫn được duy trì.

Dù vậy, với việc Chính phủ vừa qua chỉ đạo NHNN phải tăng kế hoạch phát triển tín dụng từ mức 18% lên 21%, thì việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ có vẻ như đi ngược lại định hướng này, hoặc NHNN chỉ muốn dòng vốn ra tăng lên sẽ nằm ở tiền đồng và thật sự chảy vào các hoạt động đầu tư sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng, thay vì là ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu mà sẽ càng làm tăng thâm hụt thương mại, hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế nhìn từ phía tổng cầu./.

Các tin tức khác

>   Tuần bình yên của tỷ giá (15/09/2017)

>   NHNN cân nhắc khi sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trong ngành ngân hàng (15/09/2017)

>   Bộ Tài chính “chỉnh” thuế trước bạ loạt ôtô - xe máy, thu qua ngân hàng (14/09/2017)

>   Chi lãi ngoài! (14/09/2017)

>   Đề nghị tử hình Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân Hà Văn Thắm (14/09/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng tiếp 3 đồng (14/09/2017)

>   NHNN yêu cầu kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (14/09/2017)

>   VIB: Bố vợ Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ muốn bán hết gần 28 triệu cp (14/09/2017)

>   Khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại 3 công ty của PVN (14/09/2017)

>   UBCKNN nhận được Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của VPBank (13/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật