Chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi trước thềm lên sàn, hai tổ chức ngoại trở thành cổ đông lớn của Vincom Retail
Tính đến cuối quý 2/2017, Tập đoàn Vingroup vẫn nắm giữ 100% quyền biểu quyết và 97.53% lợi ích của Vincom Retail.
Cổ phiếu của Vincom Retail hiện đang trong quá trình đăng ký mã chứng khoán.
|
Theo thông tin công bố gần đây nhất của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC), sau khi chuyển đổi một lượng lớn cổ phiếu ưu đãi tại Vincom Retail theo tỷ lệ 1:1, hai tổ chức nước ngoài là WP Investments III B.V. và Credit Suisse AG, Singapore Branch đều trở thành cổ đông lớn của Công ty này.
Cụ thể hơn, WP Investments III B.V. (Hà Lan) trước giao dịch sở hữu hơn 288,329,095 cp ưu đãi, tương đương 75% tổng số cổ phiếu ưu đãi và 3,144 cp phổ thông của Vincom Retail. Ngày 20/09/2017, toàn bộ số cổ phiếu ưu đãi nói trên được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, nâng tổng số lượng cổ phiếu phổ thông mà WP Investments III B.V. nắm giữ lên 288,332,239 cp (15.17%).
Cùng ngày, Credit Suisse AG, Singapore Branch cũng được chuyển đổi 96,109,698 cp ưu đãi (25% tổng số cổ phiếu ưu đãi) thành cổ phiếu phổ thông, nâng số cổ phiếu phổ thông tại Vincom Retail mà quỹ này nắm giữ lên 96,110,746 cp (5.05%). Trước chuyển đổi, Credit Suisse AG chỉ sở hữu 1,048 cp phổ thông của Công ty.
Sau chuyển đổi, hai tổ chức ngoại nói trên nắm giữ tổng cộng hơn 384.4 triệu cp Vincom Retail, tương đương tỷ lệ sở hữu 20.22% vốn.
Cách đây hơn hai năm, hồi cuối tháng 6/2015, WP Investments III B.V và Credit Suisse AG, Singapore Branch đã hoàn tất việc đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail thông qua việc mua cổ phần ưu đãi do đơn vị này phát hành thêm, nâng giá trị khoản đầu tư của hai tổ chức trên tính đến thời điểm đó lên đến 300 triệu USD.
Theo các thỏa thuận đã ký trước đây, Vingroup đồng ý trao cho các nhà đầu tư này quyền được hoán đổi các cổ phần ưu đãi mà họ nắm giữ trong Vincom Retail lấy cổ phần phổ thông do Vingroup phát hành mới và quyền chọn mua cổ phần của Tập đoàn gắn liền với việc thực hiện quyền hoán đổi cổ phần đó, cùng một số quyền ưu đãi khác. Đến nay, hai nhà đầu tư mới thực hiện quyền hoán đổi cổ phần.
Được biết, ngoài hai tổ chức trên, quỹ đầu tư Mỹ Warburg Pincus cũng đã đầu tư tổng cộng 300 triệu USD vào Vincom Retail, đợt đầu vào năm 2013 và đợt 2 vào năm 2015. Theo nguồn tin từ Bloomberg, nhóm nhà đầu tư do Warburg Pincus làm đầu mối sẽ nắm giữ 20% cổ phần của Vincom Retail, đây cũng là cổ phiếu ưu đãi của Vincom Retail - loại cổ phiếu không có quyền biểu quyết.
Vingroup cho biết thêm, cổ phiếu của Vincom Retail hiện đang trong quá trình đăng ký mã chứng khoán.
Hàng khủng sắp lên sàn
Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cách đây vài ngày vừa cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Vincom Retail với số lượng cổ phiếu tới hơn 1.9 tỷ cp, tương ứng vốn điều lệ 19,010 tỷ đồng. Phía Vingroup cho biết, sau niêm yết, Tập đoàn dự định sẽ vẫn là cổ đông lớn của Vincom Retail. Tính đến cuối quý 2/2017, Tập đoàn Vingroup nắm giữ 100% quyền biểu quyết và 97.53% lợi ích của Vincom Retail.
Hồi đầu tháng 8/2017, theo nguồn thông tin trích dẫn bởi Bloomberg, Vincom Retail đang có kế hoạch thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường trong nước với số tiền huy động dự kiến có thể lên tới 600 triệu USD, trong đó bao gồm bán cổ phiếu hiện hành cũng như phát hành cổ phiếu mới. Nếu diễn ra đúng như kế hoạch, đây sẽ là thương vụ IPO lớn thứ hai trong một thập kỷ qua của Việt Nam, chỉ xếp sau đợt chào bán của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) trong năm 2007.
Vincom Retail là đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup; hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Công ty này đang sở hữu, vận hành và quản lý các trung tâm thương mại của Vingroup với 4 thương hiệu nhánh: Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+.
Giá trị hợp lý của bất động sản đầu tư của Vingroup tại thời điểm cuối quý 2/2017
* Theo báo cáo định giá dự thảo bởi một đơn vị định giá độc lập.
|
Dù chưa phải là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Vingroup trong năm nay (kinh doanh bất động sản chiếm 70%) nhưng mảng bán lẻ của Vingroup vẫn tăng trưởng tốt. Riêng quý 2/2017, Vincom Retail tiếp tục khai trương 8 trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Plaza và Vincom+ tại 7 tỉnh, thành phố, đưa tổng số TTTM toàn hệ thống lên 40 cơ sở kinh doanh tại 21 tỉnh thành trong cả nước.
6 tháng đầu năm 2017, doanh thu mảng chuyển nhượng bất động sản của Vingroup mang về hơn 23,683 tỷ đồng, còn cho thuê bất động sản đầu tư là hơn 2,096 tỷ đồng, đều tăng khá mạnh so cùng kỳ 2016.
Vincom Retail tiền thân là Công ty TNHH Vincom Retail, được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Tháng 5/2013, nhằm cơ cấu lại các hoạt động quản lý kinh doanh, Vingroup đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Phòng, Công ty TNHH Vincom Center Long Biên, Vincom Center Bà Triệu và Vincom Center B TP.HCM cho Công ty TNHH Vincom Retail với giá trị là 2,325 tỷ đồng. Theo đó, Vincom Retail đã chính thức chuyển từ hình thức TNHH sang công ty cổ phần để quản lý các công ty con.
Đến cuối tháng 4/2017, theo thông tin từ BCTC quý 2/2017, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (UPCoM: SDI) - công ty con do Vingroup sở hữu 94% vốn - đã nhận chuyển nhượng 29.12% cổ phần tại Vincom Retail từ Vingroup với tổng giá phí chuyển nhượng hơn 4,416.5 tỷ đồng. Theo đó, Vincom Retail trở thành công ty liên kết của SDI.
|
|